'Con voi bắt đầu chạy'

Đó là nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được Times of India đăng tải ngày 9-8.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMF

Theo IMF, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ rất tươi sáng nhờ áp dụng các chính sách gần đây. Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ năm tài chính 2018-2019 là 7,3% và năm tài chính 2019-2020 là 7,5% nhờ tăng mạnh về đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

Theo IMF, nền kinh tế Ấn Độ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đóng góp 15% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế nước này cũng giúp hàng triệu người thoát nghèo. Tờ Times of India dẫn lời ông Ranil Salgado, trưởng đại diện IMF tại Ấn Độ, nói: “Ấn Độ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc”. Theo ông, xu thế này sẽ kéo dài trong 30 năm tới hoặc hơn nữa. Báo còn dẫn lời ông Salgado cho rằng nền kinh tế 2,6 ngàn tỷ USD của Ấn Độ như “con voi đang bắt đầu chạy”.

Bắt đầu từ năm 1991, nền kinh tế Ấn Độ theo đuổi tư duy tự do hóa kinh tế. Nhưng sau đó, do sự suy giảm kéo dài trong tăng trưởng toàn cầu, lực lượng lao động giảm, các khoản đầu tư yếu, nợ xấu của ngành ngân hàng và doanh nghiệp đã tác động đến nỗ lực của Ấn Độ để đạt được tiềm năng tăng trưởng. Bất chấp những thách thức này, Ấn Độ đã vượt qua và tăng trưởng trở lại. Theo IMF, Ấn Độ có chính sách kinh tế vĩ mô tốt, các chính sách định hướng ổn định cũng như một số cải cách quan trọng được tung ra trong những năm gần đây, nhất là hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ (GTS). Mặc dù phát sinh một số vấn đề nhỏ, GST được IMF đánh giá là một lợi ích lớn đối với Ấn Độ. Ông Salgado nói: “Đó là điều khó thực hiện. Các nước khác đã phải vật lộn. Ở Ấn Độ còn phức tạp hơn nhiều vì có 29 tiểu bang và vùng lãnh thổ với nhiều luật riêng. Tôi nghĩ đây là một thành tích tuyệt vời”. Ngoài ra, theo IMF, Luật phá sản (IBC) cũng là một thành tựu lớn khác giúp cân bằng quyền lực giữa người mắc nợ và chủ nợ và cải thiện kỷ luật trả nợ của công ty. Thành tựu lớn thứ ba của Ấn Độ là nhắm mục tiêu là duy trì ổn định chỉ số lạm phát. Bên cạnh đó là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tự do hóa hơn nữa nguồn vốn FDI, tăng cường quản trị trong các ngân hàng khu vực công để bổ sung cho các cải cách trong lĩnh vực tài chính.

Các nhà kinh tế hàng đầu thế giới hy vọng rằng trong vòng 20 - 25 năm tới, Ấn Độ sẽ phát triển nhanh hơn bất kỳ một đất nước lớn nào khác. Lực lượng lao động của nước này vẫn còn trẻ và ngày càng tăng, bao gồm hàng triệu người nói tiếng Anh. Các công ty Ấn Độ đang ngày càng vươn ra toàn cầu. Các công ty Ấn Độ xuất khẩu nhiều dịch vụ, nhưng họ vẫn tập trung vào những nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Mặc dù vậy, IMF cho rằng nền kinh tế của Ấn Độ vẫn đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn như giá dầu tăng cao, rào cản thương mại, xung đột địa chính trị… IMF khuyến cáo rằng Chính phủ Ấn Độ nên tận dụng đà tăng trưởng cao để giảm nợ công, đơn giản hóa hệ thống thuế tiêu thụ và tiếp tục dần dần siết chặt chính sách tiền tệ (nâng lãi suất). Bên cạnh đó phải xem việc tiếp tục cải cách cấu trúc kinh tế là chìa khóa của tăng trưởng.

HUY QUỐC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/con-voi-bat-dau-chay-537983.html