Con Vá, con Ki của cụ Phan Bội Châu

Vá và Ky là tên hai con chó của cụ Phan Bội Châu nuôi trong thời gian bị thực dân Pháp giam lỏng ở dốc Bến Ngự (Huế) từ 1925- 1940. Cụ yêu thương Vá và Ky đến mức khi 'hai đứa' lìa đời, cụ đắp mộ và đề bia mộ bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ.

Bia mộ con Vá và Ki bằng chữ Hán và Quốc ngữ do cụ Phan Bội Châu lập phía dưới mộ phần. Ảnh: NGUYỄN DO

Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự (đường Phan Bội Châu, thành phố Huế) hiện là một “điểm đến” của du khách khi đến Huế. Nhưng không nhiều người biết rằng dưới chân phần mộ Phan Bội Châu trong khuôn viên nhà lưu niệm còn có phần mộ và bia của hai con chó tên là Vá và Ky.

Bia mộ con Vá ghi: “Nghĩa dũng cẩu Con Vá chi trủng”, một bằng chữ Hán, một dịch ra chữ Quốc ngữ dịch có nội dung như sau: “Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó. Ôi con Vá này, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú; nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chó”.

Bia mộ con Ki khắc chữ Hán: “Nhân trí cẩu Ki chi trủng” vào năm Đinh Sửu (5 năm sau ngày con Vá chết). Bia mộ chữ Quốc ngữ của con Ky có nội dung: “Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy! Ai ngờ con Ki này lại đủ hai đức ấy. Chung nhau thờ một chủ, thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thiệt là nhân đó. Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng cơm dẫn dụ, thiệt là trí đó. Trí vừa nhân. Nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mày mới thấy. Mày sao vội chết! Hỡi trời! Hỡi trời! Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời. Đau đớn quá! Đau đớn quá! Kìa những hạng muông người!”.

Tư liệu lịch sử chưa thấy thông tin cụ Phan Bội Châu kể chuyện về con Ky. Nhưng trên tờ “Trung kỳ tuần báo” số 14, ra ngày 15.4.1936, cụ Phan Bội Châu có đăng bài kể về lịch sử con Vá rất thú vị. Câu chuyện trên năm 1992 được in lại trong “Phan Bội Châu toàn tập” (tập 4) của NXB Thuận Hóa do GS. Chương Thâu sưu tầm và biên soạn.

“Năm Giáp tuất âm lịch (1934), ngày 21 tháng 5, con chó nhà tôi nuôi tên là Vá nhân mắc bệnh đầu ung từ biệt tôi về với nước chó.

Tôi thương nó. Tôi đắp mồ táng cho nó. Mồ cao rộng một thước tây, ở gần phía dưới chân sinh huyệt của tôi. Ở trên mồ tôi trồng một cái bia cao ước một thước ta. Lòng bia khắc năm chữ rằng: “Nghĩa dũng cẩu chi trủng” và có chua chữ “con Vá” dưới chữ cẩu…

Tôi làm xong, có khách tới chơi. Khách rầy tôi rằng: Một con chó chết mà ông làm gì lắm việc thế? Đã đắp mồ lại dựng bia khắc chữ, chẳng phải là quá đa sự hay sao? Hay là ông xem chó cũng như người? Nếu quả thế, tôi phải tuyệt giao với ông mới được.

Tôi nói: Thưa bác, xin bác hãy im cho tôi kể. Trên trời dưới đất, ở giữa khoảng trời đất là vạn vật. Theo về bề ngoài, người với chó vẫn khác nhau xa. Nhưng theo về nguyên tắc sinh lý thời người với chó có gì phân biệt; mà sở dĩ phân biệt là chính ở nơi tinh thần. Nếu tinh thần mà mất hết tri giác thì người chẳng phải chó là gì?...”.

Cụ Phan kể, con Vá do một ông bạn ở Bao Vinh cho khi nó mới 3 tháng tuổi. 5 tháng tuổi, chủ đi đâu nó cũng theo. Có lần, nó đã chiến đấu với một bầy dê, trong đó có con dê râu xồm dài lắm, sừng nhọn mà cong. Lúc đầu, lũ dê xúm vào húc Vá. Thế mà một mình con Vá làm cho cả bầy dê phải hoảng hốt, tán loạn. Có lần, một đoàn chó Tây của các nhà giàu sang ùa vào cổng nhà cụ Phan. Con Vá một mình “hồng hộc xông ra cắn”.

Đánh nhau một lúc lâu, Vá bị thương mù hai mắt. Lúc đó, Vá được 7 tuổi. Đó là cái “dũng” của Vá. Vá còn là một con chó có “nghĩa” với chủ. Đối với cụ Phan, con Vá như một vệ sĩ. Bọn thực dân suốt ngày đêm cho lũ mật thám theo dõi cụ. Con Vá đã cắn đuổi ít nhất hơn trăm người khách không mời mà tới đó.

Cụ Phan kể rằng, đối với con Vá, “duy chỉ có việc này thì ở trong chủng tộc chó e con Vá là “độc nhất vô nhị”, là nó thấy đồ ăn ở ngoài đường, hay chỗ nào mà không phải của chủ nó cho ăn, thì nó nhất định không chịu ăn”.

Kể xong chuyện con Vá, cụ Phan kết luận: “Giá như người làm tôi dân một nước, vừa dũng, vừa nghĩa, vừa khôn, thảy hết sức giữ nước, cũng y như con Vá giữ nhà, thời từ xưa đến nay làm gì có vong quốc sử nữa ư?”.

Chuyện chó cũng là chuyện người và chưa bao giờ nguôi tính thời sự…

KHÁNH TƯỜNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/con-va-con-ki-cua-cu-phan-boi-chau-589963.ldo