Con trẻ và nỗi ám ảnh đòn roi Bài 1: Yêu cho roi cho vọt

Roi để con ngoan hơn, đánh để học sinh hết bướng, đánh vì nỗi nghi kị, hờn ghen của người lớn… đó là hành động bạo lực bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc của nhiều bậc làm cha, mẹ, thầy cô. Sự vô tình phản giáo dục đó khiến tuổi thơ của con trẻ in hằn nỗi sợ hãi, ám ảnh…

Báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng tải loạt bài “Con trẻ và nỗi ám ảnh đòn roi” với mong muốn góp phần giảm tình trạng bạo lực với trẻ em.

“Mày có há to miệng ra không? Ăn như thế bao giờ mới xong…” sau đó là những cái tát vào mặt con của chị Hà. Những câu quát cùng hành động ấy đã trở nên quá quen thuộc đối với bé Hải.

Chiếc roi trên nóc tủ

Gia đình chị ở khu tập thể cũ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Mỗi khi ăn đòn, đứa bé khóc nấc lên thành từng tiếng. Nước mắt chảy dài và thức ăn trào ra ngoài, hòa vào nhau trên mặt cậu con trai.

Cứ thế, dăm miếng cơm, con lại ăn cùng một cái tát cùng đôi mắt giận dữ của mẹ. Người ngoài chứng kiến ai cũng đều lạnh người kinh hãi. Thế nhưng, chị Hà lại tỏ ra vô cùng bình thản và coi đó là chuyện thường như cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Đối với những đứa con của chị, góc sợ hãi nhất trong nhà chính là nóc tủ, nơi bố mẹ cất giấu chiếc roi to dài, được làm bằng gỗ. Cứ ăn chậm, ngậm trong mồm, làm bài sai, viết bài không đúng, chiếc roi ấy lại bắt đầu thực thi nhiệm vụ chỉnh đốn lại tác phong của đứa trẻ. Láng giềng quanh nhà chị Hà đã quá quen với tiếng gào khóc, van xin của chúng đến nỗi ngày nào không nghe thấy là họ biết ngay gia đình này vừa về quê ăn cỗ hoặc đi đâu đó vắng nhà.

Để lý giải hành động của mình, chị Hà cho rằng: “Bọn trẻ tầm này thường rất bướng. Không “thiết quân luật” là chúng nó “nhờn” mình ngay. Cứ ăn cơm kèm ăn roi là răm rắp, đâu vào đấy. Yêu cho roi cho vọt”.

Không riêng chị Hà, nhiều bậc phụ huynh cũng tự cho mình quyền được đánh đập con cái vì chúng làm những điều trái ý. Thói quen đó diễn ra hàng ngày khiến mọi người mặc định đó là điều bình thường, là một trong những phương pháp giáo dục con cần phải có.

Không dùng roi vọt để chỉnh đốn con nhưng anh Nguyễn Mạnh Tiến (Hà Đông, Hà Nội) lại thường lạm dụng dùng quyền làm cha dưới vỏ bọc của sự yêu thương, che chở để có những lời lẽ gây áp lực đối với con mình. Chỉ cần đi ăn cơm ở nhà họ hàng mà chưa được sự cho phép của bố, anh Tiến cũng quát mắng con gái bằng những từ ngữ vô cùng nặng nề. Cô bé mới hơn 5 tuổi chưa nhận thức được mọi việc, cứ mỗi lần nghe bố quát nạt, trợn mắt lên lườm là thất kinh, nước mắt đầm đìa. Không chỉ khủng bố tinh thần con, anh Tiến cũng thường dọa đuổi con đi mỗi khi khó chịu vì chuyện gì đó do con gây ra.

Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ việc anh Tiến và vợ ly hôn đã được mấy năm. Cô con gái ở với anh, thỉnh thoảng mẹ nó mới đến đón đi ăn, đi chơi. Có lẽ vì giận vợ cũ, không muốn con được gần mẹ nên bao nhiêu bực dọc, anh trút cả lên đầu cô con gái nhỏ. Chẳng biết khi mắng con, anh có cảm thấy nhẹ nhõm được chút nào không, chỉ biết rằng, cô bé vô tội lúc nào cũng nem nép sợ bố. Mỗi lần đi chơi với mẹ, nó không dám ăn uống gì vì sợ về bố đuổi đi, cứ nghe người nói to, tiếng quát mắng là lại nước mắt lưng tròng…

Cô đơn trong chính nhà mình

Sinh con ra, bậc làm cha, làm mẹ nào cũng dành cho con tình yêu vô bờ, gửi gắm vào con bao hy vọng. Mỗi người lại có một cách giáo dục khác nhau đối với đứa con của mình. Tuy nhiên, quan điểm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” để từ đó bạo hành con cái thì nhiều người bày tỏ sự phản đối.

Rất nhiều lần chứng kiến chị Hà (khu tập thể cũ ở Nguyễn Công Trứ) chửi mắng, đánh đập con, hàng xóm đều tỏ ra vô cùng thương xót đứa bé. Cô Nguyễn Thị Minh (hàng xóm của chị Hà) bày tỏ: “Cô ấy là cán bộ công chức mà luôn nặng lời với con. Tôi thấy như thế là không chấp nhận được. Cha mẹ lúc nào cũng dạy con nói lời hay, làm việc tốt nhưng bản thân mình đâu có nói những lời hay với con để nó học theo? Chưa kể việc đánh mắng như vậy không những không làm cho bọn trẻ tiến bộ hơn mà còn có tác dụng ngược lại. Nhiều lần, chúng tôi góp ý nhưng có vẻ cô ấy không hài lòng”.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, đã có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra và điều đau lòng hơn khi những vụ việc này lại diễn ra ngay trong chính gia đình của các em. Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có từ 3.000 - 4.000 vụ bạo lực với trẻ em được ngành chức năng phát hiện; trong đó, có khoảng 1.000 vụ trẻ em bị hiếp dâm, khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại. Bên cạnh đó, thông qua số điện thoại đường dây nóng của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê cho thấy: Trung bình mỗi tháng, các chuyên gia của Tổng đài 111 đã tư vấn, can thiệp khoảng 200 - 300 cuộc gọi liên quan đến vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em.

Một số vụ việc trở nên nghiêm trọng, gây ra hậu quả nặng nề khiến cộng đồng phẫn nộ và buộc các cơ quan chức năng phải can thiệp thì cả xã hội mới chợt nhận ra rằng đang có gì đó rất phi giáo dục trong cách dạy dỗ trẻ theo cách roi vọt. Tuy nhiên, đến khi sự việc được phát hiện và xử lý thì các em cũng đã phải chịu đựng sự bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Nạn bạo hành đối với trẻ em thậm chí đã đi quá xa, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Dưới góc nhìn chuyên gia, chị Nguyễn Thị Hòa (chuyên viên tư vấn tâm lý) cho biết: “Có một quy luật là những đứa trẻ có tuổi thơ bị ngược đãi thì khi lớn lên, đứa trẻ đó cũng sẽ xuất hiện hành vi ngược đãi đối với người khác, kể cả đó là con cái do mình đẻ ra. Đứa trẻ sẽ trở nên vô cảm ngay cả khi đã gây ra những vụ việc đem lại hậu quả xấu, vô trách nhiệm với chính cuộc đời của mình”.

Từ quy luật ấy, chị Hòa bày tỏ quan điểm: “Mục đích dạy dỗ con của những bậc làm cha mẹ là chính đáng, nó rất khác so với mục đích của những kẻ bạo hành. Tuy nhiên, đối với những đối tượng cụ thể là trẻ em - vốn được xem là không có khả năng tự vệ, còn rất non nớt về nhận thức và yếu ớt về thể lực thì ranh giới giữa việc bạo hành với việc dạy dỗ trong nhiều trường hợp lại trở nên rất mong manh”.

(Còn nữa)

Ngọc Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-1-yeu-cho-roi-cho-vot-d2055304.html