Con trẻ trầm cảm, tự kỷ: Lỗi lầm từ cha mẹ?

Theo TS Đỗ Minh Loan, đã đến lúc báo động tình trạng trầm cảm ở trẻ vị thành niên.

TS Đỗ Thị Minh Loan – trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết hầu như tuần nào trong khoa cũng tiếp nhận trẻ có hành vi tự sát. Đã đến lúc báo động tình trạng trầm cảm ở trẻ vị thành niên.

Trẻ mắc trầm cảm rất nhiều nhưng chưa được quan tâm đúng.

Trẻ mắc trầm cảm rất nhiều nhưng chưa được quan tâm đúng.

TS Loan cho biết, tự sát ở trẻ vị thành niên luôn là vấn đề đáng báo động. Hiện nay, trên thế giới ở các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản tỷ lệ tự sát và có ý định tự sát ở tuổi vị thành niên đang gia tăng. Ở Việt Nam chúng ta, đây cũng là vấn đề rất đáng lo ngại.

Vị chuyên gia dẫn chứng bằng nhiều câu chuyện. Cách đây không lâu, khoa Sức khỏe vị thành niên tiếp nhận một nữ sinh tên Vân 14 tuổi, nhà tại Hà Nội. Vân vào viện trong tình trạng vết cắt ở cổ tay vừa liền sẹo. Theo người nhà của Vân, cô là con gái thứ 2. Trên Vân có 1 người anh trai. Bố mẹ Vân làm kinh doanh nên không có thời gian dành cho con cái. Vân hầu như chỉ trò chuyện với anh của mình.

Khi người anh này đi du học, Vân về nhà lủi thủi một mình. Có ngày cô bé ăn cùng cha mẹ bữa cơm tối có ngày cô đều phải tự túc ăn. Mẹ Vân sẽ cho cô tiền ăn hàng ngày bố mẹ về muộn. Có lúc, mẹ Vân từ công ty đặt thức ăn qua grab cho cô. Cuối tuần Vân chỉ lủi thủi 1 mình. Áp lực thi lớp 10 cũng đè nặng lên cô bé.

Mẹ Vân luôn khoe với bạn bè rằng cô sẽ thi vào chuyên ngữ. Trong khi Vân biết sức học của mình.Vân lại học trường quốc tế nên khi thi vào cấp 3 cô không thể biết được các bạn bên ngoài sức học ra sao. Cô chỉ biết một thông tin “các bạn ấy cày tốt lắm”. Cô rơi vào cảnh stress không biết chọn trường nào cho phù hợp.

Cuối cùng, Vân định chọn 1 trường trung bình, điểm chuẩn chỉ 40 điểm. Mẹ Vân thấy con gái đề đạt nguyện vọng này đã mắng cô bé không học tốt, tại sao chỉ học như thế, phải thi chuyên ngữ.

Sau khi bố mẹ đi vắng, Vân đã lấy dao lam cắt cổ tay mình để tự sát. May mắn là vết cắt không quá sâu. Qua camera phòng khách nhân viên của mẹ cô bé thấy bất thường nên cả nhà về đưa cô đi bệnh viện kịp thời.

Khi vào viện, cô bé chỉ im lặng không nói chuyện. Bố mẹ của Vân lúc này dù có dỗ dành như thế nào thì cô bé vẫn giữ khoảng cách với chính người thân của mình. Vân chỉ nói chuyện với anh trai. Anh trai của Vân đang du học bên Nhật Bản cũng phải hỗ trợ gia đình thường xuyên gọi về cho em gái để cô có thể điều trị tốt hơn.

Một trường hợp khác là vụ việc liên quan tới một nữ sinh tên Uyên, 12 tuổi, trú Hà Nội. Cô bé vào viện sau khi đã có hành vi tự tử. Bố mẹ của cô bé cho biết, cô bé thường xuyên viết nhật ký rằng muốn chết và chán sống.

Khi cha mẹ nhìn lại, họ nhận ra cô bé chịu áp lực học hành quá lớn. Lúc nào cũng bị bố mẹ so sánh với chị gái mình. Uyên vốn ít nói, cả nhà ai cũng biết 2, 3 ngoại ngữ còn Uyên thì chỉ học tiếng Anh ở trường cũng không xong. Mẹ cô đưa đi học ở các trung tâm, thuê giáo viên về nhà dạy nhưng Uyên vẫn không tiến bộ. Mỗi lần gia đình có việc gì cả nhà lại tập trung trách móc không hiểu cô bé giống ai mà không có năng khiếu ngoại ngữ. Sự chì chiết, so sánh khiến Uyên trầm cảm nặng và luôn không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

"Khác với nhiều nơi, trẻ vị thành niên ở Việt Nam trầm cảm nhiều nhất là do áp lực học tập, thi cử. Lịch học quá dày gồm học chính khóa, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian làm cho trẻ cảm thấy luôn căng thẳng và mệt mỏi.

Ở tuổi vị thành niên trẻ cũng dễ chịu tác động, các sang chấn tâm lý gây “sốc tâm lý” nếu gặp các thất bại trong cuộc sống, học hành.Trong khi đó, sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi trẻ chưa được quan tâm nhiều", TS Loan nhận xét.

Vị chuyên gia nói thêm, khi bà trực tiếp đến các trường học để trò chuyện với các em học sinh mới thấy hết khoảng trống tâm lý của trẻ vị thành niên. Theo số liệu từ một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Đối với cha mẹ, TS Loan khuyến cáo, biểu hiện cảnh báo trẻ đang trầm cảm cha mẹ cần chú ý đó là trẻ mất ngủ, trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, thường kêu chán đời, cảm thấy mình bất tài vô dụng.

"Nên xây dựng cho trẻ một cuộc sống cân bằng giữa việc học và làm. Không nên đặt quá nhiều sức ép lên vai trẻ, không so sánh trẻ với một người nào khác, luôn động viên, trò chuyện với con cái, dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống", vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Khánh Chi

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/con-tre-tram-cam-tu-ky-loi-lam-tu-cha-me-3429431/