Con trẻ lề mề, cha mẹ chớ vội cáu

Nhiều cha mẹ thường phàn nàn con trẻ lề mề trong ăn uống, sinh hoạt, thậm chí chuyện học tập.

Nếu hoàn thành trong thời hạn sẽ được trao thưởng là cách giúp trẻ sớm bỏ thói lề mề. Ảnh: Ngọc Trang.

Nếu hoàn thành trong thời hạn sẽ được trao thưởng là cách giúp trẻ sớm bỏ thói lề mề. Ảnh: Ngọc Trang.

Bạo lực chỉ khiến “bệnh” nặng hơn

Không hiếm gặp các bậc phụ huynh than phiền, con trẻ “hở ra” là đáp lại “chờ con một lát” hoặc luôn chậm chạp, trì trệ trong khi người lớn luôn phải tranh thủ và tiết kiệm thời gian. Chính sự lề mề của con trẻ đôi khi khiến các bậc phụ huynh nóng nảy và mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn.

Nhà báo Nguyễn Phương Dung – Truyền hình Quân đội nhân dân chia sẻ: Công việc bận rộn và nhiều áp lực khiến mình làm việc gì cũng gấp gáp. Trong khi con cái thì phải hò reo đến bực bội mà chúng vẫn không chịu thực hiện. Những lúc đó chỉ muốn “nổi điên” lên khi phải chờ đợi lâu. Thậm chí, nhiều lần không giữ được bình tĩnh, mình đã quát mắng và đánh đòn.

Theo chuyên gia, điều này khiến trẻ sợ sệt, luống cuống và càng làm chậm hơn, như vậy là lợi bất cập hại. Cha mẹ hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao con làm chậm, có thể việc người lớn giao quá khó đối với chúng. Hoặc trẻ chưa nắm bắt được phương pháp làm việc đó nhanh hơn... Vì vậy, cha mẹ cần bình tĩnh uốn nắn và dạy bảo cho trẻ biết cách làm.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Yến – Trung tâm Tư vấn tâm lý học đường (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Trên thực tế, tâm lý, nhịp sống của người lớn và trẻ nhỏ hoàn toàn khác nhau, nhưng cha mẹ luôn muốn con phải bắt kịp nhịp sống của người lớn. Điều này không chỉ gây áp lực lên trẻ mà còn khiến các bậc phụ huynh luôn cảm thấy khó chịu, cáu gắt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Vì vậy, trong mọi trường hợp, người lớn cần tìm hiểu kỹ các nguyên nhân để giải quyết thói lề mề của con theo cách tích cực, tránh nổi nóng, gây tổn thương trẻ.

Cũng theo cô Yến, cuộc sống càng vội vã, người lớn càng thúc giục nhiều. Chính điều này đã ảnh hưởng to lớn đến tính cách, thói quen sinh hoạt của con cái. Thứ nhất, bị hối thúc khiến trẻ trở nên nóng nảy, luôn cảm thấy áp lực đè nặng.

Sự bực bội, gấp gáp, hối thúc của người lớn khiến trẻ sẽ có những hành động tương tự, thậm chí ở mức độ cao hơn. Trưởng thành hơn, những đứa trẻ này thường khó khăn để vượt qua thử thách. Hoặc bản thân luôn cảm thấy khó chịu, tâm trạng suy sụp dù chỉ là chuyện nhỏ.

Thứ hai, quá trình tư duy của trẻ sẽ bị gián đoạn nếu bị giục quá nhiều. Khi trẻ mất nhiều thời gian để làm việc, học tập, rất có thể các em đang dành thời gian để tìm tòi, tư duy.

Nếu cha mẹ đẩy nhanh quá trình và liên tục thúc giục, việc suy nghĩ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Dần dần, trẻ sẽ mất dần khả năng đó và có xu hướng ỷ lại, làm theo sự sắp đặt của người khác.

Rèn tự lập để “quên” lề mề

Thế nhưng, thói quen lề mề nếu không uốn nắn, điều chỉnh sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Một số cha mẹ nêu quan điểm: Không cần can thiệp quá mức, con người có từng giai đoạn phát triển, vì thế lớn lên con sẽ “tự hết”. Ngược lại, một số phụ huynh cho rằng, cuộc sống ngày càng hiện đại, con người càng phải nhanh nhẹn, thay đổi, nếu không sẽ lỡ dở nhiều điều quý giá.

Cô Nguyễn Thị Mai – giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Học sinh có thói quen lề mề thường hay đi học trễ, không học bài, làm bài tập, không hoàn thành các công việc được giao. Thậm chí, rất nhiều em không theo kịp tốc độ học tập ở trường lớp, thường xuyên vi phạm, kết quả học tập yếu kém.

Từ thói lề mề sẽ khiến các em thấy việc học quá căng thẳng, chán học, nảy sinh cách học tủ, học vẹt, học một cách đối phó hoặc bỏ học. Bởi thế, cha mẹ hãy coi thói quen này là một “bệnh” cần được khắc phục.

Như vậy, làm sao để không thúc giục trẻ, không cần “nổi cơn điên” mà con vẫn cải thiện được thói lề mề? Chuyên gia Nguyễn Hồng Yến nêu giải pháp: “Bạo lực không khiến con nhanh nhẹn hơn mà trong bất kỳ trường hợp nào cũng thường mang lại sự tiêu cực.

Để rèn luyện, cha mẹ nên thưởng - phạt phân minh và làm đúng theo quy định đã thống nhất. Đôi khi, để trẻ chịu những hình phạt nghiêm khắc vì chính sự lề mề, chậm chạp của mình.

Thái độ của cha mẹ cần dứt khoát, không nhân nhượng. Vài lần như vậy, trẻ sẽ thấy mình chịu thiệt thòi là do chính mình gây ra. Từ đó dần sửa thói quen này và có thái độ, tác phong tích cực, nhanh nhẹn hơn.

Còn cô Nguyễn Thị Mai thì cho rằng, nếu phụ huynh cứ thúc giục con làm điều gì đó quá mức, trẻ thậm chí sẽ làm mọi thứ rối tung lên, và bỏ cuộc. Thay vào đó, cha mẹ nên thường xuyên dành cho trẻ lời khuyến khích, ngợi khen thay vì trách móc để khích lệ trẻ làm tốt hơn.

Cũng theo chuyên gia, nhiều trẻ được chiều chuộng quá mức, người lớn đã làm thay mọi việc, thậm chí là sinh hoạt cá nhân như mặc quần áo, đánh răng, tắm... Điều này khiến trẻ ỷ lại, khi lớn lên vẫn chưa làm được những việc dù đơn giản.

Vì vậy, các bậc phụ huynh đã khiến con cái trở nên lề mề, chậm chạp, luôn thấy mọi thứ rối tung lên. Rồi chính bản thân cha mẹ lại cáu gắt, ức chế khi con đã lớn rồi mà vẫn “lơ mơ” không biết làm việc gì. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra thói lề mề của trẻ.

Vì vậy, người lớn cần rèn tính độc lập cho trẻ từ sớm. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những việc phù hợp với lứa tuổi chứ không làm thay con. Qua quá trình này, trẻ sẽ dần biết được độ khó của từng công việc và phải mất bao nhiêu nhiêu lâu để hoàn thành.

Đồng thời, cha mẹ có thể thỏa thuận với trẻ để đặt giới hạn thời gian. Nếu hoàn thành trong thời hạn, trẻ sẽ được trao thưởng. Phương pháp này giúp trẻ nhận thấy làm việc đúng hạn là điều cần thiết. Có được những rèn luyện đó, khi con lớn hơn, cả nhà sẽ không còn phải vội vã, áp lực, quát mắng hay bạo lực nữa.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/con-tre-le-me-cha-me-cho-voi-cau-wzgj77RnR.html