Con trẻ đánh nhau và những người lớn không vô can

Rất cần phải suy nghĩ nếu trong tiếng hò reo cổ vũ bạn bè đánh nhau có cả niềm vui, thứ niềm vui ác độc, vô minh...

Người viết xin phép không được đề cập tới hành vi của hai thiếu nữ trong clip đánh nhau tại bãi đất trống gần khu vực trường học thuộc thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Đó không phải là một hiện tượng gì mới mẻ.

Ở tuổi học trò, ăn chưa no, lo chưa tới, các em đã vướng vào những thứ tình cảm phức tạp, méo mó như những người lớn xung quanh. Thiếu định hướng, thiếu niềm vui, các em không nhận dạng được mối quan hệ, tạm gọi là 'tình yêu', tưởng rằng đó nó thể hiện giá trị của bản thân, đó là mục đích tối thượng của cuộc đời. Sự lầm lạc do thiếu hiểu biết là điều dễ hiểu, đặc biệt là ở độ tuổi của các em. Điều đáng buồn nằm ở chỗ, kể cả khi đã trở thành người lớn, có lẽ, sẽ không được thấy nhiều thay đổi.

Đám đông đứng quay lại cảnh nữ sinh đánh nhau

Đám đông đứng quay lại cảnh nữ sinh đánh nhau

Lỗi lớn hơn thuộc về người lớn, những người lẽ ra phải theo dõi, bảo ban, dạy dỗ những đứa trẻ. Đó không chỉ là người làm cha làm mẹ mà còn là những người thầy, những người bạn lớn. Thế nhưng, một thực tế đau lòng đang diễn ra là đa số các bậc phụ huynh tự thấy tròn trách nhiệm vì đã nỗ lực kiếm sống, chu cấp ở mức 'bằng bạn bằng bè' cho con họ. Gửi con tới nhà trường, đóng tất cả các khoản học phí và chi phí, họ đòi hỏi rằng, con cái họ sẽ học thành người.

Từ phía nhà trường, nỗ lực dạy chữ luôn được tuyên bố song hành cũng nỗ lực dạy người nhưng kết quả mà xã hội đang tiếp nhận ngày càng xa hơn so với kỳ vọng. Những câu chuyện 'miếng cơm manh áo', trăn trở về nghề giáo nghèo hơn mặt bằng chung trong xã hội khiến các thầy, các cô giáo muốn dạy thêm, thu thêm và tự coi đó là một lẽ công bằng.

Thế nhưng, bù đắp sao cho đủ khi chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam đang ngày càng bị kéo giãn. Theo số liệu được công bố, chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất vào năm 2014 là 9,7 lần, đến năm 2018 tăng lên 10 lần. Vả lại, khi đa số chỉ nhìn lên để thấy mình thiệt thòi hơn so với những người xung quanh, những tấm gương thầy cô giáo 'nhường cơm', chăm nuôi dạy dỗ các em học sinh như người thân trong gia đình chỉ là một hạt muối rất nhỏ bỏ vào một hồ nước rộng mênh mông.

Vòng luẩn quẩn trách nhiệm và kinh nghiệm cũng đồng thời xuất hiện khi thu nhập, học phí hay chính xác là đồng tiền được cả hai phía ngầm coi như một mẫu số chung. Phụ huynh đổ lỗi cho nhà trường vì không dạy và không quản được con cái họ. Nhà trường kêu trời vì không có sự phối hợp của gia đình trong việc giáo dục trẻ.

Từ vị trí trung tâm của việc giáo dục, những đứa trẻ thành 'trung tâm của cuộc tranh cãi' nhân danh quyền lợi của chúng. Hệ quả tất yếu là xã hội phải chứng kiến ngày càng nhiều số clip học sinh đánh hội đồng bạn, thiếu nữ lao vào cấu xé nhau vì ghen tuông hay lời không vừa tai trên không gian mạng...

Đáng lưu ý, luôn có một vòng vây bạn bè đồng lứa xung quanh các sự việc như vậy. Thay vì can ngăn, các em cổ vũ các bạn lao vào đánh, đấm nhau, như cách người lớn cổ vũ trong những hội chọi gà, chọi trâu, chọi chó... Với những vụ việc xảy ra ngoài trường học, xuất hiện những gương mặt người lớn, mà nhiều khả năng, con cái họ cũng đang ở độ tuổi như những cô cậu đang lao vào quyết chiến. Họ vô can và vô cảm.

Ở tình huống này, sự ''tâm đầu ý hợp'' xuất hiện đầy trớ trêu. Vụ việc hai học sinh đánh nhau ngay trong lớp học, các bạn không can ngăn mà còn cổ vũ, thậm chí, nói 'đóng cửa lại' xảy ra tại một trường THPT tại quận Bình Thạnh, TP.HCM mới đây phải được coi là dấu hiệu chứng tỏ lũ trẻ đang chọn cách hành xử riêng, không cần sự điều chỉnh, dạy dỗ của cả cha me và nhà trường.

Tất nhiên, vẫn phải tính tới sự điều chỉnh từ xã hội. Tiếc thay, khi cái sai xuất phát từ điểm khởi đầu và vẫn ngang nhiên tồn tại, khó có thể kỳ vọng về khả năng tươi sáng này. Trái lại, hiện tượng 'trăm hoa đua nở' những hành vi, hành ngôn... tiêu cực xuất hiện với sự ''hỗ trợ'' tích cực của công nghệ, mạng xã hội.

Chốt chặn truyền thông không hiệu quả khi bản thân những địa chỉ này cũng lao vào cuộc đua tìm views, câu khách. Tương tự, những hành vi nếu buộc phải thừa nhận sự tồn tại thì chỉ nên giấu chúng trong bóng tối được khai thác triệt để trên các bộ phim truyền hình, chiếu công khai và rộng rãi tại những khung giờ vàng. Rõ ràng, chúng ta cần có những hành động thiết thực để ngăn chặn sự lệch lạc, lệch chuẩn trong ứng xử của giới trẻ. Thế nhưng, không ai có thể trả lời nên bắt đầu từ đâu. Vì vậy, sẽ chỉ là những màn đổ lỗi.

Tiếng hò reo cổ vũ trong những clip nữ sinh đánh nhau hay học sinh bị đánh hội đồng có thể được hiểu là những giây phút bồng bột của tuổi trẻ. Nhưng sẽ tệ hơn rất nhiều nếu trong đó có cả niềm vui, thứ niềm vui ác độc, vô minh

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/con-tre-danh-nhau-va-nhung-nguoi-lon-khong-vo-can-3429291/