Con trâu trong văn hóa phương Đông

Trâu là con vật được nhiều người biết đến, là bạn chí thân của người nông dân. Trâu rất chăm chỉ và khỏe mạnh, có bản tính ôn hòa, dễ dàng thích nghi với môi trường sống, gắn bó với làng quê Việt Nam và là biểu tượng trong nhiều nghi lễ truyền thống.

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư, trong văn hóa phương Đông, đặc biệt ở Việt Nam, loài trâu hội đủ những yếu tố cần cù, siêng năng, chất phác, bền bỉ, mạnh mẽ. Trâu là gia súc lớn nên còn là biểu tượng của sự an lành, no đủ. Hình ảnh con trâu gắn bó với làng quê Việt Nam, với những khóm tre xanh rì rào gió thổi, đồng lúa bạt ngàn và người nông dân chân lấm, tay bùn. Con trâu là “người bạn” gắn bó mật thiết với người nông dân, đến mức mỗi khi nhắc đến hình tượng con trâu thì liên tưởng đến làng quê với cảnh vật yên bình, đồng ruộng ngút ngàn xa trong tầm mắt. Nơi đó có đám trẻ mục đồng ngồi vắt vẻo thả diều, thổi sáo trên lưng trâu. Dưới triền đê có đám trâu nằm mơ màng gặm cỏ…

Trong phong thủy, trâu là 1 trong 12 con giáp, gọi là Sửu, ở vị trí thứ 2. Theo truyền thuyết 12 con giáp, trâu là con vật đứng đầu nhưng chuột ngồi trên lưng trâu nhảy xuống chiếm vị trí số 1, nên trâu được xếp vào vị trí thứ 2. Giờ Sửu được tính từ 1-3 giờ sáng. Tháng Sửu là tháng Chạp, là tháng mà mọi người hân hoan đón Tết. Trong 12 con giáp, trâu là con vật to nhất, khỏe nhất. Trong sơ đồ bát quái, trâu là “quẻ khôn”, thuộc hành Thổ, chủ về đất đai, mang đến sự thịnh vượng, bền vững… Trong địa chi, ứng với 12 con giáp thì Sửu nghĩa là “có duyên lành”.

Từ buổi sơ khai, trâu đã được con người thuần dưỡng (từ trâu rừng thành trâu nhà) để phục vụ sức kéo cho sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, trâu sớm trở thành bạn của nhà nông, như một thành viên trong gia đình: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”. Trâu còn đứng đầu lục súc, gồm: trâu, chó, ngựa, dê, gà, heo. Là một con vật không thể thiếu trong công việc nông gia, nên con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp”.

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư, chiếc sừng trâu cong cong tượng trưng hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của “nước” trong tín ngưỡng nông nghiệp. Nhất là thời khắc giao thừa đón năm mới, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Trâu là linh vật có sức ảnh hưởng to lớn trong phong thủy đất đai vì nó gắn liền với đồng ruộng… Cho nên, ngày xưa người ta thấy nhà nào có nhiều trâu (chủ trại trâu) là hiểu được sự giàu có.

Hình tượng con trâu còn được nhắc nhiều trong ca dao, tục ngữ, văn học, hội họa... và là biểu tượng trong nhiều lễ hội truyền thống ở nhiều vùng, miền, quốc gia. Trâu được xem là loài vật mang đến sự may mắn, phúc lộc dồi dào đến với gia chủ và mang lại cuộc sống no đủ, sức khỏe tràn đầy cho gia đình. Bởi vậy, người ta quan niệm rằng: ngủ mơ thấy cưỡi trâu ngoài đồng là báo điềm lành, sự thịnh vượng và may mắn sẽ đến; mơ thấy cưỡi trâu quanh thành là tin vui sắp đến; mơ thấy trâu sinh nghé là điềm báo công việc thăng tiến như kỳ vọng; mơ thấy trâu chạy xồng xộc vào nhà là sắp có tin vui đến từ người thân…

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/con-trau-trong-van-hoa-phuong-dong-a295522.html