Con trâu sờ đâu cũng thuốc

Trâu là loài động vật bốn chân có sừng, thuộc họ nhai lại, bộ guốc chẵn… Trâu dùng để cày bừa, kéo xe, thồ hàng, kéo gỗ… và cho thịt, sữa. Và dường như trâu sinh ra để làm những công việc nặng nhọc mà những loài vật khác không làm nổi hoặc không thích làm.

Công việc nào ngựa và bò không làm nổi hoặc không làm lâu được, thì trâu làm rất khỏe. Đối với nghề rừng ở nước ta, trâu là một con vật quý, nó kéo gỗ rất khỏe trên những con đường chật hẹp, lầy lội trong rừng. Khí hậu ẩm thấp của rừng nhiệt đới không mảy may ảnh hưởng đến sức khỏe của trâu.

Trâu cống hiến cho con người rất nhiều. Sừng trâu được dùng làm tù và, đồ thủ công mỹ nghệ. Thịt, sữa, da trâu là những món ăn bổ dưỡng. Xưa, làm thịt trâu, người ta dùng da trâu bịt trống, nay da trâu mảnh lớn được đưa vào công nghệ thuộc da, những mảnh không lớn lắm hoặc mảnh vụn được nông dân phơi kỹ rồi gác giàn bếp xông khói, bồ hóng, để dành.

Ngày đông tháng giá, thực phẩm khan hiếm, người ta lấy da xuống rửa sạch, luộc mềm, cạo kỹ rồi thái mỏng, trộn gia vị làm thức ăn. Hơi dai, không ngon lắm nhưng lạ miệng, dễ ăn cơm. Da trâu nấu thành keo gọi là a dao (ngưu giao ẩm) dùng như phụ da kết dính trong công nghệ và mỹ thuật (pha vào bột màu nước, tranh vẽ không bị lem màu).

Ngưu giao ẩm còn là vị thuốc. Dùng 4 lạng a dao cắt nhỏ ngâm với khoảng ¼ lít rượu, sắc lên cho tan đều, uống nhiều lần sẽ tan nhọt độc, hết ghẻ ngứa. Da trâu tươi rửa bằng nước bồ kết (để khử mùi tanh, trỉn), rửa lại bằng nước sôi, thái mỏng, nấu với nước sắc đậu si thật đậm thành keo sệt, uống đều đặn, trị được chứng bí tiểu, phù thủng.

Răng trâu (tên thuốc là ngưu xỉ), đốt đỏ hồng, nhúng dấm, đốt nhúng 3 lần rồi tán thành bột. Tay chân bị lở loét, trẻ em bị chốc đầu có mủ, dùng bột ấy trộn dầu vừng bôi vào vết lở, vài lần sẽ khỏi. Bột ngưu xỉ hòa nước sôi, để nguội, cho trẻ động kinh uống giữa hai lần lên cơn, kiên trì nhiều lần sẽ khỏi. Người già răng lung lay, dùng bột ngưu xỉ chà vào, ngậm cho đến khi nước bọt ra đầy miệng thì nhổ ra, súc miệng. Điều trị như thế lâu ngày, răng bớt lung lay, thậm chí có thể chắc trở lại.

Nước dãi trâu (ngưu khẩu tần) cũng là vị thuốc. Lấy nước dãi trâu bằng cách rửa sạch miệng trâu, dùng muối xoa vào hàm trâu, dùng lóng tre nhỏ ngáng miệng và chúi mõm trâu xuống, bên dưới đặt chậu hứng. Lấy bông quấn đầu đũa, thấm nước dãi trâu, bôi sâu vào họng người bị đau cuống họng, sẽ khỏi. Người bị cấm khẩu đột biến thì cho uống nước dãi trâu kết hợp xoa bóp vùng mặt, dùng kim chích máu 10 đầu ngón tay, sẽ nói được.

Nói chung ngày nay, do đã có các phương tiện y học hiện đại, chẳng còn mấy ai áp dụng những lối điều trị nói trên. Nhưng ngày trước, cả lông, sữa, mỡ, sừng, xương, nhau, thậm chí sỏi mật của trâu, đều được dùng làm thuốc chữa những thứ bệnh thường gặp trong dân gian.

“Ngưu hoàng” là sỏi mật, sạn mật của trâu. Sách “Thần nông bản thảo” ghi: “Ngưu hoàng là vị thuốc chủ trị kinh giản, sốt quá hóa điên cuồng”. Các sách y dược học khác của phương Đông đều có bàn đến tác dụng của loại “sỏi” trong mật trâu: Ngưu hoàng giúp cho tác dụng trấn tĩnh được kéo dài, Ngưu hoàng làm tăng hồng cầu, tăng huyết sắc tố và mạch tim.

Loại biệt dược này vào hai kinh “Tâm” và “Can” có tác dụng thanh tâm, giải độc, chữa hồi hộp, khai đờm. Nó là loại thuốc đặc trị các bệnh nhiệt quá phát cuồng, thần trí hôn mê, trúng phong bất tỉnh, cổ họng sưng đau, ung thư, đinh nhọt. Ngưu hoàng vị đắng có hơi độc. Do đó, Ngưu hoàng có thể làm truy thai. Vì vậy với phụ nữ có thai mà bị sốt cao thì chỉ các bậc danh y thực sự cao tay mới đủ can đảm, sáng suốt dùng đến Ngưu hoàng.

Đặc biệt là con người đã nhận biết được rằng “ngưu đậu” là đậu mọc trên cơ thể trâu, bò không độc bằng đậu mọc trên cơ thể người. Các nhà dịch tễ học đã dựa vào phát minh của nhà khoa học người Anh Edward Jenner năm 1798 để chích lấy mủ “ngưu đậu” nhân giống vi trùng đậu, tạo thành vaccine đậu mùa, rồi chủng lên cơ thể người, tạo ra cơ chế miễn dịch giúp con người đủ sức chống lại sự thâm nhập gây thành dịch của vi trùng bệnh “đậu mùa”. Nhờ phát minh này mà loài người đã thoát được khỏi bệnh dịch.

Hoàng Phúc

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/con-trau-so-dau-cung-thuoc-628486/