Con trai trả lời sai phép tính đơn giản 1+3, ông bố có hành động khiến cộng đồng mạng phẫn nộ đòi truy lùng danh tính

Nhiều người không dám xem hết clip vì quá bức xúc và phẫn nộ.

Việc kèm con học không chỉ là áp lực cho phụ huynh mà cả cho cả con cái. Ai trong đời cũng sẽ có một đôi lần tức giận, la mắng khi một bài toán mà con làm sai nhiều lần.

Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh đã biến giờ học bài thành khoảng thời gian bạo hành con trẻ. Mới đây, mạng xã hội lan truyền một clip ông bố đánh đập, chửi mắng con dã man khi dạy con học toán.

Trong video dài gần 1 phút, một người đàn ông được cho là đang ngồi ăn nhậu với nhóm bạn, nhưng vẫn dạy con học bài. Sau khi xem kết quả phép tính 1+3 của bé trai, thấy làm sai kết quả (bằng 2), người đàn ông cởi trần trong clip đã xưng hô "mày-tao" và dùng những lời lẽ rất thô tục không phải dành cho trẻ nhỏ.

Người đàn ông liên tục chửi bới, túm tóc và tát vào mặt con. (Ảnh cắt từ clip)

Người đàn ông liên tục chửi bới, túm tóc và tát vào mặt con. (Ảnh cắt từ clip)

Mặc con khóc lóc thê thảm, người này vẫn vừa mắng chửi vừa ghì đầu, tát mạnh, ngoài ra còn dùng 1 thanh que đánh vào má đứa trẻ. Khi một người bạn dùng tay can ngăn, người này hất tay ra và tiếp tục túm tóc và tát đứa bé liên tục.

Đứa trẻ khóc lóc thê thảm. (Ảnh cắt từ clip)

Nhiều người theo dõi đoạn video cho rằng họ không đủ can đảm để xem hết vì quá tội nghiệp đứa trẻ và phẫn nộ với hành vi phi giáo dục của người đàn ông trên. "Xem mà run cả người", một phụ huynh bình luận.

Dù chưa rõ danh tính người đàn ông trong clip cũng như thời điểm cụ thể nhưng hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ mong muốn sớm xác minh clip và có hình phạt thích đáng với người bố tàn nhẫn này.

Đánh đập khi dạy con học, hậu quả khó lường

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng việc la mắng hay đánh đập con là một biện pháp giáo dục hiệu quả, khiến con nghe lời. Tuy nhiên, "khi ngôn từ bất lực thì bạo lực lên ngôi". Thực tế, việc quát tháo, đánh đập con chính là biểu hiện của sự bất lực trong cách dạy dỗ của cha mẹ.

Với các bé còn nhỏ tuổi, hiếu động, hay chưa tập trung, đòi hỏi phụ huynh phải thật kiên nhẫn và biết cách kiềm chế cơn nóng giận. Hậu quả của những cơn giận là rất khó lường. Bé sẽ bị tổn thương về thể chất và tinh thần. Khi bị nhiếc móc, bé cảm thấy oan uổng, sợ hãi, uất ức. Còn bản thân cha mẹ nếu nổi nóng cũng có thể phải gánh chịu những hệ lụy nghiêm trọng đến tính mạng sức khỏe của mình.

Suy cho cùng, tức giận cũng do bố mẹ quá kỳ vọng. Trong quá trình đồng hành cùng con học tập, đừng so sánh con với những đứa trẻ khác. Thay vào đó, hãy chấp nhận những nỗ lực hiện tại của chúng, đừng bắt ép trẻ phải vượt qua những "ranh giới" khi con chưa đủ khả năng. Nên chăng cần tạo ra một không khí học tập lành mạnh cho các em, trong đó, bố mẹ cần là người đồng hành giúp cho các con có thêm niềm vui trong học hành; khơi dậy đam mê học tập, ham hiểu biết cho các em.

Học tập là con đường rất dài. Để các em có thể duy trì được việc học, không chỉ trong quãng thời gian đầu đời, mà còn là cả cuộc đời, thì xây dựng được động lực trên cho trẻ là điều rất quan trọng.

Khải Phong

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/con-trai-tra-loi-sai-phep-tinh-don-gian-13-ong-bo-co-hanh-dong-khien-cong-dong-mang-phan-no-doi-truy-lung-danh-tinh-20201119160046554.htm