Con trai nhà thơ Thâm Tâm chia sẻ về người cha 'thư ký tòa soạn mẫu mực'

Nhắc đến Thâm Tâm, có lẽ không ai không nhớ tới những câu thơ: Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng? Nổi tiếng với Tống biệt hành, người ta biết đến Thâm Tâm nhiều ở vai trò một nhà thơ, mà ít ai biết rằng, ông còn là một nhà báo, đặc biệt hơn, ông là một nhà báo chiến sĩ, phóng viên mặt trận Báo Vệ Quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân), một người thư ký tòa soạn mẫu mực.

Hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, nhưng hình ảnh về một phóng viên cần mẫn, luôn quyết liệt trong công việc của nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm vẫn được nhiều đồng chí, đồng đội nhắc nhớ lại cho đến sau này.

Vượt rừng chỉ để sửa một... lỗi sai

May mắn gặp được Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khoa, con trai của nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm (tên thật Nguyễn Tuấn Trình) tại Chương trình “Nghĩa tình với miền Trung” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức, chúng tôi có thời gian ngắn ngủi trò chuyện với ông về người cha đã khuất của mình. Không giấu khỏi xúc động, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khoa cho biết, ông không có nhiều kỷ niệm về người cha nổi tiếng. Bởi lẽ, khi ông Nguyễn Tuấn Khoa ra đời cũng là lúc nhà thơ, nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm không có mặt ở nhà mà đang chuẩn bị lên đường đi kháng chiến (năm 1946). Thế nhưng, những hình ảnh về người cha đáng kính đã được khắc sâu dần vào tâm trí của ông qua lời kể của những đồng đội một thời chiến đấu, sống và làm việc với nhà thơ, nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm như: Nhà thơ Vũ Cao, nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Tô Hoài...

 Nhà thơ Thâm Tâm (hàng đầu tiên, bên phải) cùng các đồng đội ở Báo Vệ Quốc quân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh do gia đình nhà thơ cung cấp.

Nhà thơ Thâm Tâm (hàng đầu tiên, bên phải) cùng các đồng đội ở Báo Vệ Quốc quân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh do gia đình nhà thơ cung cấp.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, trong ký ức của những người từng có cơ hội sống, làm việc với Thâm Tâm thời gian ông là nhà báo chiến sĩ, ai cũng khẳng định rằng, Thâm Tâm là một phóng viên hết sức mẫu mực. Làm việc tại bộ phận thư ký tòa soạn, bộ phận đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, có những ngày, Thâm Tâm ngồi cả ngày bên chồng bản thảo, đến nỗi nhà văn Nguyên Hồng có lần từ Hội Văn nghệ sang tòa soạn Báo Vệ Quốc quân chơi, khi thấy Thâm Tâm ngồi bên chồng bản thảo đã phải thốt lên rằng: “Hình như cột sống của tác giả “Tống biệt hành” làm bằng sắt!”. Còn nhà thơ Vũ Cao khi nhớ về Thâm Tâm không quên được chi tiết, Thâm Tâm có thể ngồi lì bên bàn làm việc cả buổi, tập trung đến mức có người đi qua sau lưng anh cũng phải rón rén bởi sợ ảnh hưởng đến công việc của anh. Một phong thái làm việc chuyên nghiệp, hết mình ở một con người chưa tới 30 tuổi.

Trong những câu chuyện được nghe kể lại về người cha của mình, ông Nguyễn Tuấn Khoa không khỏi ấn tượng với việc nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm trong đêm tối, không đèn, không đuốc, vượt 15km đường rừng hiểm trở tới nhà in chỉ để sửa một... lỗi sai. Đó là lần Thâm Tâm khi đến khâu đọc mo-rat phát hiện ra lỗi chính tả tên một địa phương cấp xã bị viết sai. Không ngần ngại, ngay trong đêm ấy, nhà báo chiến sĩ băng rừng tới nhà in để sửa lỗi. Thâm Tâm làm gì cũng quyết liệt, đặc biệt là trong công việc. Ông Nguyễn Tuấn Khoa cho rằng, ông thừa hưởng được đức tính quý báu ấy từ người cha của mình.

1 vạn đồng thấm đẫm tình đồng đội

Trong ký ức của ông Nguyễn Tuấn Khoa, lần đầu tiên ông được gặp cha là vào khoảng năm 1948, khi ông tầm 2 tuổi, mới chập chững biết nói, biết đi. Thâm Tâm về thăm nhà và để lại cho gia đình kỷ vật là hai bức ảnh (một bức ảnh ông Nguyễn Tuấn Khoa ngồi với ông nội và ảnh chân dung của ông Nguyễn Tuấn Khoa). Vì là nhà báo nên Thâm Tâm mới có chiếc máy ảnh quý giá để chụp lại những hình ảnh này. Đến bây giờ, những bức ảnh vẫn được gia đình nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm lưu giữ trân trọng. “Thỉnh thoảng bố tôi cũng gửi thư về, động viên gia đình yên tâm, vững chí tin vào kháng chiến”, ông Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ.

Con trai nhà thơ Thâm Tâm, ông Nguyễn Tuấn Khoa bên di ảnh của người cha (hàng đầu tiên, thứ 4 từ trái sang) được trưng bày tại phòng truyền thống Báo Quân đội nhân dân.

Tiếc thay, đó cũng là lần duy nhất cha con được đoàn tụ. Năm 1950, khi vợ của nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm đang ốm nặng bởi căn bệnh thương hàn, sốt cao, mê man thì có hai đồng chí bộ đội ghé thăm nhà. Ông Nguyễn Tuấn Khoa hồi tưởng: “Lúc đó, chừng 4 tuổi, tôi thấy hai chú bộ đội mặc quân phục đến hỏi thăm nhà tôi, sau đó nói chuyện với ông bà tôi. Không hiểu sao mọi người đều khóc mà tôi chẳng biết gì. Mãi sau này tôi mới biết, đó là lúc, đồng đội của cha cùng công tác tại Báo Vệ Quốc quân về đưa giấy báo tử của Tổng cục Chính trị, di vật bao gồm một chiếc ba lô, mấy bộ quần áo, một con dao nhíp của bố tôi kèm theo một bức thư của anh em tòa soạn Báo Vệ Quốc quân có ký tên đồng chí Hoàng Xuân Tùy, đồng chí Lê Liêm với những lời động viên gia đình vượt qua nỗi đau mất mát, anh em trong tòa soạn của ít lòng nhiều thu xếp được 1 vạn đồng để hỗ trợ gia đình.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, 1 vạn đồng ấy thấm đẫm nghĩa tình đồng đội, là sự động viên, chia sẻ của những người lính cầm bút cùng công tác với Thâm Tâm, góp phần giúp gia đình vơi bớt nỗi buồn mất mát người thân. Sau này, các thế hệ phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân vẫn duy trì đều đặn việc tới thăm, tri ân gia đình nhà thơ-nhà báo chiến sĩ Thâm Tâm. Chính vì thế, khi biết tin Báo Quân đội nhân dân phát động Chương trình “Nghĩa tình với miền Trung”, ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, gia đình nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Thâm Tâm đã không ngần ngại quyên góp. Bởi lẽ, trong ký ức của những người ở lại, Thâm Tâm không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà báo chiến sĩ mẫu mực. Và trong hành trình xây dựng, trưởng thành, phát triển của Báo Quân đội nhân dân vẫn luôn ghi nhận những đóng góp lớn lao của nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Thâm Tâm.

Bài, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/con-trai-nha-tho-tham-tam-chia-se-ve-nguoi-cha-thu-ky-toa-soan-mau-muc-641792