Con trai, con gái

Con trai, con gái con nào cũng là con, con nào cũng được bố mẹ yêu thương như nhau. Đó gần như là một điều tất nhiên, thế nhưng trong cuộc sống hiện nay, dù công nghệ đã gắn kết cả thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rầm rộ khắp mọi nơi vậy mà nhiều quan niệm lạc hậu vẫn tồn tại, gây nên những bi kịch trong cuộc sống gia đình.

Những đứa con đều là món quà thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người chúng ta

Những đứa con đều là món quà thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người chúng ta

Đứa cháu nối dõi

Q.A, công tác tại Viện Kiểm sát Hà Nội, lập gia đình từ năm 2015. Là cháu đích tôn trong dòng họ, ngay từ khi chuẩn bị lấy vợ, đã được từ bố đến ông bà dặn dò về chuyện cố gắng “làm đứa cháu đích tôn” dù rằng làm sao để được thì chẳng ai biết. Đã thế, là cán bộ nhà nước, anh chỉ có 2 cơ hội để kiếm đứa đích tôn nếu không muốn ảnh hưởng đến công việc. Từ một chàng trai vốn vô tư, khi vợ có bầu, anh bỗng trở nên căng thẳng, mệt mỏi trước áp lực của dòng họ nhất là khi cái áp lực này vốn dĩ không phải là chuyện cố gắng có thể giải quyết được. Chính vì thế, khi biết vợ mang thai con gái, anh không thể giấu được sự thất vọng. Sự thất vọng của anh còn lan qua cả vợ khiến cho không khí gia đình bỗng chốc trở nên ngột ngạt dù rằng thai kỳ đang tốt đẹp.

Chị M.H, nhà tại Hà Nội, kể: “Tôi và chồng cưới nhau được 16 năm, có với nhau 2 con gái. Nhà chồng tôi có 4 anh em trai, trừ chồng tôi ai cũng có con trai. Tuy nhiên, chồng tôi chưa bao giờ tỏ thái độ hay nói bất cứ điều gì về chuyện phải có con trai. Khi đó, tôi vẫn nghĩ có lẽ do chồng tôi học cao, trình độ tiến sĩ nên không để ý đến chuyện con trai, con gái, với lại anh cũng rất yêu thương hai cô con gái”. Chính vì vậy, chị bị “sốc” nặng khi có người phụ nữ đưa cậu con trai 6 tuổi đến nhà đòi nhận bố. Đến lúc đó chị mới biết là anh có “phòng nhì” đã hơn 7 năm. Anh vẫn thường xuyên chu cấp cho cậu con trai riêng, thăm nom cô “vợ bé”. Chỉ đến khi cô vợ bé chán cảnh không danh phận, muốn có hạnh phúc riêng với người đàn ông khác, cô ấy dắt con về “trả” lại cho chồng chị thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Chị H biết trẻ con không có tội tình gì, nhưng để chấp nhận con riêng của chồng, nhất là khi anh đã lừa dối gia đình nhiều năm nay thì thật khó khăn. Rồi hai con gái chị đã lớn, chúng sẽ nghĩ sao khi biết bố vẫn chỉ mong muốn có con trai?

Trường hợp của chị T.P lại còn dữ dội hơn, sau ngày cưới anh đưa chị về quê chồng thăm, ra mắt dòng họ. Ai cũng quý chị nhưng đi kèm là những lời dặn dò “cố gắng có đứa con trai nối dõi”. Chồng chị là con cả, tuy dưới anh còn 1 người em trai nữa những trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường lại dồn lên anh. Tâm sự với chuyên gia tư vấn của dự án nghiên cứu “Tác động của bạo lực lên sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở Tanzania và Việt Nam” (Dự án PAVE), chị T.P cho biết, cũng vì cái áp lực của những kỳ vọng đó, đến nay đã 3 năm sau khi lập gia đình chị vẫn chưa có con. Cứ mỗi lần có thai, chị đều bị ám ảnh bởi cái tâm lý cố có con trai và không biết có phải vì cái sự ám ảnh đó ảnh hưởng hay không mà cả lần có, chị đều không giữ được.

Hạnh phúc từ nụ cười trẻ thơ

Thẳng thắn thừa nhận sự thất vọng khi vợ sinh con gái, nhưng 3 năm sau, khi cô con gái bé bỏng bắt đầu chập chững, bi bô, quấn lấy bố, thì nỗi thất vọng ngày nào của Q.A đã bay biến đi đâu mất. Hiện tại, anh thật lòng không quan trọng việc phải kiếm bằng được thằng cu nối dõi nữa. Nhiều khi nghĩ lại những áp lực, những suy nghĩ ngày đó, chính anh cũng cảm thấy buồn cười vì sự ấu trĩ của mình. Anh cho biết: “Có đứa con thiên thần như thế này còn mong ước gì hơn, và chắc chắn rằng, đứa con tiếp theo mình không hề nặng nề việc phải có thêm một thằng cu”.

Trước những áp lực của gia đình chồng, vai trò của người chồng trở nên quan trọng khi giúp người vợ vượt qua những khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần khi sinh con. Một bà mẹ trẻ tâm sự: “Mình nhớ đợt bầu đứa thứ 2, biết tin là con gái mình buồn lắm vì bị áp lực từ phía nhà chồng. Thấy vợ buồn chồng mình bảo luôn, “thế con gái thì không nuôi à, con nào mà chả là con nên đừng có nói thế mà con nó tủi thân. Nghe xong mà ấm hết cả người. Giờ con cứng cáp rồi và quấn bố lắm, đi làm thì không sao cứ hễ về đến nhà là hai công chúa lại quấn lấy”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ như trên, nghiên cứu về tác động của bạo lực với sức khỏe sinh sản trên 1.337 thai phụ tại huyện Đông Anh, Hà Nội (2014-2016) cho thấy, 1/3 số phụ nữ khi tham gia nghiên cứu đã trải qua ít nhất một hình thức về tinh thần và một trong những bạo lực tinh thần rất lớn với các thai phụ hiện nay chính là việc cần phải có con trai nối dõi tông đường. Không ít các thai phụ, khi mang bầu con gái, nhất là bầu con gái liên tiếp lần thứ hai, lần ba đều gặp phải những áp lực như bị chồng và gia đình chồng chối bỏ, chỉ trích, thờ ơ… Đây được coi là một trong những nguyên nhân lớn gây ra bệnh trầm cảm sau sinh.

Một quan niệm sai lầm thường cho là việc mong muốn con trai tập trung ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn kém… Thực tế, các khảo sát xã hội đều đã chỉ ra rằng chính những gia đình giàu có, học vấn cao, sống ở thành thị chứ không phải trong những vùng quê lại mất cân bằng giới tính nhiều nhất. Bởi cùng với tư tưởng mong con trai thì những người có học vấn cao cũng có kiến thức, điều kiện lựa sinh con trai “hiệu quả” hơn. Trong khi với nhóm nghèo và cận nghèo thì tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường.

Chính vì vậy, theo Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân thì vấn đề nằm ở quan niệm của chính người trong cuộc. “Con cái là món quà thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người chúng ta. Ý thức được điều này, các bậc làm cha làm mẹ sẽ cảm thấy mình vô cùng may mắn vì có khả năng sinh con bởi xung quanh còn rất nhiều cặp vợ chồng khao khát có một đứa con mà không thể”- Th.S Vũ Cẩm Vân cho biết.

THÀNH TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/con-trai-con-gai-561071.html