Con trai bị lừa sang Campuchia nhắn tin kêu cứu, cha ở quê nhà 'đứng ngồi không yên'

Ông H.Đ.L. (SN 1978, ngụ xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) nhiều lần lên cơn đau tim khi đứa con trai nhắn tin cầu cứu từ Campuchia.

Từ tin bạn... đến tiền chuộc 130 triệu đồng

Sáng 25.9, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông L. cho biết, gia đình đã chuộc được đứa con trai tên H.T (SN 2004) bị lừa bán sang Campuchia về Việt Nam với số tiền 130 triệu đồng.

Ông L. vay mượn khắp nơi được 130 triệu đồng và ra ngân hàng chuyển vào số tài khoản 0810086666789, có tên Pham Ngoc Linh (Ngân hàng Quân đội - MB Bank) theo yêu cầu - Ảnh: H.Đ.L

Ông L. vay mượn khắp nơi được 130 triệu đồng và ra ngân hàng chuyển vào số tài khoản 0810086666789, có tên Pham Ngoc Linh (Ngân hàng Quân đội - MB Bank) theo yêu cầu - Ảnh: H.Đ.L

Theo ông L., hồi tháng 4.2022, T. được người bạn (ngụ địa phương) rủ qua Campuchia làm việc trên máy tính với mức lương 25 triệu đồng/tháng.

Sau khi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), T. được một số người tổ chức sang Campuchia làm việc trong sòng bạc do người Trung Quốc quản lý.

Mỗi ngày phải làm việc 15-16 tiếng, tuy nhiên T. không được trả lương, mà chỉ được cho ăn uống rồi làm việc. Đến ngày 7.9, do làm việc quá sức không thể chịu nổi, T. gọi điện về cho ông L. nói muốn về nhà.

“Họ nói T. muốn về là vi phạm hợp đồng, phải gửi tiền qua bồi thường hợp đồng mới được về. Tôi có biết hợp đồng gì đâu, họ nói sao tôi nghe vậy, tôi gửi tiền qua cho họ với mong muốn con tôi được về”, ông L. cho biết.

Vào ngày 22.9, ông L. vay mượn khắp nơi được 130 triệu đồng và ra ngân hàng chuyển vào số tài khoản 0810086666789, có tên Pham Ngoc Linh (Ngân hàng Quân đội - MB Bank) như yêu cầu thì ngày 23.9, họ mới thả T. về chung với đoàn người được bên Campuchia giải cứu.

Ngày 23.9, sau khi nhận tiền chuộc từ ông L, họ mới thả T. về chung với đoàn người được bên Campuchia giải cứu - Ảnh: NNCC

Khi phóng viên liên hệ với T. để tìm hiểu vụ việc thì T. cho biết, do một người bạn thân giới thiệu có một "ông anh" bên Campuchia làm việc với mức lương từ 25-30 triệu đồng/tháng.

Sau đó, bạn này rủ em qua làm chung với "ông anh". Tuy nhiên, bạn này nói em qua trước đi, do bạn kẹt công trình của người anh khác nên chưa qua cùng được.

“Vào khoảng tháng 4.2022, có người liên lạc em rồi kêu vào TP.HCM sẽ có người chu cấp tiền ăn uống, đi chơi vài ngày (để có thời gian làm hộ chiếu). Khoảng 3 ngày sau, em có giấy tờ và được một nhóm người đưa sang Campuchia qua đường cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) cùng với 5 người khác trạc tuổi”, T. nói.

Công ty T. làm ở Campuchia và dòng tin nhắn cầu cứu bố - Ảnh: NNCC

Cũng theo T., khi qua Campuchia được đưa vào khu phức hợp Sihanoukville và được phân công làm công việc lôi kéo người khác tham gia cờ bạc online, nạp tiền chơi game.

“Chúng em bị họ ép buộc lên mạng tìm và dụ dỗ khách hàng có tiền. Người quản lý giao chỉ tiêu cho em phải tạo ra tổng doanh thu khoảng 10.000 USD/tháng. Còn chỉ tiêu riêng là mỗi ngày phải nhắn tin với 10 khách hàng mới. Nếu như thiếu 1 khách hàng mới thì mức phạt là 50 cái hít đất, cãi lại thì bảo vệ chích điện, đánh đập.

Ngoài ra, nếu người chơi rút tiền ra không chơi nữa, em được xem là không hoàn thành chỉ tiêu. Ngày nào em hoàn thành chỉ tiêu thì người quản lý vui vẻ, cho ăn cơm đàng hoàng. Còn không thì chúng em bị chích điện”, T. kể.

T. cho biết, tháng đầu tiên em làm việc khá tốt và được phát tiền lương là 200 USD. Tuy nhiên, đến tháng sau, T. không hoàn thành chỉ tiêu nên bị chủ đánh đập. T. đòi về thì quản lý sòng bạc yêu cầu gọi điện thoại về gia đình kêu chuyển 6.000 USD tiền chuộc mới cho về.

“Công ty em làm là khu tự trị, có rào chắn, kẽm gai, có bảo vệ cầm súng tiểu liên nên tụi em không có ý định trốn thoát. Lần em bị tra tấn, kinh sợ nhất là khi bị bọn bảo vệ còng tay, chân rồi đưa lên giường. Chúng chích điện vào giường. Lần đó em bị ngất xỉu 2 lần, đến lần thứ 3 thì em mới gọi điện về gia đình. Họ ép buộc em ký vào giấy tờ vi phạm hợp đồng, ban đầu em không ký nhưng sau đó bị hành hạ quá phải ký tên vào”, T. nói thêm.

Cũng theo T., khu này có một tầng hầm riêng để giấu những người được họ mua từ Việt Nam và được gia đình cầu cứu từ Cảnh sát Campuchia.

“Khi cảnh sát ập vào để tìm kiếm những người này thì họ sẽ cho xuống tầng hầm giấu. Sau khi tìm không thấy và lúc cảnh sát đi về thì họ lập tức chở những người này bán qua một casino khác”, T. chia sẻ.

Vẫn ôm mộng "việc nhẹ lương cao"

“Em muốn qua Campuchia làm việc. Chưa có hộ chiếu. Mong muốn được hỗ trợ đi từ Quảng Ninh. Em cảm ơn”, dòng tin được một bạn tên Đời Bạc nhắn vào nhóm Hội người Việt Nam tại Campuchia với hơn 53.000 thành viên, tối 20.9.

Vẫn còn những người ôm mộng việc nhẹ lương cao - Ảnh: Tô Văn

Chỉ vài ngày trước khi bạn này đang chuẩn bị xin tìm việc ở xứ người thì vào tối 23.9, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tổ chức tiếp nhận 226 công dân Việt Nam ở Campuchia về nước.

Theo thông tin ban đầu, đây là những công dân được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Preah Sihanouk giải cứu trong chiến dịch kiểm tra người nước ngoài và trấn áp tội phạm buôn bán người từ ngày 18 đến 22.9 ở 3 công ty nước ngoài tại Campuchia.

Số lao động được giải cứu đều là nạn nhân của hoạt động lừa đảo, lôi kéo sang Campuchia làm việc dưới chiêu bài "việc nhẹ lương cao" và bị cưỡng bức lao động trong các cơ sở, tổ chức lừa đảo do người nước ngoài làm chủ. Hầu hết những người này đều có giấy tờ tùy thân (36 người có hộ chiếu) hoặc bản sao, hình ảnh giấy tờ tùy thân; một số rất ít không có giấy tờ tùy thân do bị mất hoặc bị công ty trước đây thu giữ.

Những công dân này đã được lực lượng chức năng nước bạn hoàn tất thủ tục xử lý theo pháp luật và bàn giao cho Bộ đội biên phòng tại cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Sau khi tiếp nhận những công dân này tại cột mốc 313, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên sẽ tổ chức phân loại, đối với công dân xuất cảnh bằng hộ chiếu thì giải quyết cho nhập cảnh theo quy định.

Những công dân xuất cảnh trái phép sẽ cho làm bản tường trình, lấy lời khai để làm rõ các hành vi xuất cảnh trái phép như xuất cảnh ở khu vực nào, bằng đường nào, có bị lừa hay mua bán qua biên giới hay không...

Liên quan đến công dân ở địa phương nào thì lực lượng chức năng sẽ liên hệ với công an, chính quyền ở địa phương đó để xác minh nhân thân và sẽ xử lý vi phạm hành chính.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước - Ảnh: H.C

Trung tá Nguyễn Hữu Việt, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên thông tin với báo chí, ngoài quá trình xử lý, sàng lọc phát hiện một số công dân là nạn nhân trong đường dây mua bán người thì sẽ có quy trình 6 bước đối với nạn nhân mua bán người. Trong đó, Bộ độ Biên phòng ở bước thứ nhất là hỗ trợ, sau đó liên hệ với Hội phụ nữ, Phòng lao động thương binh xã hội, chính quyền địa phương nơi cư trú và tại Hà Tiên để hỗ trợ nạn nhân về địa phương.

Cùng ngày 23.9, Đồn biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Đức Huệ, Long An phối hợp với Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh và Công an huyện Đức Huệ đã tiếp nhận 34 công dân Việt Nam lao động trái phép ở Campuchia từ Đồn công an biên giới hữu nghị Sôm Rông, Ty Công an tỉnh Svây Riêng, Campuchia.

Theo Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây, 34 người này gồm 28 nam và 6 nữ, trong đó chỉ có 28 người có giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số còn lại không có.

Hiện tại, những người này đã được đưa về khu vực nhà chờ thuộc trạm biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây để làm rõ thêm thông tin.

Tô Văn

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/con-trai-bi-lua-sang-campuchia-nhan-tin-keu-cuu-cha-o-que-nha-dung-ngoi-khong-yen-187450.html