Con tôi không phải thiên tài!

Đó là khẳng định rất 'biết người, biết ta' của nhiều phụ huynh khi nói về con mình. Thế nhưng, đó cũng là câu trả lời có phần dối lòng của không ít bậc cha mẹ trước câu hỏi về niềm tin và ước vọng đặt vào con trẻ.

Đây cũng là tâm lý dễ hiểu, bởi ai cũng mong muốn thế hệ tương lai của mình sẽ thành người có ích. Và nếu may mắn hơn, đứa trẻ khi lớn lên là người có danh tiếng, địa vị trong xã hội, thậm chí một thiên tài thì hẳn sẽ là niềm tự hào mà ai cũng phải mơ ước. Thế nhưng, định vị rõ năng lực của con mình để hướng cho trẻ lựa chọn lối đi vào tương lai phù hợp là điều không phải ông bố, bà mẹ nào cũng làm đúng.

Đã có thời gian, cư dân mạng “truyền tay” bức thư được cho là kỳ lạ của một hiệu trưởng trường trung học ở Singapore gửi phụ huynh trước kỳ thi học kỳ của các trò. Trong thư, ông khuyên phụ huynh đừng nên quá kỳ vọng vào trẻ, đừng ép buộc con mình học tốt những môn mà chúng lẽ ra chỉ cần biết thôi là đủ. Thư có đoạn viết: “Xin hãy nhớ rằng, trong số các em, những người có mặt tại kỳ thi, có người sẽ là một nghệ sĩ, người không cần hiểu sâu về toán; có người sẽ là một doanh nhân, người không cần phải quá quan tâm đến văn học...”. Và ông đi đến kết luận: “Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con!”. Những lời khuyên chân thành, mộc mạc ấy của thầy có tâm với giáo dục gây không ít bất ngờ xen lẫn thú vị đối với phụ huynh.

Nhiều phụ huynh người Việt khi đọc xong nhưng dòng chữ ấy, có cảm tưởng như thư được gửi cho chính mình. Bởi thấp thoáng đâu đó, họ cũng tìm thấy được lời khích lệ, sự động viên thấu tình, đạt lý mà những lời trong thư đã nói. Chỉ có điều, chắc rằng, ở Việt Nam sẽ có không nhiều thầy cô giáo đủ dũng cảm, đủ sự tự tin vào tâm huyết của mình để khuyên phụ huynh như vậy!

Hiện nay, tư duy giáo dục của xã hội đã có phần hiện đại hơn. Nhiều phụ huynh cũng định hướng rõ cho con mình việc học tập trung vào các môn sở trường của trẻ. Song không mấy người đủ tự tin định hướng cho con mình chỉ học thứ gì mà trẻ thích. Hơn nữa, điều đó cũng cần được thực hiện hài hòa để vừa đạt được mục tiêu phát triển năng lực cá nhân mà lại đạt được mục tiêu phát triển toàn diện của giáo dục. Nếu lựa chọn sai sẽ khiến trẻ lớn lên có những tư duy nửa vời và thiên lệch.

Cái đích cuối cùng của giáo dục theo đúng nghĩa chính là sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội để dạy dỗ, nuôi dưỡng đứa trẻ trở thành người có ích! Đó mới là điều quan trọng nhất chứ không phải dạy tất cả những đứa trẻ học giỏi toàn diện để nuôi ước mở trở thành những thiên tài!

TUỆ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/con-toi-khong-phai-thien-tai-574504