'Cơn thủy triều' chính trị mang tên BJP và Mô-đi

Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) ngày 20-5 đã chính thức bầu ông Na-ren-đa Mô-đi làm lãnh đạo của đảng này trong Quốc hội. Như vậy, ông Mô-đi đã chính thức được chỉ định làm Thủ tướng Ấn Độ, sau khi BJP vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16, với 282/543 ghế. Đây là lần đầu tiên từ kể 30 năm nay, một chính đảng Ấn Độ đạt được kỷ lục với đa số tuyệt đối tại Quốc hội, đánh dấu một 'kỷ nguyên mới' cho đất nước 1,2 tỷ dân này.

Ông N.Mô-đi ăn mừng sau chiến thắng lịch sử của đảng BJP. Ảnh: Reuters

Từ người bán trà đến ghế Thủ tướng

Năm nay 63 tuổi, ông Mô-đi là người của dân chúng, bước lên đài vinh quang nhờ vào những nỗ lực và ý chí của mình. Ông Mô-đi không sinh trưởng trong một gia đình chính trị mà trong một gia đình thuộc giai cấp bình dân. Gia đình ông bán trà nên mỗi sáng trước khi đi học, ông Mô-đi phải dậy sớm để giúp cha phục vụ trà cho khách đi tàu. Thời thiếu niên, ông đã sớm giác ngộ và đi theo phong trào chủ nghĩa dân tộc cực hữu.

Người dân Ấn Độ biết nhiều về ông Mô-đi với hình ảnh một nhà quản lý cứng rắn, một người luôn "nói được là làm được", một nhân vật được kỳ vọng sẽ có "liều thuốc" giúp vực dậy nền kinh tế èo uột của Ấn Độ. Tác giả cuốn nhật ký về ông Mô-đi là Ra-mê-sơ Mê-non nhận xét: "Mô-đi là một nhà quản lý tốt. Ông ấy rất nghiêm khắc, nói là làm. Đây là một nhân tố đáng sợ".

Ông Mô-đi đã làm Thủ hiến bang Giu-gia-rát ở phía Tây Ấn Độ từ năm 2001. Với kiểu quản lý dị biệt, ông Mô-đi nhận nhiều phản ứng trái ngược trong hơn một thập niên qua. Những người không ưa ông gọi ông là "kẻ độc đoán", nhưng những người ủng hộ lại tung hô ông là "người quyết đoán". Thời gian ông lãnh đạo ở Giu-gia-rát đã giúp bang này trở thành một trong những nơi tăng trưởng nhanh nhất Ấn Độ với tỉ lệ tăng trưởng hai con số trong thập niên qua. Hãng tin CNN của Mỹ cho biết, mô hình phát triển Giu-gia-rát của ông Mô-đi tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị hóa và bài trừ tệ quan liêu, được coi là một liều thuốc bổ cần thiết cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông từng gặp trở ngại sau khi ông bị chỉ trích về cách xử lý các vụ bạo động tôn giáo năm 2002 ở Giu-gia-rát, làm hơn 1.000 người chết mà phần lớn là người Hồi giáo. Người ta cho rằng, ông Mô-đi trong vai trò Thủ hiến bang phải chịu trách nhiệm vì đã không làm đủ trách nhiệm để ngăn chặn. Do vậy, năm 2005, ông bị Mỹ từ chối cấp thị thực với lý do là vi phạm tự do tôn giáo. Cuối năm ngoái, một tòa án Ấn Độ đã ra phán quyết cho rằng không có đủ bằng chứng để truy tố ông.

Cơ hội hiếm có để tạo bước ngoặt

Ông Mô-đi chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 15 của Ấn Độ vào ngày 26-5. Phát biểu sau khi được bầu, ông Mô-đi cam kết sẽ nỗ lực nhằm đáp ứng mong đợi của người dân, hoàn thành trách nhiệm mà nhân dân giao phó. Chính trị gia 63 tuổi cho biết, thời kỳ chia rẽ chính trị ở Ấn Độ đã kết thúc để bắt đầu kỷ nguyên của đoàn kết hướng tới một Ấn Độ vinh quang và thịnh vượng. Ông Mô-đi một lần nữa khẳng định sẽ nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ ấy của 1,2 tỷ dân Ấn Độ, trong đó, giải quyết những khoản đầu tư bị đình trệ trong các dự án điện, đường bộ và đường sắt để phục hồi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ từng bước mở cửa cho đầu tư nước ngoài thông qua chính sách hỗ trợ thuế và cải cách thị trường lao động hướng tới mục tiêu tạo ra 10 triệu việc làm mỗi năm. Ông Ét-ua Phra-xát, chuyên gia kinh tế thuộc trường Đại học Coóc-neo của Mỹ, cho rằng, trong khi các nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc và Nga đang phải đối mặt với những khó khăn riêng thì Ấn Độ, với nhà lãnh đạo mới là ông Mô-đi, hiện nắm trong tay một cơ hội hiếm có để thoát khỏi tình trạng lạc hậu.

Tuy nhiên, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng đối với tân Thủ tướng Mô-đi và Chính phủ của ông, bởi nền kinh tế của quốc gia Nam Á đang èo uột, trong khi BJP chưa nắm được Thượng viện để có thể thuận lợi thông qua các dự luật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống 4,5% trong năm 2013, cùng với sức ì của nền chính trị và tình trạng tham nhũng gia tăng đang hủy hoại danh tiếng "điểm đến đầu tư toàn cầu" của Ấn Độ.

Về đối ngoại, nhiều nhà phân tích cho rằng Chính phủ mới về cơ bản sẽ vẫn duy trì chính sách đối ngoại của Chính phủ tiền nhiệm. Trong chiến dịch tranh cử thời gian qua, ông Mô-đi đã có những tuyên bố thể hiện lập trường cứng rắn trong học thuyết hạt nhân, trong chính sách với các nước láng giềng. Ông Mô-đi từng thẳng thắn tuyên bố "không thế lực nào trên Trái đất có thể xâm lấn Ấn Độ dù chỉ vài inh". Chính lập trường không nhân nhượng này đã giúp ông Mô-đi giành được các lá phiếu ủng hộ của đông đảo cử tri, trong bối cảnh không ít ý kiến tỏ ra thất vọng trước chính sách đối ngoại bị cho là "mềm yếu" của Chính phủ tiền nhiệm. Với vai trò người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ, ông Mô-đi sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét. Cùng với đó, những thách thức khủng bố từ Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và cuộc chạy đua hạt nhân với Pa-ki-xtan cũng khiến người dân nước này tin rằng, một nhà lãnh đạo kiên cường, quyết liệt là cần thiết để quốc gia Nam Á ứng phó thành công với các thách thức khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Chính phủ mới sẽ tiếp tục chính sách "hướng Đông", vốn được coi là "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Đối với Mỹ, chiến thắng vang dội của ông Mô-đi và BJP là cơ hội để "thiết lập lại" mối quan hệ bị sa sút trong những năm qua giữa Oa-sinh-tơn và Niu Đê-li mà gần đây nhất là vụ giới chức Mỹ bắt giữ, khám xét và trục xuất bà D. Khô-bra-ga-đê, Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Niu Yoóc.
Trước một hành trình mới với những hy vọng mới về tương lai, không chỉ người dân đất nước bên bờ Ấn Độ Dương mà cộng đồng quốc tế đều mong đợi thắng lợi được ví như "cơn thủy triều" chính trị của Thủ tướng Mô-đi sẽ giúp Ấn Độ tạo ra bước ngoặt, nhanh chóng xây dựng được vị thế tương xứng, trở thành tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế và đóng góp tích cực vào việc gìn giữ hòa bình, ôn định trên toàn thế giới.

Phương Châu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/con-thuy-trieu-chinh-tri-mang-ten-bjp-va-mo-di/