'Con thú' và bí ẩn tình yêu

Đọc bài thơ 'Con thú' của nhà văn Như Bình là tôi nhớ 'Mãi mãi tình yêu là một bí ẩn' cuốn sách của Châu Phát Đăng xuất bản năm 2019. Chị mới công bố bài thơ này trên Group online Quán Chiêu văn với 'dòng trạng thái' khiêm tốn: 'Dũng cảm 'múa rìu qua mắt thợ'. Mình là dân ngoại đạo, nhưng mà yêu thơ. Lần đầu tiên, mong các bác chỉ giáo ạ'.

Tình yêu mãi mãi là bí mật

Tình yêu mãi mãi là bí mật

Thực ra, tôi biết Như Bình làm thơ đã lâu, đã từng nghe chị đọc thơ trong “Đêm thơ nhạc” do Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức Tết Canh Tý vừa qua. Bài thơ “Con thú” chị viết tháng 8/2019, có nghĩa qua tuổi “thôi nôi”, có điều mới công bố. Tôi đã comment: “Một vở kịch thơ rất hay. Như Bình làm thơ như Sếch-xpia viết bi kịch về tình yêu, thèm khát, ước ao và sợ hãi...”. Nhận xét như vậy, không phải để “lấy lòng” nhà văn nữ xinh đẹp.

Về nhà văn Như Bình, tôi rất thích nhận xét của nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim về chị: “Ấn tượng đầu tiên của bất cứ ai gặp chị là sự ám ảnh bởi cái chất giọng Hà Tĩnh nguyên sơ. Ngồi lại cùng chị, sẽ bị níu giữ bởi nụ cười duyên và đôi mắt đa tình sâu thẳm. Khi đọc chị, người ta sẽ trĩu lòng bởi những trang văn xúc động như rơi lệ… Chị là Như Bình, một cái thân thuộc đối với những ai là bạn đọc của chuyên đề An ninh thế giới”. Nay Như Bình là Thư ký Tòa soạn của chuyên đề Văn học Công an, môt trong số các ấn phẩm của báo Công an nhân dân.

Cách đây 10 năm, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, chị nói “Tôi yêu nhân vật của mình vô điều kiện”. Với tư cách là một nhà văn, chị yêu nhân vật vô điều kiện như xác tín. Với tư cách là một người gốc Hà Tĩnh, chị yêu quê hương vô điều kiện, luôn cám ơn “cánh đồng”. Phấn đấu vì những giá trị cao đẹp trong quan hệ con người với nhau xác định “căn cước” phẩm hạnh của nhà văn Như Bình.

Trong “Con thú”, nhà văn Như Bình cũng “vô điều kiện” như vậy đối với tình yêu. Khổ đầu chị viết:

Em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh

thật ra em rất cô đơn.

Con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng

gục đầu thú tội.

Em không thể chạy đến tìm anh để ngã,

vào cô đơn

thêm một lần nữa”.

Bất giác tôi nhớ đến “Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu” với những câu thơ: “Yêu, là chết ở trong lòng một ít,/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?/ Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:/ Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”, (Yêu). Người đàn bà/ nhân vật em trong “Con thú” của Như Bình, phải nói đang rất yêu, yêu đến độ “cô đơn”. Trong trái tim “em” có hẳn một “con thú hoang”; đã hoang thì đói và khát. Thế nhưng “không thể chạy đến tìm anh” mà “rũ lông cụp đuôi về phía bìa rừng”, “gục đầu thú tội”. Vì sao vậy? Dễ thấy nguyên nhân: “Em không thể chạy đến tìm anh để ngã/ vào cô đơn/ thêm một lần nữa”.

Em đã yêu anh như thế, đã từng chạy đến với anh, đã từng ngã vào anh, tiếc thay khi ngã vào thấy mình cô đơn hơn. Thà cô đơn một mình, lùi về phía bìa rừng thú tội “em yêu anh” nhưng không thể tiếp tục ngã thêm lần nữa, chuốc thêm cô đơn. Biết vẫn nhưng vẫn đói, vẫn khát tình yêu. Đó hẳn là một bi kịch, nỗi bất trị của “con thú”. Lý trí không thắng được trái tim.

Tất nhiên, có thể không phải “anh” không yêu “em”, nhưng nếu theo ý nghĩa tuyệt đối của cảm xúc, tình yêu của “anh” chưa đủ lớn, đủ nhạy cảm để bắt sóng được các tần số của cảm xúc và giải mã nó.

Con thú” trong “em” tự sự với “anh” dẫu “anh” không nghe được. Nỗi nhớ đến “phờ phạc”, “rạc gầy”, “như a xít ăn mòn răng và tóc”...Thật đáng ngại “có những ngày dài em xác xơ vô nghĩa”, “lạc đường trở về nhà”, “không nhớ mình là ai”, “từng là ai” và “tưởng em đã chết”, “sợ mình như một linh hồn/ lang thang đi lạc”. Không cần nói thêm gì, yêu đến thế cơ mà, nhớ đến thế cơ mà, hơn cả quay quắt.

Nhà văn Như Bình

Con thú” gồm nhiều trường đoạn của cảm xúc. Đã yêu ai mà chẳng muốn được yêu, tức là muốn trao, dâng hiến và muốn được nhận lại, được hiến dâng. Suy cho cùng trên đời này không có gì ý nghĩa bằng yêu và được yêu. Nhưng mấy ai có được hạnh phúc đó. Dường như số phận “em” trong “Con thú” cũng như vậy.

Đừng dày vò em, đừng đánh thức em

Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước

Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau

Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu.

Em không thể chạy đến để nói với anh thật ra em rất cô đơn.

Con thú hoang đã nhốt sâu

Dù nó nhe răng van vỉ em bằng cái vẻ cụp đuôi xờ xạc

Dù nó đã cắn em suốt đêm trong nỗi nhớ anh phờ phạc

Em dường như nhận ra, dù còn là dạng câu hỏi nghi vấn, với chính lòng mình: “Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước/ Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau”...sợ “con thú” bị “đánh thức”, muốn “nhốt sâu” nó lại, dẫu “con thú” rất khó chấp nhận “nằm yên”.

Đọc bài thơ “Con thú” của nhà văn Như Bình, chắc chắn người đọc phải có giây phút thiền tịnh để trả lời câu hỏi “Yêu là gì?”. Có lẽ không ai có thể tự tin bảo rằng mình trả lời được. Còn nếu hỏi: "Đâu là người mà trái tim ta yêu thương nhất?" thì lại không quá khó để trả lời.

Tình yêu khắc cốt ghi tâm có thể là bất kỳ một mối tình nào mà con người trải qua trong cuộc đời này, có thể là bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và trong mọi hoàn cảnh. Điểm chung duy nhất của tình yêu chính là việc ta đã yêu thương người mình yêu bằng tất cả những gì mình có, đến tận cùng dù là hạnh phúc hay khổ đau thì vẫn luôn khắc ghi, không bao giờ nuối tiếc hay hối hận.

Nhà văn Như Bình thuộc cung Sư Tử, cầm tinh con (giáp) chuột (Nhâm Tý 1972). Như Bình xếp hạng nổi tiếng thứ 74.450 trên thế giới và thứ 110 trong danh sách nhà văn nổi tiếng.

Cái bi kịch đau đớn của người đàn bà là biết rõ “khuôn mặt” tình yêu không như mình nghĩ mà vẫn khát khao yêu. Hiểu bản chất của tình yêu mà vẫn yêu đến độ mụ mị đau khổ. Nhân bài thơ “Con thú”, tôi nhớ tích cũ về Trọng Thủy – Mỵ Châu. Chúng ta, đã “hằn” vết trong đầu rằng, Mỵ Châu là người: “Trái tim lầm lỡ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc”, (Thơ Tố Hữu). Nhưng, nếu nhân văn hơn sẽ thấy Trọng Thủy và Mỵ Châu rất yêu nhau, chỉ khác nhau về “bổn phận” thuộc về giới. Không yêu Mỵ Châu, sao Trọng Thủy sau khi dâng Nỏ thần cho Vua cha lại quay đi tìm Mỵ Châu và tuẫn tiết khi biết Mỵ Châu đã chết?

Trong TÌNH YÊU phụ nữ không toan tính và ích kỷ như đàn ông. Họ sẵn sàng “cắp nón” ra đi với tình yêu của mình nếu bố mẹ cấm đoán. Khi yêu, trong người “em” “con thú hoang” cũng sinh hạ. Rất khó khăn để nhốt nó. Càng khóa chặt, nghịch lý là “con thú hoang” càng muốn sổ lồng. Điều người đàn bà dễ thất vọng nhất lại chính là, khi mình “nuông chiều” thả thú sổ lồng, đến với tình yêu mà mình mong đợi, thờ phụng lại chỉ là...ảo giác. Sự “cô đơn” nếu bị ngã vào “cô đơn” thì thật nghiệt ngã.

Con người ở “quán trọ” trần gian chỉ một lần. Cũng có thể, do nhiều nguyên nhân ràng rịt, ở nhiều trường hợp khác, muốn yêu bằng tất cả những gì mình có, đến tận cùng mình có...cũng rất khó thực hiện, chứ chưa nói đến có đủ thời gian để trả lời được câu hỏi “yêu là gì”. “Hạnh phúc luôn bò như ốc như sên/ Nỗi buồn đến như điên như dại” mà thành các cung bậc khác nhau của tình yêu, cuộc sống.

Chính vì thế mà từ cổ chí kim, từ đông sang tây, các nhà văn, nhà thơ đã và sẽ viết mãi về tình yêu, vẫn có người đọc. “Tình yêu giống như một ngọn lửa. Nhưng dù nó sưởi ấm trái tim hay đốt cháy ngôi nhà, thì người trong cuộc vẫn không kịp kể lể điều gì”, trong thư tịch của nhân loại có cả ngàn câu danh ngôn về tình yêu nhưng tôi vẫn thích câu nói này của Joan Crawford - nữ diễn viên điện ảnh, truyền hình và sân khấu người Mỹ./.

6/9/2020

NĐH

Nguyên văn bài thơ “Con thú”:

Như Bình

CON THÚ

(Viết từ một kí tự về "nỗi nhớ phờ phạc")

Em không thể chạy đến tìm anh để nói với anh

thật ra em rất cô đơn.

Con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng

gục đầu thú tội.

Em không thể chạy đến tìm anh để ngã,

vào cô đơn

thêm một lần nữa.

Nỗi nhớ phờ phạc đổ bóng những chiều tà

Nỗi nhớ rạc gầy trong xác thân héo rũ

Nỗi nhớ như a xít ăn mòn răng và tóc

chỉ còn trơ lại hốc mắt khô

em…

Anh không hay biết đâu, có những ngày dài em xác xơ vô nghĩa.

Em lạc đường trở về nhà.

Em không nhớ mình là ai

Từng là ai

Vẫn nước mắt vô tình chạm mỗi ngày bất lực.

Em tưởng em đã chết

Ở đâu đó lâu lắm kia, trên cõi thế gian này

Em sợ mình như một linh hồn

Lang thang đi lạc.

Đừng dày vò em, đừng đánh thức em

Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước

Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau

Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu.

Em không thể chạy đến để nói với anh thật ra em rất cô đơn.

Con thú hoang đã nhốt sâu

Dù nó nhe răng van vỉ em bằng cái vẻ cụp đuôi xờ xạc

Dù nó đã cắn em suốt đêm trong nỗi nhớ anh phờ phạc.

Tháng 8/2019

Nhà văn Như Bình thuộc cung Sư Tử, cầm tinh con (giáp) chuột (Nhâm Tý 1972). Như Bình xếp hạng nổi tiếng thứ 74.450 trên thế giới và thứ 110 trong danh sách nhà văn nổi tiếng. Đấy là thông tin của một trang mạng về nữ nhà văn xinh đẹp này.

Kể từ khi “cầm bút” đến nay Như Bình đã xuất bản các tác phẩm: “Giông biển”, (tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, năm 1999); “Dòng sông một bờ”, (tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, năm 2000); “Đêm vô thường”, (tập truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn, năm 2002); “Người mang lại ái tình”, (tập ký, NXB Văn hóa thông tin, năm 2011); “Những câu chuyện khó tin nhưng có thật” (NXB Văn học, năm 2012); “Sự ẩn khuất của số phận” (tập ký, NXB Văn hóa thông tin, năm 2012); “Bùa yêu” (tập truyện ngắn, NXB Văn học, năm 2015).

Nhà văn Như Bình cũng đã kịp “ẵm” nhiều giải thưởng văn học ở các cấp độ khác nhau, như: Giải C tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1995; Tặng thưởng tác phẩm hay nhất của báo Văn nghệ trẻ, năm 1996; Giải B giải thưởng văn học Nguyễn Du trong 5 năm (1995-2000); Tặng thưởng truyện ngắn hay trên VietNamNet với truyện ngắn "Cửa sổ"; Giải A truyện ngắn viết về đề tài dân số năm 2000.

Ngô Đức Hành

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/%E2%80%9Ccon-thu%E2%80%9D-va-bi-an-tinh-yeu-79163