Con thích nghề này, bố mẹ thích nghề kia, chọn sao cho trúng?

Nhiều gia đình không thể tìm được tiếng nói chung đơn giản bởi vấn đề chọn nghề trong hướng nghiệp khi con thích nghề này, nhưng bố mẹ lại thích nghề khác.

Những tư vấn đã được các chuyên gia chia sẻ tới học sinh của Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) tại Tọa đàm cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh ĐH 2019 do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) diễn ra ngày 27/11.

TS Trần Văn Tính, giảng viên khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẽ nhận được rất nhiều câu hỏi của học sinh từ nhiều trường khác nhau về chuyện chọn nghề.

Mới đây là trường hợp một học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) và cả bố mẹ đã cùng lên gặp ông để xin ý kiến về chuyện này sau những cuộc tranh cãi không hồi kết.

“Bố mẹ đều là giảng viên dạy về ngành kế toán. Đặc biệt gia đình còn có công ty kế toán - kiểm toán riêng. Nhưng con trai thì rất thích học về lĩnh vực dầu khí. Bố mẹ bảo con đăng ký học ngành kế toán để theo nghề, con thì nói rằng muốn đi đây đó. Cãi nhau không có hồi kết”.

Theo TS Tính, đây không phải là trường hợp cá biệt mà thực tế có rất nhiều trường hợp con thích nghề này nhưng bố mẹ lại thích nghề kia.

Chọn nghề trong hướng nghiệp là một vấn đề lớn mà theo TS Tính để xác định đúng thì cả phụ huynh lẫn học sinh cần xác định và trả lời được một số vấn đề: Nghề nào phát triển tốt nhất và dễ xin việc nhất? Nghề nào là nghề danh giá?; Nghề nào có mức thu nhập cao nhất; Học đại học có phải con đường duy nhất để thành công?; Thế kỷ 21 cần những điều gì ở người lao động?,…

Theo TS Tính, sẽ luôn có những nghề mới xuất hiện theo xu thế của xã hội.

“Có thể thấy rõ qua những nghề như PG (Promotion Girl -PV) đại diện cho các thương hiệu quảng bá sản phẩm; bán hàng online; môi giới chứng khoán, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi; tổ chức sự kiện,… và một nghề nữa cũng cực kỳ phát triển là làm đẹp. Không chỉ cho phụ nữ đâu mà ngay cả đàn ông cũng cần làm đẹp. 20% GDP của Hàn Quốc từ công nghệ làm đẹp mang lại. GDP của Hàn Quốc hơn 3.000 tỷ USD, như vậy 20% số đó đã hơn cả GDP của Việt Nam chúng ta.

Một trong những nghề có tiềm năng phát triển thấy rõ là công nghệ ô tô. Nhu cầu sử dụng ô tô ngày một lớn, lắp ráp và sửa chữa ô tô rất tiềm năng”.

TS Tính dẫn chứng một người bạn trước đây học cơ khí là thợ sửa ô tô, sau đó mở được một gara riêng tuy quy mô nhỏ nhưng hiện thu nhập đủ để nuôi sống cả gia đình.

“Thực phẩm chức năng cũng vậy và ở các nước giàu có thì đó là một trong những lĩnh vực cực kỳ phát triển, thay thế cho thức ăn hàng ngày”.

TS Trần Văn Tính, giảng viên khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

Qua một số dẫn chứng như vậy, TS Tính cho rằng nghề phát triển là nghề mà xã hội cần và có nhu cầu cao.

“Chọn được rồi nhưng nếu xét thấy năng lực của bản thân không đáp ứng được hay phù hợp được đòi hỏi của nghề thì cũng không được”.

TS Tính cũng cho rằng các phụ huynh và học sinh cần xóa bỏ định kiến về nghề danh giá để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

“Nghề danh giá là nghề đem lại giá trị cho xã hội, phát triển và đáp ứng nhu cầu của cá nhân, giữ được nhân cách con người tốt đẹp. Như vậy, không nên so sánh nghề này với nghề kia bởi nghề nào đáp ứng được những tiêu chí đó cũng đều danh giá”.

Nghề có thu nhập cao nhất là nghề “chuyên nghiệp nhất” và bất cứ nghề nào cũng có thể chuyên nghiệp được.

“Thử hỏi giờ nghề cắt tóc, gội đầu thôi nhưng chuyên nghiệp thì thu nhập có tốt không”, câu hỏi khiến nhiều bạn trẻ gật gù.

“Cần 3 yếu tố quan trọng đối với 1 nghề chuyên nghiệp, đó là phát huy tối đa năng lực cá nhân, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phải công nghệ hóa. Như vậy nếu chỉ giỏi thôi là chưa đủ, bởi đó chỉ mới là một khía cạnh”.

Ông Tính dẫn chứng trường hợp anh Nguyễn Ngọc San (36 tuổi, TP HCM) quyết định trồng cây sứ cảnh để cho thuê vào ngày Tết, còn ngày thường thì thu gom về tạo nên trung tâm để ngắm hoa để qua đó bán cà phê; hay những cá nhân dùng tre, thân cây chuối hột để làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ra các nước trên thế giới.

TS Tính cho hay học đại học không phải là con đường duy nhất để đến thành công nhưng là nền tảng cơ bản cho thành công.

Do đó, TS Tính tư vấn cho các học sinh khi chọn nghề cần lưu ý:

“Trước hết bạn phải hiểu chính mình.

Tiếp đó cần trả lời câu hỏi nghề dự định chọn là gì qua những yếu tố như yêu cầu điểm thi, năng lực trí tuệ người lao động mà nghề đó yêu cầu; tính cách , sức khỏe và sự đam mê,…

Khi thống nhất hiểu được bản thân và dự định chọn nghề thì trả lời câu hỏi thứ 3 là sự phát triển của nghề, đó là xã hội có cần nghề đó hay không. Mình giỏi nhưng xã hội không cần thì cũng như vứt đi”.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/con-thich-nghe-nay-bo-me-thich-nghe-kia-chon-sao-cho-trung-491308.html