Con tàu cháy khiến Sri Lanka đối mặt thảm họa trong nhiều thập niên

Vụ cháy tàu hóa chất X-Press Pearl ngoài khơi bờ biển Sri Lanka vào tháng 5 được dự đoán sẽ khiến quốc đảo này phải đối mặt với thảm họa môi trường trong nhiều thập kỷ, theo BBC.

Tàu X-Press Pearl đã bốc cháy ngoài khơi bờ biển Sri Lanka trong nhiều ngày liền. Những cuộn khói đen tỏa ra từ con tàu và bốc cao trên nền trời, đứng từ xa vài km vẫn nhìn thấy.

Một tháng sau vụ cháy, tàu X-Press Pearl hiện nằm im lặng trong trạng thái nửa chìm nửa nổi ngoài khơi bờ biển Sri Lanka, thân tàu được đặt trên lớp cát đáy của vùng biển nông.

 Tàu X-Press Pearl cháy 13 ngày ngoài khơi bờ biển Sri Lanka. Ảnh: BBC.

Tàu X-Press Pearl cháy 13 ngày ngoài khơi bờ biển Sri Lanka. Ảnh: BBC.

Dù ngọn lửa trên tàu đã được dập tắt, những vấn đề xuất phát từ vụ cháy mới chỉ manh nha bắt đầu.

Nhiều container hóa chất xếp chồng lên nhau vẫn còn kẹt trên tàu. Nhiều thùng trong số này đã bị rò rỉ và ngấm xuống nước, làm dấy lên mối lo về tình trạng sinh vật biển bị đầu độc bởi các hóa chất nói trên.

Ngoài ra, hàng tấn hạt vi nhựa đã trôi dạt vào các bãi biển địa phương lân cận. Hàng trăm tấn nhiên liệu động cơ được đóng kín trong thân tàu bị chìm cũng có khả năng rò rỉ ra biển.

Bên cạnh các mối đe dọa về môi trường, vụ cháy tàu X-Press Pearl còn đem lại những hậu quả tàn khốc đối với cộng đồng địa phương, theo BBC. Ngư dân bản địa mất kế sinh nhai chỉ sau một đêm và có thể phải gánh chịu hậu quả trong nhiều năm tới.

"Chúng tôi là ngư dân, chúng tôi phải ra biển mỗi ngày. Chúng tôi chỉ có thể kiếm sống bằng cách đi biển, nếu không cả gia đình chúng tôi sẽ chết đói", Denish Rodrigo, ngụ ở bờ biển Sri Lanka, nói với BBC.

Hàng tỷ hạt vi nhựa

Một trong những điểm nổi bật nhất trong các bức ảnh ghi lại thảm họa cháy tàu X-Press Pearl là nhiều hạt nhựa tròn nhỏ tràn ra từ tàu. Số lượng mảnh nhựa nhiều đến mức mắt thường có thể nhìn thấy khi chúng nằm kề nhau.

Những hạt vi nhựa này là thành phần chính của hầu hết sản phẩm nhựa trên hành tinh.

Lượng lớn hạt vi nhựa từ tàu X-Press Pearl có thể đe dọa hệ sinh thái Sri Lanka. Ảnh: BBC.

"Có khoảng 46 chất hóa học khác nhau trên con tàu đó (X-Press Pearl)", Hemantha Withanage, nhà hoạt động môi trường người Sri Lanka, nói với BBC. "Nhưng thứ chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất cho đến nay là hàng tấn hạt vi nhựa".

Kể từ cuối tháng 5, những mảnh nhựa từ tàu X-Press Pearl đã dạt vào các bãi biển thuộc thành phố Negombo ở bờ phía tây của Sri Lanka. Người dân địa phương cũng báo cáo về tình trạng cá chết nổi lềnh bềnh vì nuốt phải hạt vi nhựa.

Thông thường, nhựa mất từ 500 đến 1.000 năm để phân hủy hoàn toàn. Số hạt vi nhựa nói trên có thể đã bị các dòng hải lưu đẩy dạt đến những bờ biển quanh Sri Lanka hoặc thậm chí xa hơn.

"Cả gia đình chúng tôi sẽ chết đói"

Đối với ngư dân ở Negombo, mối bận tâm của họ không chỉ xoay quanh chuyện ăn phải hạt vi nhựa trong cá, mà là khả năng sẽ không thể bắt được con cá nào.

Giới chức sở tại đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực bị ảnh hưởng bởi đám cháy. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều ngư dân đã mất toàn bộ nguồn thu nhập và sinh kế chỉ trong một đêm.

"Các loài cá sinh trưởng ở những rạn san hô trong vùng, và các nhà chức trách nói rằng những khu vực đó đã bị hủy hoại do ảnh hưởng từ hóa chất nguy hiểm. Giờ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài nhảy xuống biển tự tử", ông Tiuline Fernando, người đã hành nghề đánh cá suốt 35 năm qua, nói với BBC.

Nhiều gia đình ngư dân ở Negombo chật vật kiếm sống vì mất kế sinh nhai chỉ sau một đêm. Ảnh: BBC.

Chính phủ Sri Lanka đang yêu cầu tiền bồi thường và bảo hiểm từ các chủ sở hữu của tàu X-Press Pearl. Tuy nhiên, người dân địa phương không trông đợi rằng số tiền đó sẽ được dùng để hỗ trợ họ.

Hiệp hội ngư dân địa phương cho biết họ cần sự giúp đỡ từ cả cộng đồng. "Không chỉ chúng tôi (ngư dân) mà nhiều ngành liên quan khác cũng bị ảnh hưởng", chủ tịch hội ngư dân bản địa Densil Fernando giải thích.

Ông Fernando nói: "Các nhà cung cấp lưới, động cơ, tàu thuyền và dầu có liên quan đến hoạt động đánh bắt cá. Hàng nghìn công việc liên quan đến ngành đánh bắt đang bị ảnh hưởng".

Ô nhiễm hóa chất

Tác động lâu dài nhất từ vụ cháy được cho là vấn đề ô nhiễm hóa chất. Nhà hoạt động xã hội Withanage cho biết một số nguyên tố nguy hiểm có trên tàu X-Press Pearl là axit nitric, natri dioxit, đồng và chì.

Khi hòa vào nước, những nguyên tố trên sẽ xâm nhập vào nội tạng của các sinh vật biển địa phương.

Cá nhỏ có thể chết ngay vì nhiễm độc song cá lớn nhiều khả năng vẫn sống sót, chất độc sẽ dần tích tụ trong cơ thể chúng theo thời gian.

Sinh vật biển nhiễm độc dạt vào bờ biển ở Negombo, Sri Lanka. Ảnh: BBC.

Ông Withange cho biết cá, rùa và cá heo đã chết và dạt vào các bãi biển. Nhiều cá thể trong số đó đã chuyển sang màu xanh lục, cho thấy cơ thể bị nhiễm kim loại và hóa chất.

"Trong khoảng vài năm nữa, nếu bạn bắt được một con cá ngừ, khả năng cao là nó vẫn nhiễm độc", ông Withange nói. "Sự tích tụ hóa chất này là một vấn đề nghiêm trọng".

"Mọi người nên được thông tin về vấn đề này", ông nói thêm. "X-Press Pearl bây giờ là một con tàu độc hại. Bất cứ thứ gì từ con tàu này dạt vào bờ đều rất độc. Mọi người thậm chí không nên chạm vào chúng".

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-tau-chay-khien-sri-lanka-doi-mat-tham-hoa-trong-nhieu-thap-nien-post1226142.html