Cơn tăng huyết áp và cách điều trị

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính, gây tổn thương lên các tạng khác nhau như tim, mạch máu, thận… và thường kéo dài trong nhiều năm.

Huyết áp có thể có lúc tăng một cách nhanh chóng và đủ nghiêm trọng để được xem là cơn tăng THA.

Cơn tăng huyết áp p là tình trạng huyết áp tăng đột ngột với huyết áp tâm thu > 180 mm Hg và/hoặc huyết áp tâm trương > 120 –130 mm Hg.

Triệu chứng không rõ ràng

Đa số người cao huyết áp không có các dấu hiệu và triệu chứng, ngay cả khi huyết áp lên tới các mức độ cao nguy hiểm.

Một số ít người huyết áp cao có thể bị nhức đầu, khó thở hay chảy máu mũi, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng này là không đặc hiệu và thường không gặp cho đến khi huyết áp cao trở nên nghiêm trọng hay đe dọa đến tính mạng.

Cơn THA thường thấy ở những bệnh nhân THA đã được chẩn đoán trước đó nhưng không tuân thủ tốt chế độ điều trị, và cũng có thể xuất hiện lần đầu tiên ở những bệnh nhân khác mà trước đó không được biết là bị THA.

 Kiểm tra huyết áp cho người bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Kiểm tra huyết áp cho người bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nguyên nhân nào?

Có 2 loại cao huyết áp: THA nguyên phát (vô căn) và THA thứ phát.

Cho đa số người lớn, không thể nhận biết căn nguyên của cao huyết áp. Loại cao huyết áp này được gọi là THA nguyên phát (hay vô căn), có khuynh hướng phát triển dần qua nhiều năm.

Một số người cao huyết áp gây ra bởi một bệnh cơ bản nào đó. Loại cao huyết áp này gọi là THA thứ phát, có khuynh hướng xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với THA nguyên phát. Các bệnh và các thuốc khác nhau có thể đưa đến THA thứ phát như: ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, các bệnh của thận, u tuyến thượng thận, các bệnh của tuyến giáp, một số bệnh mạch máu bẩm sinh, tâm trạng căng thẳng (stress), một số thuốc (như các viên tránh thai, thuốc cảm, thuốc thông mũi, các thuốc không hợp pháp như cocaine và amphetamines…), lạm dụng rượu hay uống rượu kinh niên.

Các yếu tố nguy cơ

Bao gồm: Tuổi trên 45 ở nam giới và trên 65 ở nữ giới, chủng tộc (gặp nhiều hơn và biến chứng cũng nghiêm trọng hơn ở người da đen), lịch sử gia đình (cao huyết áp có thể có tính gia đình), quá cân hay béo phì, ít hoạt động thể lực, hút hay nhai thuốc lá làm tăng nguy cơ THA nhất thời (các hóa chất trong thuốc lá làm tổn thương lớp nội mạc động mạch, gây hẹp động mạch và tăng huyết áp), chế độ ăn quá nhiều muối (sodium giữ nước trong cơ thể và làm tăng huyết áp) hoặc quá ít potassium (không giữ được thăng bằng lượng sodium trong các tế bào), bệnh thận, đái tháo đường, ngừng thở khi ngủ, mang thai, uống quá nhiều rượu (gây tổn thương cho tim và cao huyết áp)…

Xét nghiệm và chẩn đoán

Các xét nghiệm thường quy như: Xét nghiệm nước tiểu, các xét nghiệm máu, xét nghiệm cholesterol và ghi điện tim. Có thể làm thêm siêu âm tim để kiểm tra thêm các dấu hiệu của bệnh tim. Các trường hợp nặng hay đe dọa, phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu.

Các số đo huyết áp được chia làm 4 hạng sau đây:

Huyết áp bình thường (không cao): Khi thấp dưới 120/80 mm Hg.

Tiền cao huyết áp: Khi huyết áp tâm thu 120 - 139 mm Hg hay huyết áp tâm trương 80 - 89 mmHg. Hạng này sẽ xấu dần theo thời gian.

THA giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu 140 - 159 mmHg hay huyết áp tâm trương 90 - 99 mmHg.

THA giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu ≥ 160 mm Hg hay huyết áp tâm thu ≥ 100 mm Hg.

Điều trị như thế nào?

Để phòng ngừa cơn THA và các biến chứng của nó, bạn cần tuân thủ nghiêm chỉnh chế độ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, đúng cữ, không dùng thuốc không rõ loại. Trong quá trình điều trị, nếu bạn có huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg, hay huyết áp tâm trương ≥ 120 mmHg hoặc xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của các tạng đích như đau ngực, khó thở, mắt mờ, nôn ói, yếu liệt chi… bạn không được tự điều trị tại nhà mà cần lập tức đến ngay bác sĩ hoặc cơ sở y tế.

Cùng với điều trị thuốc, thay đổi nếp sống cũng rất quan trọng: chế độ ăn ít muối, tập thể dục đều đặn, bỏ hút thuốc, hạn chế rượu, giữ cân nặng hợp lý hoặc giảm cân khi thừa cân hay béo phì.

Nếu huyết áp vẫn cao mặc dầu bạn đã dùng tới ít nhất ba loại thuốc, một trong số đó thường là thuốc lợi tiểu, như vậy là bạn bị cao huyết áp đề kháng. Khi đó phải xem xét đến một nguyên nhân thứ yếu của cao huyết áp.

Ngoài ra phải xem lại các thuốc và liều sử dụng đã phù hợp hay chưa, phải thận trọng tỉ mỉ trong điều chỉnh thuốc. Các thực phẩm, thuốc thảo mộc và tập thể dục đều đặn cũng có thể có ích: họ mã đề, cám lúa mì, các chất khoáng như magnesium, calcium và potassium, acid folic, acid béo omega-3 trong dầu cá hay hạt lanh, vitamin D…

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khánh Dương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/con-tang-huyet-ap-va-cach-dieu-tri-355933.html