Con suy dinh dưỡng vì cha mẹ lạm dụng nước hầm xương

Con được 9 tháng mà chỉ nặng 7,2kg, có nguy cơ suy dinh dưỡng nên chị Hoàng Thu Yến (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) phải đưa đi khám. Chị không ngờ, con chậm lớn, còi xương một phần là do gia đình thường cho bé ăn bột chỉ với nước xương hầm.

Muốn con được sử dụng những thức ăn tươi, ngon nhất nên sáng nào chị Yến cũng dậy từ sớm đi chợ mua đồ ăn và không quên mua riêng xương ống có cả tủy xương để về ninh nước nấu cháo cho con. Nếm thìa cháo vừa thơm, ngọt vừa ngậy, chị Yến cảm thấy rất hài lòng, song bé Na nhà chị thì ngược lại. Bé luôn tỏ ra lười ăn, không thích ăn, trong khi cân nặng thì hai tháng nay hầu như không tăng được bao nhiêu. Nhìn con cứ bé xíu so với bạn cùng tuổi, chị Yến rất xót ruột nên quyết định cho con đi tư vấn dinh dưỡng.

Theo TS Phạm Thị Thúy Hòa, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Ứng dụng, những trường hợp như bé Na nhà chị Yến không phải là hiếm.

Thi thoảng ninh xương nấu cháo, sẽ tốt với trẻ nhỏ. Song việc các gia đình lạm dụng hoặc quá tin tưởng vào nước ninh xương, ngày nào cũng cho trẻ ăn nước ninh xương mà không bổ sung các nhóm chất dinh dưỡng khác có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc.

Trong bát cháo cần có đủ, cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa

Trước hết, nước ninh xương giúp bột/cháo có vị ngọt thơm, song đó là theo cảm nhận của người lớn, chứ bé ăn cũng không thấy ngon.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, trong 100 ml nước xương chỉ có 0,6g đạm. Lượng này chỉ đáp ứng 1/30 nhu cầu đạm một ngày của trẻ. Như vậy, nếu chỉ cho ăn nước xương hầm mà không bổ sung thịt, cá… trẻ sẽ bị thiếu chất.

Bên cạnh đó, phần canxi có trong xương ống chủ yếu là canxi vô cơ mà cơ thể bé không hấp thụ được. Loại canxi này trong xương không bao giờ tan ra nước. Nếu xương có phần sụn thì có chút canxi tiết ra nhưng nước dùng đó nấu cho bé, lượng canxi có thể cao hơn, còn lượng phốt pho lại tương đối thấp, mà tỷ lệ canxi và phốt pho nếu cân đối thì vào cơ thể bé mới hấp thu được. Còn nếu nguồn thức ăn chỉ có canxi, để hấp thu lượng canxi này, cơ thể bé phải rút phốt pho từ trong cột sống ra để cho cân đối. Điều này khiến bé bị còi xương, chậm lớn.

Hơn nữa, việc ninh tủy xương cho trẻ ăn thường xuyên cũng không hề tốt; Bởi tủy ít đạm, nhiều chất béo no, gây khó tiêu và trẻ cũng không hấp thu được. Đặc biệt, lượng chất béo này khi vào đường tiêu hóa sẽ láng trong toàn bộ niêm mạc dạ dày, ruột non… khiến các chất khác sẽ không thể thẩm thấu qua được để hấp thu. Vì thế, bé dễ bị thiếu dinh dưỡng.

Thực tế, trong nước thịt, nước xương hầm có nhiều nitơ, tạo cảm giác ngon miệng, nên gia đình có thể dùng nước hầm xương cho trẻ nhưng chỉ là để thi thoảng đổi vị món ăn. Còn để cung cấp đủ dinh dưỡng, gia đinh nên chú ý đảm bảo cho trẻ ăn cân đối và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng: Chất đạm, chất bột, chất béo, vitamin và muối khoáng.

Hải Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/con-suy-dinh-duong-vi-cha-me-lam-dung-nuoc-ham-xuong-post22061.html