Còn sức tôi còn đi tìm đồng đội

Đó là chia sẻ của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Chuyển, nguyên Phó trưởng phòng Quân báo Quân khu 5-người đã góp công tìm kiếm, quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từ nước bạn Lào về nước và xác định được danh tính của nhiều liệt sĩ.

Anh hùng Nguyễn Đức Chuyển từng là Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát-Đặc công (Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5), chiến đấu ở chiến trường Quảng-Đà và đường 9 Nam Lào. Sau chiến dịch Lam Sơn 719, giải phóng cao nguyên Boloven (Lào), ông được trên cử ra Bắc học tập. Năm 1974, ông quay lại công tác ở phòng Quân báo Quân khu 5 cho đến lúc nghỉ hưu năm 2007.

Khi còn làm việc, ông hoạt động đơn tuyến ở 4 tỉnh nam Lào. Nhờ nắm rõ địa hình, thông thạo tiếng Lào, lại có mối quan hệ thân thiết với các ngành chức năng nước bạn nên Đại tá Nguyễn Đức Chuyển đã góp công lớn trong việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hàng nghìn hài cốt liệt sĩ về nước. Anh hùng Nguyễn Đức Chuyển cho biết: “Mùa khô năm 2011-2012, tôi cùng các đồng đội sang Lào tìm hài cốt 5 chiến sĩ trinh sát thuộc Đại đội Trinh sát-Đặc công hy sinh trong trận chiến đấu ở Đường 9-Nam Lào năm 1971. Hơn 40 năm đã trôi qua, dù nhớ rất kỹ nơi đơn vị từng đóng quân, nhưng chúng tôi vẫn không thể nào xác định được vị trí khu mộ. Sườn đồi trống trải năm nào, bây giờ là rừng cây xanh tốt. Năm 2013, chúng tôi quay trở lại, nhờ sự giúp sức của nhân dân và các lực lượng chức năng, cuối cùng, tôi và các đồng đội đã tìm thấy khu mộ có 5 chiến sĩ trinh sát nằm liền kề nhau trên sườn đồi thuộc bản Maykhacha (Sepon, Savannakhet, Lào)”.

Giờ đây, dù đã bước sang tuổi thất thập nhưng khi chúng tôi đến thăm gia đình ở TP Đà Nẵng, vẫn thấy ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Kim Anh (65 tuổi) đang sửa soạn đồ đạc chuẩn bị đi viếng đồng đội đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn miền Trung. Ông chia sẻ: “Tôi sẽ vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), Bắc Trà My và Hiệp Đức (Quảng Nam). Đó là những nơi từng là chiến trường ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước năm xưa của tôi và đồng đội. Ngoài việc thăm, dâng hương ở các nghĩa trang, tôi sẽ thu thập tư liệu phục vụ cho việc tìm thân nhân các liệt sĩ”.

Đối với liệt sĩ chưa xác định được danh tính, ông Chuyển ghi lại cẩn trọng về thời gian, chiến trường hy sinh (thông tin ở nghĩa trang và trên bia mộ). Sau đó, ông phối hợp với Phòng Chính sách (Quân khu 5) sao lục hồ sơ gửi về các địa phương để tìm kiếm thân nhân và xác định danh tính liệt sĩ. Đến nay, nhiều gia đình ở ngoài Bắc biết đến việc làm của ông, đã gửi hồ sơ nhờ ông tìm kiếm, hỗ trợ xác minh thông tin về liệt sĩ...

PHAN ĐỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/con-suc-toi-con-di-tim-dong-doi-629072