Con sốt, vết phỏng chảy dịch chỉ vì tin cách chữa 'đông y ba đời'

Bị bỏng vùng đùi, cẳng chân, gia đình liền đắp thuốc nam cho trẻ. Vết bỏng không khô mà chảy dịch, bé lên cơn sốt. Lúc này gia đình mới tá hỏa đưa con đến viện.

Bệnh nhi bị bỏng được điều trị tại BV Sản nhi Quảng Ninh (Ảnh BVCC)

Bệnh nhi bị bỏng được điều trị tại BV Sản nhi Quảng Ninh (Ảnh BVCC)

Chỉ trong mấy ngày đầu tháng 4, Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng do nước sôi, bỏng cồn, bỏng dầu ăn.

Nguyên nhân chính đều do sự bất cẩn của người lớn. Đặc điểm chung là trẻ tuổi rất nhỏ, bị bỏng trong tình huống bất ngờ trong sinh hoạt gia đình.

Trường hợp bé Phạm Đức H.(2 tuổi, Vân Đồn, Quảng Ninh) là ví dụ điển hình. Do người lớn bất cẩn khiến bé ngã vào nồi nước nóng. Trẻ nhập viện trong tình trạng bỏng trợt da vùng đầu, cổ, ngực, bụng, diện tích bỏng tới 16%...

Vùng bỏng ở chân bệnh nhân Gia H. bị chảy dịch (Ảnh BVCC)

Hoặc trường hợp của trẻ Vũ Gia H. (1 tuổi), thường trú tại Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Trẻ bị bỏng vùng đùi, cẳng chân phải. Đáng tiếc, sau tai nạn thay vì đưa trẻ đến viện, gia đình lại đắp thuốc nam cho trẻ. Việc làm này dẫn đến tình trạng trẻ sốt cao, chảy dịch vùng bỏng. Lúc này bé mới được gia đình cho nhập viện kiểm tra.

Tại bệnh viện trẻ được các bác sĩ dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, sử dụng thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh thay băng tại chỗ hàng ngày.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Việt, Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là từ 2 đến 5 tuổi, do độ tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm.

Tổn thương bỏng rất đa dạng, ở nhiều vị trí như: chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, rất nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cũng như chất lượng sống của trẻ sau này.

Các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ. Cùng với đó là thời gian điều trị lâu dài, tốn nhiều chi phí.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ vốn hiếu động… do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.

Đặc biệt, người lớn không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ, cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.

Bên cạnh đó, khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ… tránh trường hợp trẻ nghịch bị đổ gây bỏng.

Đặc biệt, trong trường hợp không may trẻ bị bỏng thì tuyệt đối không đắp thuốc nam theo lời mách kiểu đông y gia truyền 3 đời chữa bỏng.

BS Nguyễn Thống, nguyên trưởng Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn cho biết, một bộ phận người dân vẫn có thói quen “bỏng nặng thì mới đến cơ sở y tế, còn bỏng nhẹ thì nên tìm tới “lang vườn”, “lang băm” điều trị cho tiện.

Tuy nhiên, đây là việc làm hết sức nguy hại, bởi khi sử dụng các loại thuốc nam, thuốc gia truyền có thể thấy được diện tích của vết bỏng bằng mắt thường, song các “lang vườn” không được đào tạo cơ bản về chuyên khoa y tế, nên khó có thể nhận biết hết độ nông sâu, mức độ thương tổn của vết bỏng cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để điều trị.

Chưa kể, việc sử dụng thuốc đông y bôi, đắp lên các vết bỏng sẽ tạo lớp màng cứng mà nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của sự lành vết bỏng, thế nhưng, điều đó hoàn toàn sai lầm.

“Bởi vì, sau khi màng cứng này hình thành, nó khiến tổ chức dưới da không được xử lý kịp thời dẫn đến hoại tử, mưng mủ không thoát ra được bên ngoài càng làm vết thương thêm trầm trọng”, BS Thống cho biết.

Từng có nhiều năm gắn bó với chuyên khoa bỏng, BS Thống cho biết từng phải điều trị cho rất nhiều trường hợp biến chứng vết bỏng do trước đó tìm đến “lang vườn” điều trị bằng thuốc đông y, thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trong số này, có không ít trường hợp đã bị hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng, nhiễm trùng máu, viêm cầu thận cấp thậm chí… tử vong.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, BS Thống khuyến cáo, người dân không nên chữa bỏng ở những thầy lang không có chứng chỉ hành nghề, khi không may bị bỏng hãy đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện có chuyên khoa bỏng để được cấp cứu và xử lý kịp thời.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/chua-bong-bang-thuoc-nam-be-1-tuoi-bi-nhiem-trung-boi-nhiem-281613.html