Cơn sốt lan đột biến: Người chơi ngông quá...

Theo 'vua lan' Trần Tuấn Anh, trong thị trường lan đột biến, không ai bỏ một mớ tiền ra để chơi không.

Trong cuộc trò chuyện trên Báo Nông nghiệp Việt Nam về cơn sốt lan đột biến, "vua lan" Trần Tuấn Anh khẳng định, ông không kỳ thị lan var (lan đột biến), nhưng người chơi cần tỉnh táo.

Nói về văn hóa chơi lan, ông Trần Tuấn Anh cho biết, thế giới cũng chơi nhưng "không đến mức Thị Nở với hoa hậu" như ở Việt Nam. Người Tây chơi lan thiên về màu sắc sặc sỡ còn người Á Đông chơi trầm hơn, kín hơn nhưng hương phải thực sự đẳng cấp.

"Theo kiểu giới trẻ là nói vuông ấy, mình mà hô chỉ bằng một phần giá lan đột biến đang bán ở Việt Nam thôi là thế giới người ta đã cười rồi. Tôi có rất nhiều bạn bè là người chơi lan của nước ngoài nhưng họ nhận xét rằng: “Người Việt chúng mày chơi ngông quá!”.

Ta chơi một kiểu, hoàn toàn ao làng chẳng giống ai cả. Ví dụ những cây đột biến đang giao dịch tiền tỉ ở ta có khi họ chỉ định giá cỡ 1.000 USD tức hơn 20 triệu mà thôi. Nói giá tiền tỷ họ cười, không tin.

Ngay cả Việt kiều chơi lan bên Mỹ cũng nói: “Tôi không bị điên để mua lan với giá ấy”. Tôi thừa nhận một điều rằng chúng ta đang chơi là để thể hiện, kiểu con gà tức nhau tiếng gáy, người này có thì người kia phải có và đè nhau để trấn áp cuộc chơi. Cũng như cả hội bạn bè một loạt đi ô tô đẹp mà mình đi cái rẻ tiền là dễ bị kỳ thị lắm!", "vua lan" kể.

Sự kiện giao dịch lan Var bị đẩy lên đến mức giá 250 tỷ đồng khiến dư luận đặt ra nhiều ghi vấn.

Sự kiện giao dịch lan Var bị đẩy lên đến mức giá 250 tỷ đồng khiến dư luận đặt ra nhiều ghi vấn.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, trên thế giới cũng có những cây lan được định giá cả chục ngàn, trăm ngàn, thậm chí cả triệu USD. Nhưng đó là những cây lan thực sự đặc biệt về gen, quá quý hiếm gần như không tìm ra được, như cây hài bóng của Việt Nam được định giá hàng trăm ngàn USD hay bên Đài Loan họ vừa bán một cây lan hài hằng màu đỏ quy ra cũng khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mấy loại 5 cánh trắng của Việt Nam nước ngoài cũng có chơi nhưng không có giá trị cao đến mức như vậy. Theo "vua lan", cách chơi của ta bị ảnh hưởng giống Trung Quốc.

Ông kể, gần 20 năm trước có sang Trung Quốc, thấy người ta đấu giá những cây địa lan quy ra tiền Việt cỡ hơn 30 tỷ. Khi ấy, ông đã nghĩ họ làm trò, họ ngông cuồng, thậm chí "thần kinh".

"Tôi không nghĩ rằng nay ta lại lặp lại đúng chuyện như thế", "vua lan" cay đắng nói.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, trong thị trường lan đột biến, không phải người ta bỏ một mớ tiền ra để mà chơi không. Chơi là phải để thấy mặt hoa chứ đằng này chỉ chăm chăm cắt ki, nhân giống.

"Có lẽ là do ta còn nghèo nên chúng ta lúc mua lan về thì hi vọng hôm nay nó thế này, một thời gian sau nó ra được thế nọ. Đó chính là lợi nhuận người ta “tính cua trong hang” và chờ đón nó", ông nói.

Nói về những vụ giao dịch lan đột biến tiền tỷ, "vua lan" cho rằng không thể biết được chắc chắn những vụ giao dịch ấy là thật hay không, chỉ có mỗi chủ giao dịch biết. Thậm chí, lúc thống nhất mua một giá nhưng lúc tạo sự kiện lại nói một giá khác.

Cơn sốt lan đột biến đã gây ảnh hưởng lớn đến thị trường khiến tất cả các cây lan khác với phi điệp 5 cánh trắng đều bị ngừng trệ, tê liệt hết. Theo ông Trần Tuấn Anh, những cây phi điệp thường, hoa tím cách đây 2-3 năm bán tiền triệu giờ bán giá hơn 100.000 đồng là hơi khó.

Cũng liên quan đến lan đột biến, một số ý kiến hóm hỉnh cho rằng, Ngân hàng thế giới đã thống kê" sót mảng kinh doanh lan đột biến ở Việt Nam.

Theo đó, trong nhận định 10 mảng kinh doanh nông nghiệp sinh lời nhất năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, từ cao xuống thấp gồm có chăn nuôi (319,2 tỷ USD), phân bón (196 tỷ USD)…đến canh tác chính xác (7 tỷ USD), canh tác thẳng đứng (3,9 tỷ USD). Tuy nhiên, với giá được rao của hàng ngàn, hàng vạn các vụ giao dịch lan đột biến trên mạng, tổng số phải đến cả chục tỷ USD (tương đương trên 230.000 tỷ đồng).

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/con-sot-lan-dot-bien-nguoi-choi-ngong-qua-3430444/