Cơn sốt đồ hiệu cũ đã qua

Những tin tức về vấn đề cắt giảm việc làm và lo ngại suy thoái kinh tế nổ ra đã khiến cho người tiêu dùng sợ hãi và phải thắt chặt chi tiêu của mình, kể cả khi mua đồ cũ.

Theo trang tin CNN , nhu cầu của người tiêu dùng đối với thị trường đồ cũ vẫn rất cao, và thị trường bán lại tại Mỹ dự kiến đạt doanh thu 82 tỷ USD vào năm 2026 - tăng gần gấp đôi so với mức 43 tỷ của năm 2022.

Tuy nhiên, cũng giống như cách người tiêu dùng mua sắm hàng tuần đối với các mặt hàng thời trang như quần áo và giày dép, họ không sẵn sàng chi ra nhiều tiền như trước nữa. Người dùng hiện tại mong muốn một mức giá thấp hơn đối với các sản phẩm trên thị trường bán lại.

Bà Sasha Skoda - Giám đốc kinh doanh của Công ty bán lẻ hàng xa xỉ The RealReal (REAL) - cho biết: "Sự thay đổi này bắt đầu từ cuối mùa hè năm 2022, khi nhu cầu của người tiêu dùng với các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Gucci hay Louis Vuitton giảm dần".

Ngoài ra, bà Skoda cũng cho biết thêm rằng nhu cầu mua túi cũ của các thương hiệu thuộc phân khúc trung cấp - chẳng hạn như Miu Miu và Bottega Veneta - lại đang tăng lên.

"Người tiêu dùng đang lo lắng về tình hình kinh tế và tự cắt giảm chi tiêu của mình. Họ không còn sẵn sàng trả nhiều tiền cho những món đồ từ Hermès, Gucci hay Louis Vuitton như năm 2021", bà Skoda giải thích thêm.

Theo báo cáo từ The RealReal vào thứ năm vừa qua (19/1), giá những chiếc túi xách cũ của Louis Vuitton đã giảm khoảng 20% so với 90 ngày trước đó. Con số này là 17% đối với Gucci, 10% đối với Hermès và 9% đối với Channel.

Ông Rati Sahi Levesque - Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của The RealReal - giải thích thêm: "Một cuộc suy thoái tiềm ẩn, khả năng khủng hoảng môi trường và tình trạng bất ổn địa chính trị toàn cầu đang gia tăng là những lý do khiến nhiều người tiêu dùng quyết định thắt chặt túi tiền vào năm 2023".

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng kỳ vọng về một mức giá thấp hơn, họ cũng đồng thời trở nên ít khắt khe hơn về tình trạng của những món đồ cũ.

Báo cáo của The RealReal cho biết nhu cầu với những món đồ có tình trạng "tạm ổn" (fair condition - tình trạng hàng hóa có sự tổn hại bên ngoài nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng cốt lõi) đã tăng lên gần gấp đôi trong những tháng vừa qua. Loại mặt hàng này tại The RealReal đang có giá rẻ hơn khoảng 33% so với những mặt hàng có tình trạng "tốt" (good condition) hoặc tình trạng "tuyệt vời" (excellent condition).

Hơn nữa, những người mua sắm hiện tại chủ yếu là Gen Z (1997-2012) nên họ đang bị thu hút bởi những thương hiệu có giá cả phải chăng hơn như Miu Miu, Bottega Veneta và Telfar, thay vì đầu tư một khoản lớn vào những nhãn hàng xa xỉ.

Ngoài ra, ngọc trai, trâm cài và thời trang Y2K (Year 2000 - phong cách thời trang những năm 1990-2000) cũng đang trở thành xu hướng trong năm nay càng khiến cho người trẻ không lựa chọn đồ hiệu.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/con-sot-do-hieu-cu-da-qua-172230129130155951.htm