Con số 5% vụ án truy tố 'có thể sai' là khó chấp nhận

Riêng chỉ tiêu về xử lý tội phạm không được phép hạ, chỉ được phép tăng, đặc biệt với 5% không đúng tội là vô cùng nguy hiểm.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, sáng 4/11.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chỉ tiêu truy tố đúng tội 95%, còn 5% có thể sai tội rất khó chấp nhận.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chỉ tiêu truy tố đúng tội 95%, còn 5% có thể sai tội rất khó chấp nhận.

Theo ông Nhưỡng, việc giảm chỉ tiêu của ngành kiểm sát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Chúng ta đều biết, chỉ tiêu kinh tế - xã hội và chỉ tiêu xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm là những vấn đề khác nhau. Tư pháp là vấn đề "hộ pháp của nền kinh tế", nếu hộ pháp không vững vàng thì làm sao kinh tế có thể phát triển, cuộc sống người dân làm sao yên ổn?

Về mặt nguyên tắc, các vi phạm pháp luật và tội phạm đều phải được xử lý. Việc đặt chỉ tiều là do những năm vừa qua do năng lực và điều kiện tại thời điểm đó không thể làm được.

"Việc đặt chỉ tiêu xử lý là bởi vì những năm qua, với điều kiện ấy, năng lực ấy có những việc chúng ta chưa làm được. Nhưng bây giờ chúng ta phải suy nghĩ lại. Tôi đã đọc dự thảo nghị quyết và thấy có ý này, bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Tôi không nói đến các chỉ tiêu khác. Tôi cho rằng chỉ tiêu này không nên đặt ra. 95% đúng tội, vậy còn 5% có thể sai tội thì quả thật rất khó chấp nhận", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.

Vẫn theo ông Nhưỡng, riêng chỉ tiêu về xử lý tội phạm không được phép hạ, chỉ được phép tăng, đặc biệt với 5% không đúng tội là vô cùng nguy hiểm.

Trao đổi về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình) cho rằng, trong tất cả các vấn đề xã hội nếu không giao chỉ tiêu thì khó có căn cứ để đôn đốc nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng có một số chỉ tiêu khi giao cũng cần phải tính toán. Ví dụ, với ngành Tòa án, chỉ tiêu giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, đây là lần đầu tiên.

ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình) cũng bày tỏ, không nên giao chỉ tiêu này.

Theo ông Khanh, đề xuất này không nên giao, bởi vì Tòa án giải quyết các vụ án phải chấp hành rất nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn tố tụng rất chặt chẽ. Nếu giao như thế này vào những thời điểm nhất định có thể thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn còn nhưng chỉ tiêu không hoàn thành lại thành vi phạm nghị quyết, vì chỉ tiêu nghị quyết là chỉ tiêu pháp lệnh thì bắt buộc phải thực hiện. “Khi đã giao như thế, có thể có những việc chúng tôi vẫn chấp hành đúng quy định của luật tố tụng, còn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng đối chiếu với nghị quyết thì lại vi phạm”, ông Khanh nói.

Bên cạnh đó, ông Khanh đề xuất Quốc hội cần tính đến vấn đề hiện nay của ngành Tòa án là đang đứng trước áp lực về tinh giản biên chế mà số lượng vụ án tăng đều hàng năm, trên dưới 20%, trong khi số lượng cơ cấu ngạch thẩm phán của ngành Tòa án chỉ bằng một nửa so với điều tra viên và kiểm sát viên. “Đây là một áp lực có thực đối với thẩm phán và công chức ngành Tòa án, nhất là trong bối cảnh các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền con người và quyền công dân đang phải thực hiện hết sức thận trọng”, ông Khanh bày tỏ.

Do đó, ông Khanh kiến nghị với Chính phủ nên cân nhắc, xem xét lại và tốt nhất nên để việc giao chỉ tiêu giải quyết về các vụ án cho nội bộ ngành điều chỉnh bằng các hoạt động thi đua, Quốc hội chỉ cần giám sát về việc có chấp hành đúng thời hạn tố tụng không cũng như việc chất lượng xét xử, tôi hoàn toàn đồng tình.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chi-tieu-truy-to-5-phan-tram-co-the-sai-vo-cung-nguy-hiem-160707.html