Con sinh ra trong thời gian ly thân mang họ của ai?

Nhiều cặp vợ chồng trong quá trình chung sống xảy ra mâu thuẫn khiến cho cuộc sống trở nên ngột ngạt và bí bách. Do cả hai đều không muốn sống cùng nữa, nên trước khi ly hôn, nhiều cặp đã thỏa thuận sống ly thân, mạnh ai nấy ở. Hai bên được tự do sống riêng và làm những điều mà họ yêu thích, kể cả quan hệ với người khác phái mà bên kia không được có ý kiến hay cấm cản. Thực tế, nhiều cặp trong thời gian sống ly thân đã có những quan hệ khác sâu đậm khiến cho mọi việc trở nên phức tạp hơn.

Những bất đồng trong cuộc sống là nguyên nhân dẫn đến ly thân.

Ly thân với chồng, có con với người khác

Anh N và chị T đều ngoài 30 tuổi. Sau 10 năm chung sống thì phát sinh rất nhiều mâu thuẫn. Chị T không đồng ý với lối sống của anh N vì anh thường xuyên nhậu nhẹt, mê bạn bè hơn gia đình. Mặc dù hai người đã có chung một con gái 5 tuổi, nhưng anh N vẫn không dành thời gian cho vợ con. Mọi chuyện trong gia đình đều do chị T quán xuyến, từ việc cơm nước dọn dẹp nhà cửa đến việc đưa đón con đi nhà trẻ. Hàng tháng, anh N chỉ đưa cho chị T 6 triệu đồng và coi như xong nhiệm vụ. Không những vậy, chị T còn bắt gặp anh N thường xuyên nhắn tin cho đồng nghiệp nữ với những lời lẽ ngọt ngào. Chị T góp ý nhiều lần mà anh N không chịu thay đổi. Thấy vậy, chị T đề nghị ly hôn để đường ai nấy đi. Tuy nhiên anh N không đồng ý ly hôn mà chỉ đề nghị hai người ly thân. Căn nhà của vợ chồng, anh N để cho vợ và con gái ở, còn anh dọn đi thuê một căn hộ gần chỗ làm của mình. Từ ngày sống ly thân, anh N càng được tự do làm những điều mà anh thích, mà không hề bị vợ ngăn cản. Chị T cũng cảm thấy cuộc sống dễ chịu hơn, không còn cảm giác bực tức mỗi khi anh N say xỉn về nhà trễ hay lười biếng việc nhà…

Anh chị sống ly thân đã 3 năm nhưng cả hai vẫn chưa quyết định ly hôn hay quay về chung sống. Thực ra trong năm đầu tiên ly thân, chị T cũng vài lần đề cập đến việc ly hôn, nhưng anh N cứ gạt đi, nên chị T cũng không nhắc đến nữa. Trong thời gian ly thân cả anh N và chị T đều có mối quan hệ với người khác phái. Cả hai đều biết nhưng đều không có ý kiến gì. Sau một thời gian, chị T mang bầu với người yêu. Sau khi sinh con, khi chị T đi làm giấy khai sinh cho con trai thì gặp vướng mắc. Mặc dù người cha thực sự của đứa trẻ đề nghị phải đề tên của anh vào phần tên của người cha trên giấy khai sinh của cháu bé, nhưng cán bộ hộ tịch không chấp nhận việc này. Bởi lẽ, về pháp lý, quan hệ hôn nhân của anh N và chị T vẫn tồn tại trên giấy tờ, nên về nguyên tắc, đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân mặc nhiên được xác định là con chung của anh N và chị T và phần thông tin của người cha trên giấy khai sinh phải là tên của anh N.

Phải được tòa xác định mới được từ chối làm cha

Khoản 1, điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về xác định cha, mẹ có nội dung: 1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Thấy không được đề tên người yêu vào phần cha trong giấy khai sinh của đứa trẻ, chị T quyết định đề tên anh N vào. Biết chuyện, anh N kịch liệt phản đối, vì anh N biết chắc chắn đứa trẻ ấy không phải là con mình. Dù anh N phản đối nhưng vẫn không được chấp thuận, vì theo luật định anh N vẫn là cha của đứa trẻ. Tuy nhiên, theo quy định của khoản 2, điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì nếu anh N không muốn thừa nhận đứa trẻ là con mình, thì anh phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định, chứ không thể chỉ nói rằng chị T đã có thai trong thời gian anh chị đã sống ly thân là xong.

Khoản 2, điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về xác định con như sau: Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình. Như vậy anh N cần phải nộp đơn đến TAND cấp quận, huyện nơi chị T và người con đang đăng ký hộ khẩu thường trú để yêu cầu tòa án xác định đứa trẻ đó không phải là con của anh. Ngoài đơn khởi kiện, anh N cần phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Sau khi có phán quyết của tòa án, thì anh N sẽ liên hệ lại cơ quan hộ tịch đã đăng ký khai sinh cho cháu bé để yêu cầu điều chỉnh thông tin về người cha của cháu bé.

Dù sống ly thân, nhưng về nguyên tắc, anh N và chị T vẫn là vợ chồng hợp pháp và có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo luật định. Chưa kể đến việc cả hai người khi ly thân mà vẫn chung sống như vợ chồng với người khác là vi phạm pháp luật.

Mặc dù ly thân xảy ra khá phổ biến và là giải pháp thực tế mà nhiều cặp vợ chồng chọn lựa trong giai đoạn để các bên có thời gian xem xét, đánh giá lại mối quan hệ hôn nhân của họ có thực sự quan trọng và muốn tiếp tục chung sống không, nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không có bất cứ điều luật nào đề cập đến vấn đề ly thân. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và sớm có quy định về việc này.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/con-sinh-ra-trong-thoi-gian-ly-than-mang-ho-cua-ai-625421.ldo