Con rể hỗn hào

'Tôi gả con cho anh để con có mái ấm yên ổn, chứ không phải để anh dọa đuổi và yêu cầu tôi dạy dỗ lại, ba tôi nói rất to.

Chúng tôi kết hôn được ba năm thì nhà chồng cho ra ở riêng. Giữa tôi và ba mẹ chồng không có vấn đề gì, nhưng chồng tôi không hợp tính với mẹ. Anh nóng nảy, nhiều khi nói năng không tế nhị, khiến người già chạnh lòng.

Mẹ chồng dặn tôi ở riêng thì lựa tính chồng, đừng chấp những điều nhỏ nhặt với chồng. Tôi biết mẹ hiểu tính con trai nên lo xa.

Chồng tôi gia trưởng, lại nóng tính. Anh cũng được chiều từ nhỏ nên không sờ tới việc nhà. Tôi vốn nghĩ thoáng, muốn gia đình yên ổn nên muốn góp ý gì cũng đều lựa lúc hai vợ chồng tình cảm mà nói, nhưng anh không sửa được bao nhiêu.

Công việc của anh vất vả, phải đi nhiều. Vậy nhưng, mỗi lần về nhà anh lại cằn nhằn vợ. Từ chuyện con quấy khóc, chuyện nhà cửa còn bừa bộn cho chuyện nấu cơm muộn… đều có thể khiến anh bực bội.

Tôi cũng đi làm như anh, sau giờ tan sở lại lao về nhà, nhưng tôi nào phải ba đầu sáu tay mà làm nhanh được. Những lúc anh la lối, tôi đều nhịn. Vậy nhưng, có lẽ cái sự "nhịn" của tôi lại chẳng "lành" khi anh ngày càng quá quắt. Thời gian gần đây, mỗi lần bực tức anh còn lôi cả ba mẹ tôi vào. Anh nói sẽ đề nghị ba mẹ dạy tôi lại hoặc trả tôi về nhà ngoại.

Tôi ức đến trào nước mắt. Tôi nói thẳng với anh rằng ba mẹ tôi không liên quan chuyện của tôi và anh. Anh không nhận sai, còn lớn tiếng gắt gỏng.

Hình minh họa

Một ngày nọ, con ốm nhưng anh vẫn đi nhậu với bạn. Tôi nhờ mẹ chồng sang cùng đưa cháu đi khám. Anh về, người nồng nặc hơi men, thấy thằng bé ngằn ngặt khóc, cơm chưa nấu, anh bực bội cho rằng tôi không biết chăm sóc nhà cửa, làm mẹ mà không biết chăm con. Ấm ức, tôi cự lại, vậy là hai vợ chồng cãi nhau.

Thấy anh vô lý, mẹ chồng tôi cũng lên tiếng. Thế nhưng, mẹ càng nói anh càng lớn tiếng quát tôi. Rồi anh lấy điện thoại gọi cho ba tôi, nói tôi không biết đường ăn ở, không biết cư xử với chồng cho phải đạo, anh còn nói sẽ trả tôi về cho ba mẹ tôi dạy.

Tôi và mẹ chồng sững người. Mẹ anh lao tới giật điện thoại của con trai, nhưng không được. Anh hậm hực bỏ vào phòng. Nước mắt tôi cứ thế chảy ra. Tôi thương mình một, thì thương ba mẹ tôi trăm lần. Tôi chưa làm gì báo đáp được cho ba mẹ, mà còn để chồng xúc phạm ông bà.

Mẹ chồng bảo tôi đừng chấp với người say xỉn. Nhưng lúc xỉn, con người mới thể hiện bản chất thật của mình mà?

Chừng mười lăm phút, một chiếc taxi dừng trước cửa nhà. Ba tôi xuất hiện. “Xin lỗi chị sui, tôi tới xin phép đón con gái về. Con tôi có ăn học lại được cưới hỏi đàng hoàng, mà chồng nó nay đòi trả về, mai đòi nhà ngoại dạy lại… Tôi cũng hết sức chịu đựng rồi. Thằng bé con chưa được một tuổi, theo luật thì mẹ chăm sóc”, ông nói với mẹ chồng tôi. Quay sang tôi, giọng ông đanh lại: “Con dọn đồ đi!”.

Chồng tôi từ phòng ngủ bước ra, mặt ngơ ngác. Mẹ chồng tôi hết lời xin ba bình tĩnh. Lúc này chồng tôi có vẻ hốt hoảng, nhưng ba tôi nói rất to: “Tôi gả con cho anh để mong con có bờ vai để dựa, có mái ấm yên ổn, chứ không phải để anh dọa đuổi. Giờ tôi sẽ đón con cháu tôi về”.

Chồng tôi luống cuống xin ba nghĩ lại, nhưng ông dứt khoát kéo mẹ con tôi ra xe: “Về nhà mình thôi con”.

Sáng hôm sau, chồng tôi sang nhà ngoại từ sớm. Trông anh thật thiểu não. Vẻ hùng hổ hôm trước đã biến mất. Ba tôi nói: “Mọi việc bây giờ do con gái tôi quyết định. Còn tôi, tôi không thích đùa. Con gái tôi phải được chồng tôn trọng”.

Đứng trên lầu nhìn chồng thất thểu bước ra cổng, cơn giận của tôi vẫn chưa lắng xuống. Có lẽ tôi cần thêm thời gian để xem lại thật kỹ cuộc hôn nhân này.

Theo www.phunuonline.com.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/chuyen-nha/con-re-hon-hao-283178.html