Còn quy định 'gây khó' nhà đầu tư rót vốn vào dự án khởi nghiệp

Cơ chế, chính sách của Nhà nước đang này càng hoàn thiện để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn quy định gây khó cho nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chỉ 1/3 doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn

Chỉ 1/3 doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này, trên cả nước có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp hoạt động chính thức và có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có hơn 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.

Việt Nam hiện có những văn bản chính sách quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Có thể kể đến Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã xác lập vai trò và vị trí của doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ngoài ra có các khung khổ pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đều tập trung và đạt tiêu chuẩn cao về phát triển môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp.

Năm 2017, Quốc hội lần đầu tiên ban hành Luật hỗ trợ DNNVV. Luật hỗ trợ DNNVV được rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, bởi đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ từ tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, tư vấn và pháp lý, nguồn lực…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang khó tiếp cận vốn. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, số lượng thương vụ gọi vốn thành công chưa nhiều. Ước tính chưa đến 1/3 số doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi.

Cho đến nay, doanh nghiệp chủ yếu gọi vốn từ các quỹ đầu tư nhà nước, quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân. Các thương vụ lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp chưa phát triển, nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư.

Quy định còn khó khả thi

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định được các ban hành với mục tiêu giúp khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc khuyến khích thành lập các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Nhận định về Nghị định 38, Luật sư Đoàn Thu Nga – Chủ tịch Hội đồng Công ty TNHH Lawpro cho biết, Nghị định 38 đã tiến bộ hơn văn bản trước đó, tuy nhiên vẫn có một số nội dung khó khả thi để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.

Bà Nga phân tích, tại Điều 5 của Nghị định 38 quy định, các nhà đầu tư tư nhân có thể thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng lại không được thành lập tư cách pháp nhân và tối đa là 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ và đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo bà Nga, đây là điểm gây khó cho nhà đầu tư. Về nguyên tắc, khi startup thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ không nhiều vì đang trong giai đoạn hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm demo. Khi gọi vốn, căn cứ vào ý tưởng, triển vọng tăng trưởng, phủ rộng thị trường trên phạm vi quốc gia vùng lãnh thổ hay quốc tế để gọi vốn. Vốn gọi có thể dùng để tăng vốn điều lệ hoặc phát triển thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai của startup.

Căn cứ vào các yếu tố đó, nhà đầu tư định giá startup có thể gấp nhiều lần giá trị vốn điều lệ. Ví dụ, startup thành lập doanh nghiệp vốn 2 tỷ đồng (tương đương với 87 nghìn USD) và được định giá 1 triệu USD để nhà đầu tư góp vốn hoàn thiện sản phẩm và phát triển kinh doanh. Theo Nghị định 38, các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được đầu tư tối đa 50% của vốn điều lệ hay 50% giá trị được định giá.

Trong khi đó, trên thế giới, quá trình gọi vốn thường diễn ra qua nhiều vòng khác nhau và trước mỗi vòng cấp vốn, giá trị doanh nghiệp sẽ được định giá lại. Mỗi giai đoạn đầu tư có quy định các quỹ đầu tư được đầu tư tối đa bao nhiêu % theo giá trị định giá giữa startup và nhà đầu tư, cho đến khi IPO tổng cổ phần của nhóm sáng lập viên phải còn khoảng 30% theo lần định giá cuối cùng. Do vậy các startup càng thương lượng được tỉ lệ thấp mà vốn đầu tư cao (định giá doanh nghiệp cao – doanh nghiệp tốt có tương lai IPO) thì càng về sau càng có lợi.

Do vậy, quy định đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là bất cập với xu hướng đầu tư mạo hiểm trên thế giới.

Ngoài ra, quy định các quỹ đầu tư không được thành lập pháp nhân là không phù hợp với thực tế. Theo bà Nga, kể cả khi có toàn bộ hồ sơ, thủ tục, quy định như một doanh nghiệp mà không có pháp nhân thì rất khó cho các nhà đầu tư yên tâm ủy quyền cho một vài cá nhân quản lý tài chính, kể cả khi mở tài khoản tại ngân hàng thì theo quy định cũng không thể tự đến hỏi ngân hàng về sao kê của một tài khoản không đứng tên nhà đầu tư đó.

“Quy định này là rào cản khiến đến nay chưa có quỹ nào ra đời”- bà Nga nhấn mạnh.

Bà Nga cho biết, các doanh nghiệp phải đang sử dụng một phương thức là sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, quỹ R&D của doanh nghiệp để đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân góp vốn vào quỹ này và được doanh nghiệp có pháp nhân, có con dấu đảm bảo cho việc hợp tác đầu tư

Theo thoibaotaichinhvietnam

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/con-quy-dinh-gay-kho-nha-dau-tu-rot-von-vao-du-an-khoi-nghiep-163360.html