Con quan chức được nâng điểm: Cần xem xét cả về đạo đức, nêu gương

Do vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia liên quan nhiều cán bộ, quan chức, nên Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, phải tìm ra gốc rễ sự việc, phân loại từng trường hợp cụ thể để áp dụng xử lý theo hành chính hay hình sự. Đặc biệt, cần phải xem xét đến cả yếu tố đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Gian lận thi cử, nhiều cán bộ, quan chức là phụ huynh các thí sinh Ảnh: TP

Gian lận thi cử, nhiều cán bộ, quan chức là phụ huynh các thí sinh Ảnh: TP

Đây là ăn cắp, tham nhũng

Danh sách các thí sinh được nâng điểm mà báo chí vừa công bố cho thấy, bố mẹ các thí sinh được nâng điểm hầu hết là những cán bộ, quan chức của tỉnh. Nhiều người thấy sốc, nhưng cũng nhiều người không ngạc nhiên, vì cho đó là điều hiển nhiên. Còn ông thấy sao?

Trước sự việc này, tất cả các phụ huynh, học sinh đều sốc, thấy buồn và bức xúc. Người ta thấy sự giả dối, tạo ra bất công trong xã hội, dẫn đến nhiều sự bất công khác. Từng làm trong ngành giáo dục, bản thân tôi cũng thấy khủng khiếp khi có trường hợp được nâng tới 20 điểm như vậy. Rất khó có thể chấp nhận một sự giả dối khó tưởng tượng như vậy.

Tất cả những con số đó đều biết nói và cha mẹ các thí sinh được nâng điểm lại đa phần là những cán bộ, quan chức của địa phương. Đây là hiện tượng rất đáng buồn, nhất là khi chúng ta đang xem xét, đánh giá về năng lực, phẩm chất cán bộ. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta có một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất, năng lực yếu mà vẫn được bổ nhiệm vào những vị trí cao.

Ở đây liệu có yếu tố tham nhũng, hay hối lộ khi mà nhiều cán bộ, quan chức liên quan, thưa ông?

Trước tiên phải coi đây là hành vi ăn cắp, biến không thành có, ăn cắp cái mình không có. Việc gian lận này cũng cướp đi cơ hội của các em học sinh khác. Có bao nhiêu trường hợp gian lận cũng là có bấy nhiêu trường hợp không may mắn, bị tước đi cơ hội đến với giảng đường. Hành vi đó không chỉ tước đoạt cơ hội của những người tử tế mà còn ăn cắp luôn cả danh dự của họ khi họ bị trượt một cách oan ức. Cá nhân tôi vô cùng chia sẻ đối với các thí sinh, gia đình không may mắn trong kỳ thi vừa qua.

Với nhiều người, đây còn là hành vi tham nhũng, hối lộ. Mà có lẽ không phải là tham nhũng thông thường, vì ngoài liên quan đến tiền bạc, nhiều khả năng còn có cả yếu tố tham nhũng quyền lực.

Với việc can thiệp sửa điểm trắng trợn như vậy, nhiều người lo ngại sự gian lận không chỉ diễn ra ở một vài tỉnh, hay ở một kỳ thi , mà thực tế vi phạm có thể đã kéo dài nhiều năm tại nhiều tỉnh thành, thưa ông?

Chưa biết đằng trước có bao nhiêu vụ việc xảy ra mà chưa bị phát hiện. Cũng không biết sau này còn bao nhiêu vụ việc tương tự nữa xảy ra? Nhưng có thể nói, vụ gian lận điểm thi vừa qua phải xếp vào hàng kỷ lục ở Việt Nam, kỷ lục nhất về gian lận mà chúng ta phát hiện được.

Thứ nữa, việc gian lận ở đây được thực hiện với số lượng điểm rất lớn với sự can thiệp rất thô bạo. Đặc biệt, họ lại nhắm tới những trường rất danh tiếng như các trường công an, quân đội, rồi trường y, sư phạm… Cũng vì nhắm đến các trường danh tiếng này mà họ bất chấp tất cả, sẵn sàng sửa từ 0 lên 9 điểm. Tổng ba môn có vài điểm mà bỗng dưng trở thành thủ khoa của một trường danh tiếng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Đặc biệt, lại có rất nhiều cán bộ viên chức, kể cả cán bộ trong ngành giáo dục, công an cũng liên quan. Họ là những người được xã hội đặt niềm tin, nhưng cuối cùng lại đánh mất đi niềm tin ấy.

Từ chức vì liêm sỉ.

Theo ông hành vi gian lận này nếu không được phát hiện và ngăn chặn thì sẽ để lại những hệ lụy gì cho xã hội?

Với hệ thống đại học, thi đầu vào thường vô cùng khó khăn. Thế mà họ còn chạy được. Vậy thì rất có thể sau này họ sẽ tiếp tục dùng thủ đoạn gian lận và sẽ tiếp tục sản sinh ra xã hội một đội ngũ cán bộ “đầu trắng, đầu đen”, nghĩa là một cái đầu trắng kiến thức và rất đen tối.

Theo quan điểm của tôi, sự việc này cần phải công khai toàn diện. Bởi vì đây là vi phạm hình sự, đây là câu chuyện mà cả xã hội cần phải biết, tất cả mọi người cần phải biết. Đồng thời cũng phải coi đây là một bài học xương máu không chỉ của nền giáo dục mà cho tất cả các lĩnh vực khác.

Vậy quan điểm của ông trong xử lý vụ việc này là gì?

Trong vụ việc này, ngoài phụ huynh và thí sinh còn liên quan đến đối tượng cán bộ trực tiếp sửa điểm, thậm chí có cả loại môi giới chạy điểm. Tất cả sẽ liên kết lại thành một đường dây và mỗi nhóm đối tượng đều có vai trò khác nhau. Chính vì vậy, phải tìm ra gốc rễ động cơ, mục đích của nó. Chẳng hạn, với một vị quan chức đứng đầu tỉnh, tại sao người ta lại đi sửa điểm cho con ông ấy mà lại không sửa điểm cho người khác?

Mùa thi 2019 sắp đến, nhưng việc xử lý gian lận mùa thi trước lại cứ lờn vờn, thiếu quyết liệt, chưa đâu vào đâu cả. Vì thế có thể người ta sẽ tìm cách chạy tội, rồi tìm cách khai theo hướng này, hướng kia để tránh tội đưa nhận hối lộ… Bởi vậy phải đi từ gốc của vấn đề, từ đó phân loại ra, xem trong từng trường hợp cụ thể thì áp dụng theo hình sự hay hành chính cho chính xác.

Thưa ông, không ít những người liên quan là cán bộ quan chức, đảng viên, nên nhiều người cho rằng, việc xử lý chắc không chỉ dừng lại ở khía cạnh pháp luật?

Vì liên quan đến nhiều cán bộ quan chức, nên cần xem xét ở cả khía cạnh đạo đức, nêu gương của người cán bộ. Ở nhiều nước, giả sử trong trường hợp con người có chức được hay bị sửa điểm như thế, họ sẽ từ chức ngay chứ không phải đợi đến nhà nước hay cơ quan pháp luật vào cuộc. Đó chính là tính liêm sỉ trong đạo đức công vụ của những người nắm quyền ở các nước văn minh.

Trong từng trường hợp cụ thể, tùy theo tính chất mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra để xử lý. Vì liên quan đến nhiều quan chức nên phải xử lý ở nhiều tội danh khác nhau, rồi phải xem xét kỷ luật về Đảng, kỷ luật về chính quyền, cũng có thể đưa ra khỏi hệ thống…

Ngoài trách nhiệm cá nhân, ở đây cấp ủy chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Tất cả cần phải được xem xét một cách đồng bộ, công bằng, nếu không sẽ dẫn đến sự bất công, trong cùng một hành vi mà nơi này xử lý nhẹ, nơi kia lại xử lý nặng thì không được.

Cảm ơn ông!

“Vì liên quan đến nhiều cán bộ quan chức, nên cần xem xét ở cả khía cạnh đạo đức, nêu gương của người cán bộ. Ở nhiều nước, giả sử con của người có chức được sửa điểm như thế, họ sẽ từ chức ngay. Đó chính là tính liêm sỉ trong đạo đức công vụ của những người nắm quyền ở các nước văn minh”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/con-quan-chuc-duoc-nang-diem-can-xem-xet-ca-ve-dao-duc-neu-guong-1405560.tpo