Còn quá ít doanh nghiệp 'chơi' theo luật quốc tế

“Những doanh nghiệp “chơi” theo luật quốc tế còn quá ít. Ngay chúng tôi từ khối FDI về với doanh nghiệp Việt với bao hoài bão cũng không thể tồn tại được. Doanh nghiệp mà không có hệ thống dữ liệu để biết được bộ phận nào đang làm ăn lỗ, bộ phận nào đang có vấn đề thì một người dù giỏi đến đâu vào cũng… chịu chết".

Đó là đánh giá của ông Đỗ Hòa, CEO Công ty Tinh hoa quản trị trong tọa đàm "Khủng hoảng nguồn nhân lực cấp cao" do BizLIVE tổ chức ngày 15/11.

Phải hình thành quy chuẩn mang tính hệ thống theo chuẩn quốc tế mới làm ăn lớn được

Từng làm CEO cho Trung Nguyên, Kềm Nghĩa, nhưng cuối cùng lại trở về với nghề tư vấn, ông Đỗ Hòa cho biết: “Từng làm một số công ty nước ngoài, khi quay lại làm với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi thấy bức tranh nhân tài giống như huấn luyện bóng đá!".

Các môn thể thao đỉnh cao muốn đạt thành tích quốc tế phải tạo ra môi trường giống quốc tế để cầu thủ trải nghiệm. Trong quản lý, nếu không tạo môi trường quốc tế thì làm sao họ trưởng thành?

Vấn đề ở đây là doanh nghiệp trong nước không có môi trường cho nhân tài phát triển. Doanh nghiệp trong nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, quản lý theo cách riêng, không theo khoa học, nên các anh em nước ngoài về đa phần không phát huy được. Ông chủ ra quyết định theo kiểu cảm tính, vận hành theo quan điểm gia đình, tính hệ thống chưa có… như sân cỏ mà không có trọng tài áp dụng theo luật quốc tế, thì làm sao tạo dựng được nhân tài, làm sao có động lực?, ông Hòa phân tích.

Ông Đỗ Hòa, CEO Công ty Tinh hoa quản trị.

"Tôi đã phải ra đi vì không có cùng quan điểm về quản lý và tham vọng phát triển, đó là cái khó lớn nhất mà không cá nhân nào giải quyết được. Những doanh nghiệp “chơi” theo luật quốc tế còn quá ít. Ngay chúng tôi từ khối FDI về với doanh nghiệp Việt với bao hoài bão cũng không thể tồn tại được. Doanh nghiệp mà không có hệ thống dữ liệu để biết được bộ phận nào đang làm ăn lỗ, bộ phận nào đang có vấn đề thì một người dù giỏi đến đâu vào cũng…chịu chết", ông Hòa nói thêm.

Theo ông Hòa, về môi trường làm việc, các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhờ cải tiến công nghệ, nhưng để tạo ra đột phá phải do quá trình trao đổi người từ lĩnh vực khác. Nhưng việc trao đổi người giữa khu vực FDI và khu vực tư nhân chỉ vài tháng là nảy sinh vấn đề, do vậy cải tiến năng lực con người chưa hiệu quả.

Cũng tại tọa đàm, ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính, ngân hàng, từng giúp cho nhiều ngân hàng thương mại tạo lập nền tảng từ những ngày đầu tiên, cũng nhấn mạnh đến lỗ hổng về quản trị quốc tế trong ngành ngân hàng, một nguyên nhân đã dẫn đến bao hệ lụy cho tổn thất về người và của.

“Về Việt Nam cũng khá lâu, có máu quan sát, nghiên cứu, tôi thấy những điều anh Đỗ Hòa nói rất đúng. Khác biệt về văn hóa quản trị, và môi trường làm việc chính là trở ngại lớn nhất khiến cho nhân tài không phát triển được", ông Nhi nói.

Trở lại lĩnh vực của tôi, ngân hàng là những công ty nhưng có định chế khác biệt, không có nhiều trong xã hội, có chuẩn mực, khung của nó, rất dễ để thấy cái nào lệch hay không lệch.

Tám năm vừa qua tôi tham gia tư vấn cho sáu ngân hàng tư nhân. Hệ thống tôi làm việc có khung rồi, lệch là biết liền. Nhưng chưa có nghề nào trong ba, bốn năm vừa rồi, trên 400 cán bộ lãnh đạo trong ngành tôi bị ở tù! Con số 400 đó là thực, còn con số chưa vô còn gấp chục lần. Nhưng tại sao cũng nhân viên ngân hàng đó vô làm ở ngân hàng quốc tế tại Việt Nam lại chẳng có ai bị bắt hết? Điều đó chứng tỏ môi trường ngân hàng trong nước… đụng trần rồi!, ông Nhi cho biết.

Ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính, ngân hàng (giữa).

Ông Nhi cũng đã từng khuyến cáo rất nhiều lần các ông chủ ngân hàng thương mại trong nước về tiêu chuẩn này, quy chuẩn khác, những đều nghe thấy một câu trả lời: “Cái này nước ngoài làm được chứ Việt Nam làm không được Nhi ơi!". Trong khi đó là nguyên tắc chung của thế giới, không chỉ riêng của Việt Nam. Ngành ngân hàng đã có hết các chuẩn mực, nhưng vô không làm được, ông đành phải rút đi...

"Tôi vẫn cho ngành tôi đặc biệt, góp phần chủ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng nhìn lại các doanh nghiệp Việt Nam, tôi thấy mệt mỏi. Chính vì vậy, lãnh đạo ngân hàng đâu có thiếu tiền, mà do văn hóa, do môi trường đó đã “ hãm” họ lại", ông Nhi cho biết.

Theo ông Nhi, phải cố gắng tách hai chủ thể người chủ và CEO thì mới thấy được vấn đề. Phải tích cực, từng cá nhân, từng công ty phải nỗ lực thôi, vì văn hóa, môi trường làm việc chưa cho phép. Môi trường Việt Nam vòng bán kính còn nhỏ quá, đó là hiện trạng. Xã hội làm cho người ta lúc nào cũng thận trọng.

"Thông điệp của tôi đưa ra là phải hình thành quy chuẩn mang tính hệ thống theo chuẩn mực quốc tế mới làm ăn lớn được. Nghĩ đến thế hệ sau, tôi đang lan man giúp mấy em lập nghiệp. Họ có khả năng, vấn đề của họ là thiếu một người làm gương. Bầu Đức, Vũ Trung Nguyên có thể là người làm gương cho họ được không? Khó lắm. Trương Gia Bình tạm gọi có chất lượng, nhưng đã già rồi…”, ông Nhi nói.

Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại LMC.

Đồng quan điểm, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại LMC cho biết: “Với kinh nghiệm đa dạng: 14 năm quản lý cấp cao các tập đoàn nước ngoài, hai năm làm quản lý cho các công ty tư nhân trong nước, bảy năm làm giám đốc cho các doanh nghiệp của chính mình, và gặp gỡ nhiều doanh nhân quản lý, tôi thấy hiện nay thu nhập của cán bộ cấp cao của doanh nghiệp trong nước không thua khối FDI, nhưng huấn luyện không bằng các công ty nước ngoài, và cơ hội thăng tiến thua xa các công ty nước ngoài".

"Vì thời gian phát triển doanh nghiệp chưa nhiều, quy mô chưa lớn… đa số các ông bà chủ tư nhân chưa chịu rời bỏ vị trí đầu tàu. Cơ hội của các nhà quản lý cấp cao được thăng tiến xem như bị chặn lại. Chưa kể với tình trạng khởi nghiệp mạnh mẽ hiện nay, các công ty tư nhân còn phải cạnh tranh về nhân sự với các cơ hội khởi nghiệp. Vì thế nguồn nhân lực quản lý cấp cao của các công ty tư nhân ngày càng khan hiếm", ông Chánh giải thích.

Liệu 10 năm nữa Việt Nam có một thế hệ con người chất lượng cao?

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, nếu các trường đại học kịp thời cập nhật tính thực tiễn của nhu cầu doanh nghiệp để thay đổi mô hình đào tạo, nếu doanh nghiệp gắn với nhà trường, thì may ra 10 năm nữa chúng ta mới có được một thế hệ nhân tài chất lượng cao. Dù doanh nghiệp không trực tiếp chủ động tham gia đào tạo nhân tài, chủ yếu là nhà trường, nhưng trách nhiệm doanh nghiệp là phải chủ động mở cửa cho các em thực tập.

Ông nói: “Đa số doanh nghiệp FDI có điều kiện, người ta sẵn sàng nhận, nhưng doanh nghiệp trong nước có kế hoạch tiếp nhận lực lượng sinh viên này không? Tính thực tiễn của đại học phải thay đổi, vì biên giới của ta đâu còn 90 triệu dân nữa, mà là toàn cầu".

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Chung, Hiệu phó trường Đại học Quốc tế cho biết: “Đối với trường đại học, đội ngũ giáo viên là quan trọng hàng đầu, thứ hai là mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Chúng tôi có đội ngũ giáo viên tiên tiến, được đào tạo từ nước ngoài về, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thường xuyên cập nhật chương trình với mỗi ngành đào tạo, kết hợp với doanh nghiệp để đóng góp, thay đổi chương trình đào tạo. Chúng tôi có những bảng khảo sát dành cho sinh viên sau mỗi đợt thực tập, để từ đó có những thay đổi hợp lý.

Đào tạo mà sinh viên ra trường không có việc làm sẽ rất khó khăn cho nhà trường. Chúng tôi luôn kết hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo. Khoa thạc sĩ Khoa học lãnh đạo đã có 19 em ra trường. Đây là hướng để đóng góp cho xã hội. Học ra phải thực hành được, nếu không rất nguy. Dĩ nhiên trong quá trình đào tạo phải đánh giá chất lượng. Trường Đại học Quốc tế đã áp dụng quy chuẩn đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn châu Á, mời doanh nghiệp tới để kiểm định chất lượng luôn.

TS. Nguyễn Văn Chung, Hiệu phó trường Đại học Quốc tế.

"Qua buổi tọa đàm thiết thực này, tôi thấy rất nhiều nhu cầu của doanh nghiệp đề xuất cho chương trình đào tạo. Nhà trường sẵn sàng mời doanh nghiệp về để đóng góp ý kiến thêm, để đào tạo ra sản phẩm có lợi cho doanh nghiệp. Đề xuất xây dựng viện nghiên cứu về lãnh đạo của chị Tiêu Yến Trinh nếu có sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp thì nhà trường mới mạnh dạn làm”, TS. Chung nói.

Ông Đoàn Hữu Đức, CEO của Công ty tư vấn Việt Nam lại nhấn mạnh đến xu hướng huấn luyện nhân tài qua các buổi trò chuyện, tư vấn trực tiếp từ các CEO thành đạt: “Đám trẻ bây giờ không thèm đi học, mà cần trò chuyện trực tiếp với các CEO nổi tiếng. Đó là nhu cầu có thực phát sinh từ xã hội. Ông chủ doanh nghiệp phải làm sao tạo ra môi trường làm việc vui vẻ, hứng khởi, để người tài ở lại vì vui chứ không phải vì lương bổng.

"Khủng hoảng nhân lực cấp cao có thể kéo dài nhiều năm nữa khi phong trào khởi nghiệp phát triển, trong đó 50% doanh nghiệp phát triển bằng công nghệ. Kiếm đâu ra người làm? Ngoài những em rất trẻ học từ đại học quốc tế là nguồn nhân lực cao cấp, chỉ có lực lượng các câu lạc bộ và các công ty tư vấn giải quyết chứ không có viện nào kham nổi. Rõ ràng thế giới phẳng, mình sẽ thuê được nhân lực cao cấp ở Hàn, Thái, Indonesia… việc trộn lẫn nhân lực trong và ngoài vào lại trở thành vẻ đẹp của văn hóa kinh doanh Việt Nam”, ông Đức nói.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai kết thúc buổi tọa đàm bằng cái nhìn tích cực: “3/4 doanh nghiệp không nhỏ đang gặp khó khăn trong xây dựng hệ thống. Quá trình hội nhập khá dài rồi nhưng tầm nhìn người chủ đổi từ quản trị thuận tiện sang quản trị khoa học chưa rõ ràng, chưa coi đó là bắt buộc. Một số doanh nghiệp chỉ tập trung bán hàng mà không tập trung phát triển con người thì cuối cùng sẽ không bền vững".

Kim Yến

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/biztalk/con-qua-it-doanh-nghiep-choi-theo-luat-quoc-te-2197515.html