Còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá

Trong bối cảnh lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới tăng cao, Việt Nam được đánh giá là 'vùng xanh' về lạm phát. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn.

Chính sách miễn giảm thuế, phí giúp bình ổn giá

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát vừa phải so với mặt bằng chung khi CPI tháng 9/2022 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Dù nền kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Giá xăng dầu dự báo vẫn biến động phức tạp.

Giá xăng dầu dự báo vẫn biến động phức tạp.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng đầu năm là giá xăng dầu, giá dịch vụ ăn uống, giá gas, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, giá các mặt hàng lương thực thực phẩm… Trong đó, giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm. Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 9 tháng tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 9 tháng năm nay tăng 18,75% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 9 tháng tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm. Giá các mặt hàng thực phẩm 9 tháng năm 2022 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,11 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 9 tháng năm 2022 tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Trong khi đó, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 9 tháng đầu năm chính là giá các mặt hàng và các chính sách hỗ trợ miễn giảm, gia hạn thuế… do Nhà nước quản lý. Cụ thể, giá dịch vụ giáo dục giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí trong năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,42% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm. Công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu được chú trọng góp phần quan trọng trong bình ổn thị trường. Các chính sách về miễn giảm thuế, gia hạn thuế… được đề xuất thực hiện kịp thời; công tác điều hành chính sách giá, lãi suất tín dụng được thực hiện linh hoạt cũng đã góp phần quan trọng trong bình ổn giá thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, các chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi với quy mô dự kiến khoảng 64 nghìn tỷ đồng, đến nay đã miễn giảm khoảng 39.422 tỷ đồng, tương đương trên 61,6%. Ngoài ra, do giá xăng dầu tăng đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai lần ban hành Nghị quyết về giảm kịch sàn mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn với quy mô dự kiến lên tới 32.000 tỷ đồng, ước thực hiện chính sách này 9 tháng đầu năm khoảng 13.920 tỷ đồng.

CPI năm 2023 dự báo ở mức 4,5%

Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng còn lại của năm 2022, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,85%, để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 khoảng 4%. Theo quy luật hàng năm, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng vào thời điểm chuyển mùa và lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo…

Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, từ đó gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm, nhất là việc triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin, dự báo, Bộ Tài chính đã cập nhật 2 kịch bản điều hành giá. Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27 - 3,51%. Mức này khá tương đồng với các dự báo của Tổng cục Thống kê (dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2% - 3,5%), Ngân hàng Nhà nước (trong khoảng 3,4 ± 0,2%). Mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 có nhiều dư địa để kiểm soát trong phạm vi mục tiêu 4%, tuy nhiên Bộ Tài chính nhận định lạm phát lũy kế CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 dự kiến sẽ ở mức cao, hiện CPI tháng 9/2022 so với tháng 12/2021 tăng 4,01%, do đó sẽ tạo áp lực cho lạm phát bình quân năm 2023 ngay từ đầu năm sau.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/con-nhieu-yeu-to-gay-ap-luc-len-mat-bang-gia-i670992/