Còn nhiều ý kiến khác nhau về việc giảm số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện

Chiều 24-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, Tờ trình về dự án luật xin ý kiến Quốc hội về việc giảm số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Cụ thể, về nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định về cơ cấu tổ chức HĐND các cấp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dự thảo Luật nghiên cứu quy định giảm số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Chính phủ đã thảo luận kỹ và thống nhất đề xuất quy định trong dự thảo Luật giảm số lượng Phó chủ tịch HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong cơ cấu của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án luật trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án luật trước Quốc hội.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến các địa phương, ý kiến tại Phiên họp lần thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. Vì vậy, trong dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất 2 phương án trình xin ý kiến của Quốc hội.

Trong đó, Chính phủ thống nhất theo phương án 1 là giảm số lượng 2 Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 Phó chủ tịch ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi cả nước.

Cùng với đó, quy định Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp xã . “Việc đề xuất quy định này nhằm khắc phục bất hợp lý trong cơ cấu Thường trực HĐND cấp xã chỉ có 2 người như hiện nay, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời, bảo đảm sự tương đồng về cơ cấu của Thường trực HĐND cấp xã với cơ cấu của Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong điều kiện HĐND cấp xã đã thành lập 2 Ban của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Sau đó, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cơ quan này tán thành với đề nghị của Chính phủ, trong lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa hai luật; trong đó tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Về việc giảm số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh mà Chính phủ xin ý kiến, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, trong Ủy ban Pháp luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ: Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên Phó chủ tịch theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003). Việc giữ nguyên số lượng Phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của HĐND cấp tỉnh. Đây là những vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị (Khóa XI) trước khi Quốc hội biểu quyết đưa vào Luật Tổ chức Chính quyền địa phương hiện hành.

“Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn đề nêu trên để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế. Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi”, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng các điều kiện về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành Luật chưa được thể hiện rõ ràng, cụ thể, mặc dù trong dự thảo Luật có rất nhiều quy định về thẩm quyền và cơ cấu tổ chức bộ máy được sửa đổi, bổ sung. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục bổ sung, làm rõ các vấn đề liên quan đến tính khả thi và điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thực hiện Luật, làm căn cứ để Quốc hội thảo luận và xem xét, quyết định.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/con-nhieu-y-kien-khac-nhau-ve-viec-giam-so-luong-pho-chu-tich-hdnd-cap-tinh-cap-huyen-574904