Còn nhiều trẻ em di cư 'mù chữ' vì không có giấy tờ tùy thân

Chiều 15/7, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị bảo trợ xã hội tổ chức tọa đàm mở rộng giải pháp đồng hành trợ giúp trẻ di cư tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế tại TP Hồ Chí Minh.

Dự tọa đàm có Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, phòng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội một số quận/huyện, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, Trung tâm công tác xã hội thành phố, một số phụ huynh/người nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn…

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh phát biểu

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh phát biểu

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 2 triệu trẻ em, trong đó 13 ngàn trẻ em thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn. Hiện đang tồn tại một thực trạng đó là nhiều trẻ em không có giấy khai sinh nên không làm được các giấy tờ tùy thân. Chính vì vậy, các em rất khó khăn tiếp cận được vấn đề y tế và giáo dục, có em hiện 15 tuổi nhưng không có bất cứ giấy tờ gì về bản thân nên hiện “mù chữ”, nhiều em đã lớn tuổi không thể xin việc làm.

Nhiều em từ tỉnh, thành khác theo cha mẹ đến TP Hồ Chí Minh sinh sống hoặc được sinh ra tại thành phố nhưng cha mẹ không làm giấy khai sinh, các em không đi học. Nhiều trẻ nguy cơ bị lợi dụng vào những việc phi pháp của kẻ xấu, sa ngã vào tệ nạn xã hội, có em bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động.

Người nuôi dưỡng trẻ em trình bày khó khăn trong làm giấy tờ cho trẻ

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Trưởng phòng tư vấn – can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp thuộc Trung công tác xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều trẻ lang thang được đưa vào trung tâm nuôi dạy, hầu hết các em đều không có giấy tờ tùy thân nên việc cho các em đi học các trường công lập là rất khó khăn. Có trường hợp trẻ đến tuổi hồi gia nhưng không biết về đâu, vì các em là trẻ lang thang. Trung tâm có giới thiệu các em đến giúp việc ở một số cơ sở quán ăn, bán hàng… nhưng do các em không được học hành bài bản nên rất khó làm tốt công việc.

Đại diện Trung công tác xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết nhiều trẻ đến tuổi hồi gia nhưng không có nhà để về

Có một số trường hợp mẹ là người Việt Nam lấy chồng nước ngoài, trẻ được sinh ra ở nước ngoài, sau đó trẻ được mẹ đưa về Việt Nam, trẻ chỉ có duy nhất hộ chiếu, có trường hợp làm mất hộ chiếu nên không được đi học. Cũng có trường hợp người nước ngoài (Philippines) sinh con ở Việt Nam nhưng không có giấy tờ tùy thân nên trẻ cũng không thể đến trường.

Chính vì các em không có giấy tờ tùy thân nên khó tiếp cận được môi trường giáo dục nhà trường, mà chủ yếu là được học ở các lớp tình thương xóa mù chữ, nhiều em không được học.

Ông Phạm Ngọc Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, những trẻ trong độ tuổi đến trường đang sinh sống trên địa bàn thành phố đều được đến trường, cái chính là cha mẹ, người nuôi dưỡng không làm giấy khai sinh cho trẻ khi mới sinh.

Các trẻ được sinh ở bệnh viện đều có giấy chứng sinh nên việc làm giấy khai sinh không phải là khó, trừ những trường hợp trẻ lang thang, nhưng những trẻ này khi được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội thì trung tâm phải liên hệ với phòng giáo dục và đào tạo đề nghị mở lớp phổ cập giáo dục, việc này thành phố đều có quy định cụ thể.

Ông Phạm Ngọc Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm

Tại đây, các luật sư thuộc Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố cũng hướng dẫn một số trường hợp không có giấy tờ tùy thân cách giải quyết các thủ tục để trẻ được đi học. Đồng thời, các luật sư cũng nhận sẽ hỗ trợ hướng dẫn giải quyết các vấn đề về quyền trẻ em khi các ban, ngành và phụ huynh cần.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại tọa đàm

Tại tọa đàm, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đề nghị các ban, ngành chức năng và các tổ chức bảo trợ xã hộ tích cực hỗ trợ để trẻ em đang sinh sống trên địa bàn thành phố được đến trường và được tiếp cận với y tế.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đề nghị các ban, ngành chức năng tích cực hỗ trợ để trẻ em được đến trường và được tiếp cận y tế

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/con-nhieu-tre-em-di-cu-mu-chu-vi-khong-co-giay-to-tuy-than-602955/