Còn nhiều tranh cãi xung quanh Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Ngày 14/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị người sử dụng lao động quốc gia năm 2019: Đóng góp ý kiến dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi).

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đang đánh giá chung về quá trình xây dựng, tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu chỉnh sửa Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: Ngọc Minh

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đang đánh giá chung về quá trình xây dựng, tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu chỉnh sửa Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: Ngọc Minh

Tính đến nay, hồ sơ Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã cơ bản được hoàn thiện. Đánh giá chung về quá trình xây dựng, tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu chỉnh sửa, TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, lúc đầu có tới 7 vấn đề còn có ý kiến trái ngược nhau, nhưng đến nay chỉ còn 2 vấn đề, gồm: khung giờ làm thêm và tăng độ tuổi nghỉ hưu.

Liên quan đến khung giờ làm thêm, Dự thảo Bộ luật mới nhất có mở giới hạn làm thêm giờ cho 5 ngành, lĩnh vực đặc biệt.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Ban nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, việc tranh luận một vài điểm nêu trên không thể giải quyết được tận gốc những bất cập của Dự thảo luật này. Bởi vì tinh thần làm luật tại Dự luật này vẫn dựa trên mối quan hệ chủ - thợ thiên lệch.

Về bản chất, người lao động là người làm thuê và người sử dụng lao động là người thuê lao động. Do đó, hai bên cần được đối xử công bằng và bình đẳng, ngang nhau. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, phải để cho các bên có quyền tự do thỏa thuận trong hợp đồng về giờ làm thêm. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì phải cho họ được quyền thỏa thuận với người lao động. Nhà nước chỉ nên giới hạn giờ làm thêm ở một số ngành nghề đặc biệt như độc hại...

Mặt khác, theo ông Thiên, tại Dự luật này, các nhà soạn luật mới chỉ nghĩ đến đối tượng lao động chân tay, mà chưa để ý đến lực lượng lao động trí tuệ, lao động sáng tạo. Trong khi đó, đây là lực lượng lao động chủ yếu trong tương lai - thời đại của nền công nghiệp công nghệ 4.0. Họ có thể làm việc không giới hạn thời gian, thậm chí quên ăn, quên ngủ, nhưng đổi lại mức thu nhập lại rất lớn. Nếu không bao quát được đối tượng lao động mới này thì Bộ luật sửa đổi sẽ lạc hậu ngay khi được ban hành.

Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế. Muốn cạnh tranh được với các quốc gia khác, bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tăng năng suất lao động ngang bằng với lương và Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng phải hướng tới mục tiêu đó. Thực tế, tốc độ tăng lương ở Việt Nam đang nhanh hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động. Đây là điều đáng lo ngại. Trong khi khoảng cách về lương của Việt Nam so với các nước trong khu vực đang ngày càng giảm đi, thì mức trần số giờ làm việc lại thấp hơn, khiến cho Việt Nam mất đi lợi thế so sánh so với các nước trong khu vực và toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần cân nhắc tăng số giờ làm thêm từ 200 – 300 giờ và có thể tăng lên 400 – 500 giờ cho một số ngành nghề đặc biệt.

“Muốn hút dòng vốn từ bên ngoài, Việt Nam cần tránh tạo ra sự khác biệt quá so với chuẩn chung của khu vực”, đại diện AmCham lưu ý.

Đồng thuận với quan điểm này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản lại cho rằng, Dự luật này có quy định cứng nhắc nhất so với các nước trong khu vực, từ giới hạn giờ làm thêm, đến điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động. Tại Nhật Bản, chỉ giới hạn giờ làm thêm theo năm. Việc giới hạn theo tuần, tháng sẽ gây khó khăn, trói buộc DN.

“Tốc độ là năng lực cạnh tranh. Nếu không vượt so với các nước thì không thể có một nền công nghiệp sáng tạo”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định.

Lê Xuân

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/con-nhieu-tranh-cai-xung-quanh-bo-luat-lao-dong-sua-doi-111831.html