Còn nhiều khó khăn trong quản lý nước uống đóng chai, đóng bình

Thời gian qua, Chi cục ATVSTP TP Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt gần 100 cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai vi phạm quy định về ATVSTP. Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó bị phát hiện…

Chia sẻ tại Hội thảo Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nước uống đóng bình trên địa bàn TP Hà Nội do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với báo Kinh tế và Đô thị tổ chức, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVS TP Hà Nội cho biết: Trong năm 2018 đã có 416 số cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai trên địa bàn TP được thanh tra, kiểm tra. Qua đó có 44 cơ sở dừng hoạt động, đóng cửa; 98 cơ sở vi phạm; đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động của 7 cơ sở. Có 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn…

Ông Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế: Cán bộ thanh tra phải sâu sát cơ sở mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: T.A

Ông Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế: Cán bộ thanh tra phải sâu sát cơ sở mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: T.A

Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra có nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó bị phát hiện. Hoặc khi cơ sở thôi không hoạt động nữa không có báo về phía cơ quan quản lý hoặc cơ sở trong quá trình sản xuất thử cũng không có báo cáo.

Cùng chung nhận định này, bà Khuất Thị Dung, Phó Trưởng phòng Y tế quận Long Biên chia sẻ: Khó khăn trong quản lý nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn hiện nay là nhiều cơ sở qua theo dõi thấy đã ngừng hoạt động nhiều năm nay nhưng không thông báo, không làm thủ tục giải thể nên trong danh sách quản lý của TP vẫn còn. Một số cơ sở thông báo ngừng hoạt động, đoàn kiểm tra của quận và phường đã nhiều lần đến nhưng đều đóng cửa, không liên lạc được với chủ cơ sở, vì vậy không kiểm tra, xác minh được thực tế có ngừng hoạt động không.

Tại huyện Thanh Trì, theo Trưởng phòng Y tế huyện Nguyễn Tiến Trung, có một thực tế là nhiều cơ quan, đơn vị, trường học... lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình chủ yếu vì giá thành sản phẩm. Do đó, các cơ sở sản xuất buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành bằng nhiều cách như: Sử dụng nước giếng khoan thay cho sử dụng nước máy; hệ thống xử lý nước thô sơ; công nghệ xúc rửa bình đơn giản không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất thủ công rất khó bảo đảm các điều kiện về ATVSTP; nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo ATVSTP; một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình; chính quyền cơ sở chưa quyết liệt xử lý vi phạm...

Bà Nguyễn Thanh Hương, Phòng Thanh tra, Sở Y tế nhận định, nước uống đóng chai, đóng bình là 1 mặt hàng rất dễ kiểm tra vì đã có tiêu chuẩn hợp quy. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều cơ sở diện tích sản xuất rất chật hẹp do chưa có quy định cụ thể về diện tích 1 cơ sở là bao nhiêu.

Cùng đó còn nhiều vấn đề tồn tại như: Việc tái sử dụng, bỏ bình, nhiều vỏ bình để lâu có rêu mốc, xước gây nước không đạt tiêu chuẩn vi sinh. Nhân viên các cơ sở thường xuyên thay đổi, không nắm được các quy định về sản xuất. Hàng năm, số cơ sở kiểm tra cần kiểm tra của Thanh tra Sở lớn; số tiền xử phạt không cao do giá trị hàng hóa thấp; việc thu hồi sản phẩm khó khăn, không kịp thời, vì cần thời gian kiểm nghiệm.

Theo bà Đặng Thị Thanh Quyên, Phó GĐ Trung tâm công nghệ sinh học và ATVSTP, trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp: Mặc dù các cơ quan chức năng của Hà Nội thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, để tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn, tuy nhiên mức độ ATVSTP của các sản phẩm này chưa thực sự được đảm bảo.

Hiện nay việc cấp phép còn dễ dàng đặc biệt là phiếu kiểm nghiệm (liên quan đến việc quy cách lấy mẫu, gửi mẫu mà DN thực hiện không đúng quy định; thậm chí còn giả mẫu) điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Công tác hậu kiểm sau cấp phép còn lơi lỏng nên dẫn đến phép nước bị coi thường và các việc làm tùy tiện của DN.

Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ quản lý về chất lượng khi chưa có quy định rõ ràng về quy trình khép kín, hay diện tích tối thiểu trong khu vực sản xuất bao nhiêu là đủ. Chính vì thế mà các cơ sở nhỏ lẻ bố trí thiết kế một cách tự do gây khó khăn cho các nhà quản lý. Trong công đoạn vệ sinh bình và nắp tái sử dụng cũng chưa có quy định phương pháp cũng như hóa chất xử lý ở công đoạn này, bà Quyên nhận định.

Để đảm bảo ATVSTP đối với nước uống đóng chai, bà Quyên cho rằng: TP Hà Nội cần tăng cường quản lý chặt chẽ tất cả các cơ sở sản xuất nước đóng chai. Trước hết cần kiểm soát chất lượng nguồn nước sử dụng để sản xuất nước uống đóng chai. Khi đưa sản phẩm ra thị trường các cơ sở bắt buộc phải tự kiểm tra. Việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn đối với các sản phẩm nước uống đóng chai phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Ông Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết: Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSTP còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó tình trạng các DN có tình làm sai, làm ngơ các điều kiện về ATVSTP xảy ra rất phổ biến. Mặt khác, nếu thanh tra, kiểm tra không chặt chẽ rất dễ bị DN kiện lại. Do vậy, cán bộ thanh tra phải tự nâng cao trình độ, sâu sát cơ sở mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/con-nhieu-kho-khan-trong-quan-ly-nuoc-uong-dong-chai-dong-binh-122982.html