Còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS, các tệ nạn xã hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song công tác phòng chống tội phạm ma túy và HIV/AIDS vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cán bộ BĐBP Nghệ An tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS cho đồng bào DTTS. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ BĐBP Nghệ An tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS cho đồng bào DTTS. Ảnh: Kim Nhượng

Do nhiều nguyên nhân, vùng DTTS và miền núi vẫn là địa bàn trọng điểm của các loại tội phạm ma túy, dẫn đến tình hình tội phạm ma túy, HIV/AIDS ở vùng DTTS, miền núi vẫn diễn biến phức tạp.

Theo ông Lương Văn Khánh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, năm 2020, tình hình phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng ma túy thẩm lậu qua tuyến biên giới Việt - Lào vào tỉnh Nghệ An còn nhiều (đã phát hiện, bắt giữ 1.477 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy lớn, bắt 1.967 đối tượng); trong đó, đã phát hiện, triệt xóa 55 đường dây vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp rất lớn, có người nước ngoài tham gia.

Ngoài ra, tình trạng một số nhóm đối tượng mang theo vũ khí “nóng” lén lút hoạt động mua bán trái phép chất ma túy ở các huyện biên giới, mặc dù đã được các lực lượng chức năng tập trung tấn công, truy quét nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Năm 2020 tăng 52 vụ, tăng 242 đối tượng so với năm 2019.

Mặt khác, năm 2020, trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh Nghệ An, đã phát hiện 110 người bị nhiễm HIV/AIDS, với gần 85% số người nhiễm HIV có tiền sử tiêm chích ma túy. Trong đó, trường hợp nhiễm HIV được phát hiện có 77 người là nam giới, 33 người là nữ giới; độ tuổi từ 13 – 50 tuổi.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh, tính từ ngày 1-1-2017 đến ngày 15-6-2020, các lực lượng chức năng phòng, chống tội phạm ma túy của tỉnh đã phối hợp phát hiện, bắt giữ 1.085 vụ, 2.541 đối tượng, tổng số lượng ma túy thu giữ 191,6kg ma túy các loại (xử lý hình sự 952 vụ, 1.154 đối tượng; xử lý hành chính 133 vụ, 1.387 đối tượng).

Trong đó, BĐBP Tây Ninh phát hiện, bắt giữ 45 vụ, 58 đối tượng, số lượng ma túy thu giữ 47kg; lực lượng Hải quan tỉnh phát hiện, bắt giữ 12 vụ, 14 đối tượng, số lượng ma túy thu giữ 42,5kg ma túy các loại... Đáng chú ý, chúng lợi dụng phụ nữ, trẻ em, đối tượng thua cá độ, cờ bạc là người DTTS, những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để thuê vận chuyển trái phép chất ma túy.

Theo ông Lê Ngọc Vinh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian vừa qua, do nhiều nguyên nhân, tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng nhanh, lan rộng. Đặc biệt, ma túy và HIV/AIDS đã và đang tiếp tục xâm nhập vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Theo thông tin của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 264 vụ, 365 đối tượng phạm tội về ma túy (nhiều hơn 52 vụ, 82 đối tượng so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, có 47 đối tượng là người DTTS.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều đồng bào DTTS tiếp tay cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy, nhiều chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước đều nhận định, cái gốc của vấn đề vẫn là do đời sống của đồng bào DTTS còn quá khó khăn. Nhiều vùng biên giới do điều kiện canh tác khắc nghiệt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến năng suất thấp bà con vẫn phải chạy ăn từng bữa.

Tại không ít thôn, bản, bà con vẫn phải sống dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước. Trong khi đó, vận chuyển, buôn bán ma túy là “siêu lợi nhuận”, chính vì vậy, nhiều người vì hám lợi, hoặc bị người khác lợi dụng đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng buôn bán ma túy. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền dù đã được triển khai với nhiều hình thức, nội dung, biện pháp khác nhau, nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội, trong thời gian tới, ông Lê Ngọc Vinh đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp. Hàng năm, cần phân bổ nguồn kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS và một số tệ nạn xã hội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. “Có như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục trong vùng đồng bào DTTS mới sâu rộng và triệt để hơn” - Ông Vinh nhận định.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Đức Tài, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, công tác tuyên truyền chủ yếu lồng ghép trong các hội nghị tập huấn, do đó, việc nắm, phân tích, dự báo, đánh giá tình hình còn chưa sâu rộng, kịp thời, nên chưa chủ động tham mưu và đề ra các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả với việc phòng, chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người ở vùng đồng bào DTTS. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều chương trình, thường xuyên thay đổi cán bộ chuyên trách ở một số địa phương nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS ở vùng đồng bào DTTS.

“Hiện nay, nhận thức về vai trò, trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người ở vùng đồng bào DTTS của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự đầy đủ, còn có tư tưởng cho đây là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật, của Công an, BĐBP... nên chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người” - Ông Tài nêu quan điểm.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/con-nhieu-kho-khan-thach-thuc-post435461.html