Còn nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ sau vụ khủng bố ở Sri Lanka

Hơn một tuần sau khi hàng loạt vụ đánh bom tàn khốc xảy ra vào Chủ nhật Phục Sinh (21-4) ở Sri Lanka khiến 253 người thiệt mạng và ít nhất 500 người bị thương, giới chức nước này vẫn đang ráo riết truy bắt kẻ cầm đầu cũng như điều tra lại toàn bộ sự việc để trả lời cho nhiều câu hỏi.

Tiếp tục truy lùng những kẻ cực đoan

Ngày 26- 4, ở Sri Lanka đã xảy ra 3 vụ nổ trong cuộc đấu súng giữa cảnh sát với các nghi phạm tại một ngôi nhà ở thị trấn Sainthamaruthu, Kalmunai. Cảnh sát địa phương cho biết họ đã thu được một lượng lớn chất nổ, 100.000 vòng bi, cờ và đồng phục của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại ngôi nhà. Có vẻ như đây là một nhà máy sản xuất bom hoặc một nhà kho.

Có 15 thi thể được tìm thấy trong ngôi nhà sau cuộc đột kích, trong đó có 6 người là nghi can khủng bố và 9 dân thường, bao gồm 6 trẻ em, Thiếu tướng Aruna Jayasekera nói. Một trong 6 nghi can khủng bố thiệt mạng được xác định là Mohamed Niyas, được biết tới như một thành viên nổi bật của NTJ, một nhóm cực đoan trong nước.

Trước đó, trong một báo cáo của quân đội, Niyas được xác định là anh rể của Zahran Hashim, kẻ chủ mưu trong các vụ tấn công lễ Phục sinh. Các thành phố phía đông Sri Lanka là Kalmunai, Chavalakade và Sammanthurai vẫn duy trì lệnh giới nghiêm cho tới khi có thông báo thêm, theo cảnh sát. Lệnh giới nghiêm tại các thành phố này được ban hành sau cuộc đấu súng.

Cảnh sát đang điều tra về mối liên hệ có thể giữa những công dân này với các nghi can khủng bố. Một nghi phạm bị thương đã bỏ chạy bằng xe máy, trong khi một tên khác cũng có thể đã trốn thoát, ông Jayasekera cho biết thêm.

Chính phủ Sri Lanka đang đẩy mạnh chiến dịch truy lùng các phần tử cực đoan, cụ thể là 140 người bị tình nghi có dính líu với IS, và cho đến nay đã bắt giữ ít nhất 76 người. Bên cạnh đó, giới hữu trách Sri Lanka cảnh báo về nguy cơ tiếp tục xảy ra tấn công nhắm vào các địa điểm tôn giáo nên đã triển khai gần 10.000 binh sĩ để bảo đảm an ninh.

Cộng đồng Hồi giáo được khuyến cáo cầu nguyện tại nhà, trong khi những người Công giáo sẽ không tập trung tại các nhà thờ trong buổi lễ ngày chủ nhật. Bộ Ngoại giao Anh và Mỹ cũng khuyến cáo công dân cân nhắc về việc đến Sri Lanka nếu không thật sự cần thiết.

Zahran Hashim (giữa) cùng với những kẻ đánh bom tự sát.

Zahran Hashim (giữa) cùng với những kẻ đánh bom tự sát.

Bất ngờ về thân phận những kẻ khủng bố

Các vụ đánh bom không phải là cú sốc duy nhất. Bởi sau khi điều tra, nhà chức trách phát hiện thủ phạm đến từ những gia đình giầu có ở Sri Lanka; một số được giáo dục ở nước ngoài, và ít nhất hai người có liên kết với một trong những gia đình giàu nhất ở Colombo, với nhiều tài sản đắt tiền và kinh doanh thành công.

Thành viên của gia đình đó, thương nhân gia vị Mohamed Yusuf Ibrahim, hiện đang bị cảnh sát thẩm vấn vì nghi ngờ giúp đỡ hai đứa con trai của mình, Imsath và Ilham, người đã đánh bom liều chết trong các vụ tấn công. Ít nhất một kẻ đánh bom dường như đã được dụ dỗ ở nước ngoài, đó là Abdul Latheef Mohamed Jameel, kẻ đã từng học đại học ở Australia trong 4 năm và tốt nghiệp năm 2013.

Cảnh sát Australia từng điều tra đối tượng này sau khi hắn liên lạc với 1 người đàn ông chuyên tuyển mộ người cho nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Chị gái của Jameel nói với báo chí rằng, hắn trở về Sri Lanka và trở thành con người hoàn toàn khác, để râu dài và liên tục nói về các ý tưởng cực đoan. Trong khi đó, những người bạn của Abdul Lathif Jameel Mohamed mô tả anh ta là một thanh niên thân thiện, hướng ngoại.

"Ký ức của tôi về anh ấy là anh ấy luôn là một chàng trai rất vui vẻ", một người bạn biết Jameel từ khi còn là một thiếu niên, nói. Giống như những người khác, anh ta đã bị sốc khi tên của Jameel có trong danh sách những kẻ bị cáo buộc đã đánh bom.

Khi những tiết lộ về xuất thân của họ xuất hiện, nhiều người biết họ hoặc gia đình họ đã sốc khi biết đó là những kẻ khủng bố. Nhiều người lo ngại rằng nếu những người đàn ông luôn thể hiện là người tốt bụng, có học thức cao lại có thể bắt đầu con đường chết chóc như vậy, thì những người khác cũng có thể bị những kẻ có tư tưởng cực đoan dẫn dắt.

Hilmy Ahamed, Phó Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Sri Lanka nói: "Điều khiến tôi lo lắng khi trở thành cha mẹ của hai cậu bé. Chúng tôi luôn lo lắng rằng chúng có thể dẫn dụ thông qua internet".

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene bày tỏ sự lo ngại khi hầu hết những kẻ đánh bom đều có học thức và xuất thân từ tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu, vì vậy bọn chúng khá độc lập về tài chính. "Chúng tôi tin rằng một trong số này đã từng du học ở Anh, học sau đại học ở Úc trước khi trở về sinh sống tại Sri Lanka".

Cảnh sát cho rằng nhóm thực hiện vụ đánh bom có nguồn gốc từ tổ chức cực đoan địa phương, National Tawheed Jamath (NTJ). Nhóm này cũng đã được liên kết với một trại huấn luyện bị cáo buộc tại trang trại dừa ở Wanathawilluwa, nơi chất nổ được tìm thấy vào tháng 1, cũng như các cơ sở chế tạo bom gần thủ đô Colombo và trên bờ biển phía Đông.

IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công và công bố một bức ảnh của Zahran và những kẻ tấn công có mục đích khác tuyên thệ trung thành với nhóm khủng bố. Nhưng mối liên hệ giữa những kẻ tấn công và nhóm khủng bố chưa được chứng minh.

Dù nhà chức trách Sri Lanka đã xác định được danh tính tất cả những kẻ đánh bom tự sát, nhưng họ sẽ còn phải mất nhiều thời gian để truy lùng đồng phạm của những kẻ khủng bố để tìm lời giải cho nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Quý Đức

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/con-nhieu-cau-hoi-bi-bo-ngo-sau-vu-khung-bo-o-sri-lanka-543355/