Còn nhiều bến thủy nội địa hoạt động không phép ở Miền Tây

6 tháng đầu năm 2020, xử lý vi phạm hành chính hơn 1.200 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa ở Miền Tây.

Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV làm thủ tục rời bến cho chủ phương tiện

Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV làm thủ tục rời bến cho chủ phương tiện

Ngày 14/7, bà Nguyễn Ngọc Thùy, Quyền Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính hơn 1.200 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Cũng trong thời gian này, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho 1.789 chủ cảng, bến, người khai thác cảng, bến thủy nội địa và người tham gia giao thông thủy.

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, đơn vị đã xử lý kịp thời các hành vi là các nguy cơ tiềm ẩn TNGT như: chở quá mớn nước, người điều khiển không bằng, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo hiểm trách nhiệm dân sự... nên 6 tháng vừa qua, không có sự cố hay tai nạn nào xảy ra tại địa bàn đơn vị quản lý”, Quyền Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV thông tin.

Tuy nhiên, bà Thùy cũng thẳng thắng thừa nhận, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Cụ thể, đơn vị đang quản lý hơn 1.700 cảng bến, trong đó có khoảng 240 bến hoạt động không phép trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố. Đơn vị đã phối hợp với các ban ngành chức năng liên quan thực hiện tuyên truyền hướng dẫn đối với các bến có đủ điều kiện cấp phép để tiến hành làm các thủ tục xin phép. Đối với bến không đủ điều kiện cấp phép cần tìm nơi di dời hoặc ngưng hoạt động. Tuy nhiên, bến không phép trên địa bàn quản lý vẫn còn nhiều.

Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Thùy cho biết, có nhiều nguyên nhân không được cấp phép là do luồng hẹp, bến có vị trí không đảm bảo an toàn, có vùng nước chồng lấn luồng chạy tàu, không nằm trong quy hoạch mở bến thủy nội địa,… Việc cưỡng chế, giải tỏa, di dời các bến thủy này cần phải có sự phối hợp của các ban, ngành chức năng có liên quan, nhất là các cơ quan ở địa phương.

“Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” tại cảng, bến thủy nội địa. Đồng thời, đơn vị tiếp tục tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các chủ cảng, bến trên địa bàn, yêu cầu cam kết thực hiện những quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, không xếp dỡ hàng hóa lên phương tiện quá tải trọng cho phép theo quy định, không để hành khách xuống phương tiện quá sức chở của phương tiện”, bà Nguyễn Ngọc Thùy thông tin.

Lê An

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/con-nhieu-ben-thuy-noi-dia-hoat-dong-khong-phep-o-mien-tay-d472043.html