Còn nhiều bất cập trong quy định về giáo dục đại học

Sáng 6/11, thảo luận lần thứ 2 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục Đại học, nhiều ĐBQH đánh giá: Sau nhiều lần chỉnh sửa thì dự thảo lần này đã hoàn thiện hơn và bổ sung các điều khoản quan trọng liên quan đến phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, góp phần tháo gỡ những vướng mắc làm hạn chế hiệu quả hoạt động của các trường đại học. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn được đặt ra.

ĐB Lê Thị Thu Hà.

Bộ máy chồng bộ máy

Đã từng tham gia ý kiến vào dự thảo này tại kỳ họp thứ 5, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) tiếp tục chỉ ra vướng mắc, bất cập trong tổ chức bộ máy của đại học. Ông khẳng định, bất cập ở đây không phải là sự tồn tại của đại học quốc gia hay đại học vùng mà là tổ chức bộ máy của những đại học này.

“Vậy bất cập của tổ chức bộ máy đại học này là gì? Theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1993, mô hình đại học vùng, tôi xin trích ở đây là đại học vùng, được thành lập với 3 mục tiêu chính: giảm đầu mối quản lý và biên chế, dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, tập trung đầu tư xây dựng đại học thành đại học mạnh. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Thực tế trong 24 năm qua cho thấy các mục tiêu trên đã không đạt được. Nguyên nhân có thể nói tóm lại là đại học bao gồm các trường đại học thành viên và được tổ chức 2 cấp, tức là đại học có bộ máy quản lý riêng của đại học và các trường thành viên có bộ máy quản lý riêng của mình. Quy định như vậy dẫn đến bộ máy chồng bộ máy. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực và đây chính là nguyên nhân bất cập của mô hình, cản trở phát triển của đại học mà nhiều lần sửa đổi luật vẫn chưa giải quyết được” – ĐB tỉnh Long An phân tích.

Theo ĐB, việc quy định trong đại học có các trường đại học khác làm cho cả bộ máy đại học chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong điều hành. Đại học trở thành cấp trung gian và phải hoàn thiện mô hình đại học quốc gia, đại học vùng. Như vậy, có thể thấy những bất cập, vướng mắc về tổ chức bộ máy của đại học đã được nhìn nhận từ nhiều năm qua và hiện nay vẫn đang là nút thắt quan trọng cần phải được sửa đổi để thực hiện tự chủ đại học và không thể muộn hơn.

Ở khía cạnh khác, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tham gia vào quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Theo ĐB, quy định này cần thiết tuy nhiên chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Nếu việc này được quản lý và được tổ chức thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng đào tạo các ngành nghề của các cơ sở giáo dục đại học, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người học.

Một vấn đề nữa được ĐB Hương chỉ ra là về quy định “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học”. ĐB cho rằng “Cần cân nhắc, làm rõ yếu tố để nhận biết về việc tôn trọng hay không tôn trọng. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, đảm bảo sự tôn trọng đó thì bị xử lý như thế nào? Chế tài xử lý là gì? Cần nghiên cứu quy định đảm bảo tính khả thi”.

Tiêu chí nào xếp hạng?

Nhiều ĐB tham gia phát biểu quan tâm đến vấn đề xếp hạng các trường. ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) nêu: Việc xếp hạng cơ sở giáo dục đào tạo, ngành đào tạo là rất cần thiết, nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường. Tuy nhiên, để đảm bảo việc xếp hạng trung thực, khách quan, minh bạch, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản vào điều này quy định về các tổ chức xếp hạng như: điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức xếp hạng bởi nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở, tổ chức giáo dục đại học cũng như quyết định chọn trường của sinh viên.

Đồng tình với ĐB Trí, ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) chia sẻ: Thời gian qua, một số chuyên gia giáo dục đã phân tích những điểm tồn tại của các hệ thống xếp hạng đại học phổ biến trên thế giới. Ngoài ra, trong hai, ba năm gần đây, rất nhiều trường đại học Việt Nam đã được tổ chức kiểm định trong nước kiểm định chất lượng. Các kết quả kiểm định này đã gây không ít hoài nghi về tính khách quan, minh bạch của một số tổ chức kiểm định. Do đó, ĐB kiến nghị, chưa nên đưa vào luật cho phép các cơ sở trong nước dù là các pháp nhân phi thương mại triển khai các hoạt động xếp hạng.

“Điều quan trọng hơn cần phải làm ngay là có các điều, khoản quy định về tính trung thực, công khai các số liệu báo cáo của trường công bố cho xã hội, cho cơ quan quản lý nhà nước, cho các bên liên quan khác. Việc công bố số liệu cần được giám sát và xử phạt thật nghiêm những trường hợp không trung thực hoặc cung cấp không đầy đủ số liệu liên quan đến chất lượng. Chỉ khi nào những việc này được chấn chỉnh xong thì xếp hạng mới có thể là thực chất”- ĐB nói.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/con-nhieu-bat-cap-trong-quy-dinh-ve-giao-duc-dai-hoc.aspx