Còn nhiều băn khoăn

Học sinh (HS), sinh viên (SV) được quy định là nhóm bắt buộc tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) từ năm 2010. Tuy nhiên, đến nay con số này chưa đạt được tỷ lệ 100%. Nhiều HSSV vẫn còn băn khoăn khi tham gia loại hình bảo hiểm bắt buộc này.

Ở nhiều trường tiểu học, tỷ lệ HS tham gia BHYT còn thấp. Ảnh: Hải Hà

Đóng vì… phát động

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, nhưng hiện còn gần 7% HSSV chưa tham gia. Nhất là SV, đa số các em chỉ tham gia vào năm thứ nhất, còn các năm sau không tham gia nữa.

Nhiều địa phương có tỉ lệ HSSV tham gia BHYT rất thấp. Điển hình như tỉnh Ninh Thuận, đến nay toàn tỉnh có 52.357 HSSV thuộc 211 đơn vị trường học tham gia BHYT, chiếm 55,51% số HS thuộc diện bắt buộc tham gia và hiện toàn tỉnh vẫn còn gần 42.000 HSSV chưa tham gia BHYT.

Ngay cả ở các thành phố lớn, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT vẫn còn xa với con số 100%. Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh đến cuối năm 2018 đạt trên 98% HSSV tham gia BHYT, đến cuối năm 2019 là 100%. Tuy nhiên, hiện nay con số này mới dùng lại ở 90%, trong đó nhiều trường cao đẳng, đại học ngoài công lập có tỷ lệ tham gia rất thấp.

Tại TP Hà Nội, vẫn còn hơn 6,3% HSSV chưa tham gia BHYT; nhiều trường tiểu học, THCS đạt tỉ lệ thấp, dưới 80%; nhiều trường đại học, cao đẳng đạt tỉ lệ dưới 70%.

Em Phạm Hà Trang - HS Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) chia sẻ: Năm học nào cũng đều đặn mua BHYT nhưng chưa bao giờ em nghĩ đó là việc làm cần thiết. Đến bệnh viện khám bảo hiểm rất mất thời gian, nhiều loại dịch vụ cũng như thuốc thang không thuộc diện được bảo hiểm chi trả. Vì vậy có thẻ, nhưng em không dùng tới. Em đóng bảo hiểm cũng chỉ vì nhà trường phát động.

Còn Nguyễn Thùy Linh - HS Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội thì cho rằng, khám sức khỏe theo diện đóng BHYT sẽ không được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Các bạn gia đình có điều kiện thường tham gia các loại bảo hiểm tự nguyện khác để được hưởng những dịch vụ chăm sóc tốt hơn, nên thẻ BHYT lại thành ra... thừa.

Là "cứu cánh" với nhiều HS

Từng miễn cưỡng đóng bảo hiểm theo phát động của nhà trường, đến khi bị tai nạn, Lê Duy Sơn (HS TrườngTHCS Cổ Nhuế 2, Hà Nội) đã thấy tác dụng của thẻ bảo hiểm mà bấy lâu nay em cho là vô giá trị. Sơn chia sẻ: Năm ngoái em bị gãy chân, phải nằm điều trị ở Bệnh viện E, có thẻ BHYT khi thanh toán mới thấy chi phí giảm đi rất nhiều.

Được tuyên truyền về ý nghĩa của BHYT, nên dù ở ngoại thành Hà Nội, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Trường Tiểu học Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội) vẫn đạt tỷ lệ 100% HS tham gia.

Bà Đinh Thị Bích Hảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cách đây 2 năm có 2 HS nhất định không tham gia BHYT nhưng năm học này 100% HS trong trường đã tham gia rồi. Kinh nghiệm được cô hiệu trưởng chia sẻ chính là đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh HS bằng việc lấy các dẫn chứng “sống”. Nhà trường có 2 trường hợp chạy thận và 1 trường hợp bị Lupus ban đỏ phải duy trì thuốc suốt đời, nhờ có BHYT mà các em đã được chữa bệnh và đi học như bao bạn khác.

Là ngôi trường ở huyện miền biển của tỉnh Thái Bình, nhưng Trường THPT Đông Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) có 100% HS tham gia BHYT. Ông Trương Kim Hiển - Hiệu trưởng cho biết: Cách đây nhiều năm, 100% HS trong trường đã tham gia BHYT đầy đủ. Nhận thức của người dân thay đổi nên nhiều trường từ cấp 1 đến cấp 3 trên địa bàn huyện đều đạt 100%. Lợi ích mà BHYT đem lại rất lớn, đơn cử như ở trường có 1 HS chạy thận, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhờ có BHYT nên em được chữa bệnh và đến trường.

Năm học 2017 - 2018, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã tăng lên đáng kể (đạt 93,5%), nhưng để đạt con số 100% thì đòi hỏi các trường cũng như các tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, để phụ huynh hiểu ý nghĩa của BHYT và tự giác tham gia.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/con-nhieu-ban-khoan_t114c9n140716