Con người luôn là trung tâm trong tiến trình phát triển ở Việt Nam

Việt Nam là một điển hình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó lấy con người làm trung tâm. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán lấy con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực xuyên suốt trong sự phát triển đất nước.

Quyền con người luôn được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam

Quyền con người luôn được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam

Nhất quán và kiên định vì sự giải phóng toàn diện con người

Trên các diễn đàn quốc tế lớn về phát triển, bảo đảm quyền con người, Việt Nam luôn được nhắc tới như là một hình mẫu thành công trong các nỗ lực về bình đẳng giới và đảm bảo quyền con người. Để có được thành công đó, trong mọi giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã nêu bật các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc: "các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Người nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp để khẳng định rằng, người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng có quyền bình đẳng như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới. Ngay từ khi bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời cách đây 74 năm, Nhà nước ta đã đặt quyền con người ở vị trí trang trọng.

Việt Nam suốt 3/4 thế kỷ qua đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền dân chủ, quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến. Các quyền con người được quy định một cách rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật; khẳng định mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bình đẳng trước pháp luật.

Trong các bản Hiến pháp tiếp theo sau Hiến pháp đầu tiên (năm 1946), các quyền con người cũng không ngừng được mở rộng thêm. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân", công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Đảng và Nhà nước Việt Nam trên thực tế đã có rất nhiều biện pháp cụ thể để bảo đảm quyền của người dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Người dân tham gia trực tiếp và thụ hưởng quyền qua các hình thức như: tham gia qua Quốc hội, qua các đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy, có thể khẳng định, suốt thời kỳ cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cho đến thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và kiên định với chính sách vì sự giải phóng toàn diện con người, hiện thực hóa đầy đủ các quyền con người cho tất cả mọi người.

Quyền con người được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế

Chính nhờ chủ trương, định hướng trên của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người, thể hiện ở những chỉ số quan trọng như: chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số phát triển giới, chỉ số bất bình đẳng phân phối thu nhập giữa cá nhân trong một nền kinh tế… Những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người đã mang lại những thành tựu ấn tượng, được đánh giá cao.

Trong Báo cáo Phát triển con người năm 2019 có tiêu đề “Bất bình đẳng trong phát triển con người ở thế kỷ XXI: Không chỉ thu nhập, mức trung bình và hiện tại” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố, tổ chức chịu trách nhiệm chính về phát triển này của Liên hợp quốc đã công bố những chỉ số cùng sự đánh giá cao các thành tựu về phát triển con người của Việt Nam. UNDP nhìn nhận, chỉ số HDI của Việt Nam đang ở gần mức trần của nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức trung bình. Theo đó, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao. UNDP cũng đánh giá, Việt Nam cũng có kết quả tốt về khía cạnh bình đẳng giới. Trong đó, chỉ số phát triển giới ở mức 1,003 đã đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68 trong số 162 nước về chỉ số phát triển giới. Theo UNDP, đáng khen ngợi là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ này.

Đặc biệt trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam được coi là mô hình thành công của thế giới. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ đói nghèo trong hơn một thập kỷ và là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới. Với mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo mà Liên hợp quốc đề ra, Việt Nam đã hoàn thành và vượt mức trước 10 năm. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chỉ còn 5,2 - 5,7%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. Đảng và Nhà nước Việt Nam có rất nhiều biện pháp cụ thể để bảo đảm quyền của người dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Người dân tham gia trực tiếp và thụ hưởng quyền qua các hình thức như: tham gia qua Quốc hội, qua các đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiến pháp Việt Nam khẳng định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Cả nước hiện có khoảng 20 nghìn nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hơn 700 cơ quan báo chí in, khoảng 70 đài phát thanh và truyền hình Trung ương và cấp tỉnh, hơn 80 báo điện tử và hàng nghìn trang điện tử...

Các công dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại, nhất là Internet, nhằm nâng cao sự hiểu biết và đời sống tinh thần cũng như thể hiện quyền tự do ngôn luận. Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, với gần 70 triệu người dùng internet. Hiện khoảng 70% người dân Việt Nam có thể tiếp cận Internet hàng ngày, không chỉ để phục vụ sinh kế, học tập, giải trí mà còn để trực tiếp thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật.

Với việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong thực tế, cùng với môi trường thiên nhiên tươi đẹp, chính trị - xã hội ổn định, văn hóa đặc sắc, con người thân thiện, cởi mở và mến khách, Với việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong thực tế, cùng với môi trường thiên nhiên tươi đẹp, chế độ chính trị văn minh, văn hóa đặc sắc, xã hội ổn định, con người thân thiện, cởi mở, Việt Nam đã lọt vào Top 10 “Quốc gia đáng sống” trên thế giới, theo báo cáo HSBC Expat 2019 do HSBC công bố.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/con-nguoi-luon-la-trung-tam-trong-tien-trinh-phat-trien-o-viet-nam-post452120.antd