Con người làm nguồn nước ô nhiễm

Tôi đứng trên cầu Cửa Đại nối TP.Hội An với H.Duy Xuyên (Quảng Nam), nhìn xuống dòng nước xa dưới kia.

Ảnh: Shutterstock

Đây là nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn từ Trường Sơn đổ về trước khi hòa vào biển cả: sông Thu, sông Ly Ly và sông Trường Giang.

Dưới cầu, dòng nước chia hai màu rất rõ: bên hướng sông Thu màu nước vàng đục, bên hướng sông Ly Ly và Trường Giang màu nước xanh trong vắt.

Sở dĩ có tình trạng một dòng nước mà chia hai màu là bởi ở thượng nguồn người ta đã ứng xử với các dòng sông khác nhau. Sông Trường Giang và sông Ly Ly không bị ai đào đãi vàng hay hút cát sạn nên dòng nước xanh ngát quanh năm.

Ngược lại, việc đào đãi vàng, khai thác khoáng sản và hút cát sạn thường xuyên bên nhánh sông Thu, thải vào nguồn nước nhiều chất gây ô nhiễm là nguyên nhân khiến dòng sông vẩn đục.

Nói cách khác, chỉ có thể đứng trên cầu Cửa Đại nhìn xuống dòng nước hợp lưu tuôn ra biển, ta mới thấy được sự ô nhiễm của sông Thu khi so sánh màu nước của nó với Trường Giang và Ly Ly.

Nước là một trong năm yếu tố căn bản của ngũ hành, là yếu tố làm nên sự sống. Nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Sự sống của con người, của nền sản xuất nông nghiệp, của các động vật trong thiên nhiên, của cảnh quan thiên nhiên đều nhờ dòng nước mà phát triển. Nước từ những suối nguồn cao đổ về là nước ngọt tự nhiên, rất cần thiết cho đời sống con người.

Tiếc thay trong nhiều năm qua, việc phát triển vội vàng các khu công nghiệp, việc bó buộc những cơ sở và nhà máy về cách xả thải ra môi trường đã không được thực hiện đến nơi đến chốn nên những dòng sông tươi đẹp của chúng ta đã bị ô nhiễm, gây ra nhiều thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống con người.

Tổ chức Môi trường thế giới cho biết cứ trong 8 giây có một em bé chết vì những bệnh gây ra từ nguồn nước ô nhiễm. Địa lý tự nhiên cũng cho biết sông Hằng (Ấn Độ) là dòng sông đáng sợ nhất bởi nó vừa cung cấp nước uống, nước tắm giặt cho mấy trăm triệu người đồng thời cũng là nơi người ta phóng uế, đổ tro cốt cũng như làm nghi lễ thủy táng người chết. Trung Quốc có khoảng 1,4 tỉ dân thì có 700 triệu người phải dùng nguồn nước ô nhiễm của hai dòng sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử.

Không nói đâu xa, những dòng sông và con kênh tươi đẹp trên đất nước ta ít nhiều cũng đang bị ô nhiễm hóa. Bà con nông dân có khuynh hướng dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ để bảo vệ hoa màu. Những loại thuốc đó theo nguồn nước tưới hay nước mưa thẩm thấu vào đất và sông rạch.

Ngay chúng ta - những người bình thường không sản xuất công nghiệp, cũng đã là những tác nhân khiến các dòng sông, con kênh ô nhiễm rồi. Hằng ngày, chúng ta tắm, giặt, rửa chén bát bao nhiêu lần; mỗi lần như vậy dùng bao nhiêu chất hóa học tẩy rửa làm sạch rồi xả chất thải đó ra sông. Trong thành phố có thể không có cơ sở hay nhà máy sản xuất công nghiệp nhưng các chung cư, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cơ sở làm đẹp... vẫn thải ra nhiều chất tẩy rửa độc hại xuống kênh rạch thành phố.

Cho nên, chỉ nhìn thấy tình hình ô nhiễm do nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ra mà không tự nhìn vào đời sống hằng ngày của hàng triệu cư dân tưởng như “vô tội” trong việc gây ô nhiễm cho nguồn nước là không công bằng.

Lấy thí dụ con kênh Nhiêu Lộc, chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3, quận 1 mỗi ngày phải hứng bao nhiêu chất thải tẩy rửa công nghiệp từ cuộc sống bình thường của cư dân năm quận ấy. Bầy cá sống trong kênh Nhiêu Lộc phải giỏi thích nghi lắm mới sống nổi giữa dòng nước ô nhiễm này.

Ở TP.Bến Tre (tỉnh Bến Tre), có một khách sạn lớn do một doanh nghiệp Úc đầu tư. Buổi trưa, khách trở về phòng nghỉ ngơi, thấy phòng đã được dọn sạch sẽ nhưng trên nệm có một tờ giấy khổ A4 thăm dò ý kiến khách có cần phải thay tấm drap (tấm trải nệm) hay không?

Tờ giấy phân tích cho khách biết nếu thay để đem giặt một tấm drap thì tốn bao nhiêu lít nước, dùng hết bao nhiêu gram chất tẩy rửa (xà bông) theo đó thải vào nguồn nước. Cuối cùng, quyền chọn lựa là của khách; nếu khách cảm thấy tấm drap mình nằm đêm qua chưa cần thiết phải giặt thì khách sạn sẽ không thay, không giặt. Như thế, cả đôi bên - khách ở và khách sạn đã cùng chung tay bảo vệ môi trường nước.

Giặt một tấm drap với khách sạn là chuyện dễ. Chỉ cần máy giặt, xà bông, nước và bàn ủi thì người ta có một tấm drap mới và sạch. Nhưng giặt một tấm drap mà nghĩ đến chuyện tốn bao nhiêu nước, môi trường phải chịu bao nhiêu ô nhiễm từ xà bông giặt gây ra - nghĩa là chuyện có thể phương hại đến nguồn nước, thì ít ai nghĩ đến. Tôi rất phục cách làm đầy tinh thần trách nhiệm này của khách sạn ở TP Bến Tre. Hai đêm nghỉ trong phòng đơn ở đây, tôi đã đưa ý kiến không cần thay tấm drap mới.

Ta đã thấy những tác hại nhãn tiền nào từ nguồn nước ô nhiễm? Một đơn vị sản xuất ở thượng nguồn sông Âm (Thanh Hóa) xả thải trực tiếp ra sông khiến cá lồng bè của bà con nông dân nuôi chết hàng loạt. Những cơ sở chế biến thủy hải sản ở Vũng Tàu đã xả thải trực tiếp ra sông Chà Và khiến tất cả cá nuôi lồng bè của bà con chết sạch không còn một con.

Nước biển ở vịnh Xuân Đài (Phú Yên) bị ô nhiễm nặng khiến tôm hùm của bà con thả nuôi bị bệnh sữa, chết hết. Ở đầu nguồn sông Bé (Bình Dương), có một trại nuôi heo 100% vốn Đài Loan đã bỏ heo chết ra bên bờ sông cho chúng tự phân hủy và nước thải bẩn chảy xuống dòng sông này.

Nguồn nước nhiễm bẩn không tác hại đến con người ngay tức khắc. Nó thẩm thấu vào những tầng nước sâu của giếng khoan, giếng đào, nước tưới rau, tưới cây, tắm giặt, nước uống. Nó gây ra những tác hại từ từ nhưng có sức hủy diệt mãnh liệt.

Các căn bệnh ung thư, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da... từ đó phát triển và làm hại đời sống con người. Trên đất nước ta, đã có những “làng ung thư” khiến con người sống chỉ khoảng 40, 50 tuổi - nơi mà trước đó những chất hóa học độc hại do người Mỹ dùng trong chiến tranh không được xử lý, nhiễm vào đất và nước khiến người đời sau phải tử vong.

Ngay từ khi chọn con đường công nghiệp hóa đất nước, chúng ta đã nghe đến tiêu chí phát triển đồng bộ. Nói một cách nôm na, phát triển đồng bộ là phát triển cái này mà không phương hại đến cái kia; phát triển công nghiệp mà không phương hại đến nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Thế nhưng, việc các ngành chức năng và các địa phương lơ là không buộc các cơ sở công nghiệp xây hệ thống xử lý nước thải và chất thải công nghiệp, việc lơ là không kiểm soát kiểm tra các hệ thống xả thải đã gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp và con người. Thảm họa môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra cho ngư dân bốn tỉnh duyên hải miền Trung là bài học vô cùng đau xót.

Tất cả những người đứng đầu các nhà máy, các cơ sở sản xuất công nghiệp thường lên tiếng chống chế khi hành vi xả thải của họ ra kênh rạch, sông suối bị bắt quả tang. Có lẽ các cơ quan pháp luật và các địa phương cần phải thẳng thắn cho họ biết xả thải làm ô nhiễm nguồn nước như vậy là tội ác. Và tội ác thì phải bị xử lý, trừng phạt một cách công khai, minh bạch chứ không thể cãi chày cãi cối.

Chúng ta không đồng ý với hai từ “hỗ trợ” mà họ thường nói với các nạn nhân trực tiếp bị chết tôm, chết cá. Phải gọi sòng phẳng là họ đền bù cho những bà con nuôi tôm cá, trồng rau màu. Còn chuyện làm ô nhiễm nguồn nước - tài nguyên của quốc gia, thì phải bị xử lý..

Vũ Đức Sao Biển

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/con-nguoi-lam-nguon-nuoc-o-nhiem-829231.html