Con người cần chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa với thiên nhiên

Ngày 18/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi hành động toàn cầu để ngăn chặn một cuộc chiến 'vô nghĩa và tự sát' với thiên nhiên, đi kèm theo những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo, ngày 18/2. (Ảnh: Xinhua)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo, ngày 18/2. (Ảnh: Xinhua)

Phát biểu trong một cuộc họp báo công bố báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc có tựa đề “Hòa bình với thiên nhiên”, ông Guterres khẳng định rõ quan điểm “nếu không có sự giúp đỡ của thiên nhiên, chúng ta sẽ không thể phát triển hay thậm chí là tồn tại”. “Từ rất lâu rồi, chúng ta đã tiến hành một cuộc chiến tự sát và vô nghĩa đối với thiên nhiên. Điều đó đã kéo theo 3 cuộc khủng hoảng môi trường có mối liên hệ mật thiết với nhau, bao gồm: Gián đoạn khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm – những điều đe dọa tới sự tồn tại của chúng ta… Hạnh phúc của con người nằm ở việc bảo vệ sức khỏe của hành tinh. Đã đến lúc đánh giá và cài đặt lại mối quan hệ giữa chúng ta với thiên nhiên” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Tổng thư ký Guterres chỉ ra rằng, con người đang khai thác quá mức và làm suy thoái môi trường cả trên đất liền và trên biển. Bầu khí quyển và đại dương đã bị biến thành bãi rác thải. Trong khi các chính phủ thì lại đang chi trả nhiều tiền để khai thác hơn là bảo vệ thiên nhiên. Theo số liệu thống kê của người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra tại cuộc họp báo ngày 18/2, xét trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia đang chi khoảng từ 4 – 6 nghìn tỷ USD mỗi năm cho các khoản trợ cấp gây tổn hại đến môi trường.

Theo quan điểm của ông Guterres thì các cuộc khủng hoảng về khí hậu, đa dạng sinh học và ô nhiễm có liên hệ với nhau và đòi hỏi hành động khẩn cấp của toàn xã hội – không chỉ từ các chính phủ, mà còn từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, thành phố và mỗi cá nhân.

Dẫn báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, ông Guterres chỉ ra rằng, nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng gấp 5 lần trong 5 thập kỷ qua, nhưng đi kèm theo đó là một cái giá phải trả quá đắt đối với môi trường. Sự nóng dần lên của trái đất đang tiến dần tới ngưỡng 3 độ C trong thế kỷ này. Trong khi hậu quả lại xảy ra một cách không cân xứng đối với phụ nữ - lực lượng đại diện cho khoảng 80% số người phải rời bỏ nhà cửa do biến đổi khí hậu. Hơn 1 triệu trong số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Các bệnh do ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6,5 triệu người mỗi năm; nguồn nước bị ô nhiễm trở thành nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng 1,8 triệu người khác, chủ yếu là trẻ em. Trong khi đó, số người nghèo và bị đói trên trên thế giới vẫn duy trì ở ngưỡng lần lượt 1,3 tỷ và 700 triệu.

Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định, câu trả lời duy nhất là sự phát triển bền vững giúp nâng cao sức khỏe của cả con người và hành tinh. Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng đã nêu rất nhiều giải pháp giúp con người đạt được mục tiêu này. Ví dụ như việc chính phủ các nước có thể đưa vốn tự nhiên vào thước đo hiệu quả kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Họ có thể đưa ra lập trường không ủng hộ mô hình nông nghiệp phá hủy hoặc làm ô nhiễm thiên nhiên; định giá carbon; chuyển trợ cấp tự nhiên liệu hóa thạch sang các giải pháp carbon thấp và thân thiện với thiên nhiên.

“Điểm mấu chốt là chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về thiên nhiên. Chúng ta phải phản ánh giá trị thực sự của thiên nhiên trong tất cả các chính sách, kế hoạch và hệ thống kinh tế của chúng ta. Với một nhận thức mới, chúng ta có thể hướng đầu tư vào các chính sách và hoạt động bảo vệ, khôi phục thiên nhiên và phần thưởng chúng ta nhận được sẽ vô cùng quý giá… Đã đến lúc chúng ta học cách coi thiên nhiên như một đồng minh giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)” – ông Guterres nói.

Trong khi đó, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen lại cảnh báo rằng chúng ta cần nhìn vào đại dịch toàn cầu COVID-19 để biết rằng hệ thống điều chỉnh của thế giới tự nhiên đã bị phá vỡ. Nhân dịp này, ông Andersen cũng dẫn lại nhận định của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng, nguyên nhân sâu xa của các đại dịch chính là sự tàn phá đối với thế giới tự nhiên, với những đợt bùng phát tồi tệ hơn sẽ có nguy cơ xảy ra trừ khi chúng ta hành động.

Giáo sư Sir Robert Watson – phụ trách mảng đánh giá khoa học của Liên hợp quốc về khí hậu và đa dạng sinh học, kiêm đồng tác giả của bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, chúng đang phải đối mặt với 3 tình huống khẩn cấp, có liên hệ mật thiết với nhau và cần được giải quyết cùng nhau. Những tình huống khẩn cấp này không chỉ đơn thuần thuộc về lĩnh vực môi trường, mà còn là các vấn đề về kinh tế, phát triển, an ninh, xã hội và đạo đức./.

Thu Lan (Theo theguardian, Xinhua)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/con-nguoi-can-cham-dut-cuoc-chien-vo-nghia-voi-thien-nhien-574944.html