Con người bây giờ sốt ruột lắm rồi, không xây từ đầu nữa, kinh doanh luôn thôi!

Các chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy khi lấn sân sang dược phẩm đã chọn cách thức mua bán-sáp nhập (M&A). Tức là bỏ tiền ra mua lại hệ thống của đối tác để kinh doanh ngay. Tại sao họ lại chọn cách

Những tháng đầu năm 2017, các chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy như Thế giới di động, Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim… đều bày tỏ ý định lấn sân sang lĩnh vực dược phẩm. Nói là làm. Cuối năm 2017, Thế giới di động đã chính thức mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang. Cũng cuối năm 2017, FPT Retail đã xác nhận việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu, mở đầu cho lĩnh vực kinh doanh mới hoàn toàn từ năm 2018.

Trước đó, giữa tháng 8/2017 Digiworld đã bắt tay với Vinamedic, chính thức đặt chân vào ngành phân phối thực phẩm chức năng. Sản phẩm mà Digiworld phân phối là Kingsmen, dòng sản phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam. Đối với Nguyễn Kim, kế hoạch thâu tóm Dược Lâm Đồng đã được HĐQT chủ trương từ cuối năm 2017 khi công bố quyết định mua thêm cổ phiếu LDP do Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký bán ra nhưng không thành công.

Cuối tháng 6 năm 2018, Nguyễn Kim đã gửi giấy đăng ký chào mua công khai đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để mua hơn 2,1 triệu cổ phiếu LDP theo hình thức thỏa thuận với giá chào mua tối đa là 30.000 đồng/cp. Tháng 8 năm 2018, HĐQT của CTCP Dược Lâm Đồng đã thông qua đề xuất chào mua công khai hơn 2,12 triệu cp LDP của Nguyễn Kim. Như vậy, Nguyễn Kim đã sở hữu lên 51% vốn của Dược Lâm Đồng.

Có 2 sự kiện thay đổi trái chiều trong việc các chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy nhảy vào dược phẩm. Thứ nhất, tại ĐHCĐ thường niên 2017 của Thế giới di động, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT ccho biết sẽ dành khoảng 500 tỷ đồng để mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẵn có, sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%.

Thế nhưng đến ĐHCĐ thường niên 2018, ông Tài khẳng định, trước đây, Thế giới di động có ý định mua để chiếm cổ phần chi phối nhà thuốc Phúc An Khang và biến thành công ty con của mình. Sau đó, Thế giới di động đánh giá rủi ro và xác định đây chưa phải là thời điểm thích hợp, nên giới hạn mua ở mức 49% cổ phần. Tức là hiện tại Thế giới di động chỉ là cổ đông lớn chứ không phải là ông chủ của nhà thuốc Phúc An Khang như dự định ban đầu.

Sự kiện thứ hai, tại thời điểm FPT Retail mua Long Châu năm ngoái, Long Châu mới chỉ có 5 cửa hàng, đến nay FPT Retail đã mở thêm 11 cửa hàng dược phẩm mới nâng tổng số lên 15. Không dừng lại ở đó, mới đây, FPT Retail vừa thống nhất tham gia góp vốn thành lập công ty con là CTCP Dược phẩm FPT Long Châu (tên viết tắt là FPT Pharma). FPT Pharma là doanh nghiệp chuyên bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh. Công ty con có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó FPT Retail góp 75% vốn tương ứng 75 tỷ đồng.

Dù 2 sự kiện của Thế giới di động và FPT Retail trái chiều nhau, dù quá trình Nguyễn Kim thâu tóm Dược Lâm Đồng 5 lần 7 lượt mới xong, dù Digiworld mới dè dặt bước một chân vào lĩnh vực dược phẩm theo hình thức bắt tay với Vinamedic, nhưng cái mà dư luận quan tâm hơn cả không hẳn là đánh giá sự thành công nhiều, thành công ít hay chưa thành công của các chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy khi hiện diện vào dược phẩm.

Sự thực, cái mà dư luận quan tâm nhất là cách thức khi một doanh nghiệp ở lĩnh vực này muốn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khác. Trong trường hợp cụ thể của các chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy nói trên, họ đã chọn cách thức mua bán-sáp nhập (M&A). Tức là bỏ tiền ra mua lại hệ thống của đối tác để kinh doanh ngay. Tại sao họ lại chọn cách thức này, chứ không phải là xây dựng từ đầu như Vingroup? Có phải họ “sốt ruột” hơn Vingroup không? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài viết ngày mai.

Hồng Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/con-nguoi-bay-gio-sot-ruot-lam-roi-khong-xay-tu-dau-nua-kinh-doanh-luon-thoi--20180916081226284p0c77.htm