'Con muốn được trưởng thành, mà không phải… xin phép'

18 tuổi, cái tuổi để trưởng thành nhưng tôi lại không có một lần được sống với chính ước mơ của mình. Tôi bị từ chối sự trưởng thành để theo một giấc mơ về 'thiên tài' của bố mẹ.

Để con tự bước đi, được không? Ảnh minh họa

Để con tự bước đi, được không? Ảnh minh họa

1. Hai tuần trước kỳ thi chuyển cấp, gia đình tôi như một cái tủ. Mọi thứ trước mặt tôi chỉ là đống sách chồng lên nhau, những lịch học gia sư đầy ám ảnh. Sáng – trưa – chiều – tối, tôi không có nổi một giờ cho riêng mình.

Bố mẹ tôi trở về nhà, ăn bữa cơm vội vàng trong im lặng rồi thúc giục tôi lên phòng học bài. Cả ngày chúng tôi không nói chuyện với nhau, cứ thế tôi im lặng trong căn phòng của mình. Tôi là cái máy học. 18 tuổi, cái tuổi bạn bè tôi vẫn nhởn nhơ đi xem phim, nghe nhạc, tập nhảy, tôi lại học như một thằng ngốc.

Tôi kể với mẹ chuyện thằng bạn thích làm họa sĩ, vài đứa trong lớp muốn làm ca sĩ, nhà sản xuất phim... Chúng đều có những ước mơ. Còn tôi, ước mơ của tôi là gì? Nghe xong, mẹ có vẻ không hài lòng, cười trừ vì cho rằng chúng thật viển vông. Thế là tôi cũng gạt luôn ước mơ làm youtuber của mình trước sự lạnh lùng của mẹ. Tôi thật ngốc ngếch với mẹ nếu ra niềm ao ước đấy! Tôi cất đi vậy!

Nhiều lúc nghĩ, mình thật là đứa vô dụng, 18 tuổi không dám nói ước mơ của riêng mình. Tôi sợ bố mẹ, sợ họ từ chối ước mơ của tôi. Và tôi đã sống trong một cỗ máy được lập trình sẵn trong suốt những năm trung học. Lên lớp – học và học, học để điểm giỏi, để hơn các bạn, để được giấy khen. Ngoài những cuốn sách bài tập dày hàng trăm trang làm bạn mỗi ngày, tôi không còn ai khác để làm bạn.

2. Hàng ngày, tôi biết có hàng trăm đứa giống mình. Sống trong một chuỗi quy trình lặp đi lặp lại từ phòng học – trường học – trung tâm học. Những ngày sát kỳ thi, chúng tôi lao vào ôn tập như những con thiêu thân. Tôi chẳng có nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu bài, hết bao nhiêu đề. Cứ như một thuật toán được mã hóa sẵn, tôi giải tất cả các yêu cầu từ việc học. Còn bản thân muốn gì, tôi không biết?

Thời nay, không hiếm gặp những đứa trẻ như tôi sống theo kỳ vọng của bố mẹ. Học trường này, thi cuộc thi nọ chỉ nhằm thỏa mãn ý muốn của bố mẹ... Còn chúng tôi, những đứa trẻ chờ đợi sự trưởng thành lại được bao bọc trong một cái kén chả bao giờ nhả tơ. Tôi không định nghĩa được sự trưởng thành? Là điểm cao, là đỗ trường danh tiếng, là làm ông này bà nọ hay là chính mình. Nhưng, tất cả chỉ sự kỳ vọng từ những ông bố bà mẹ, họ đưa chúng tôi đến trường đời, nhưng lại đóng chặt cánh cửa để chúng tôi được vỗ cánh bay đi. Sự kỳ vọng như bức tường đóng chặt, đẩy chúng tôi đứng ngoài những niềm vui tuổi trẻ.

Trong thời gian ôn thi cuối cấp, tôi chờ đợi một sự giải thoát chứ không phải một kết quả tốt. Những gương mặt mất ngủ, những buổi học đến 1,2h sáng, những ám ảnh điểm số trong cả vô thức. Chúng khiến tôi sợ hãi với chính thời gian trưởng thành của mình. Tôi vẫn được học về công nghiệp hóa, bỗng chốc vài giây phút chúng tôi nhìn nhau – những đứa trẻ mang kỳ vọng của gia đình. Phải chăng, chúng tôi là sản phẩm công nghiệp, từ khi sinh ra đến khi lớn lên trong một chương trình có sẵn.

3. Trong lớp, luôn có một vài đứa cá tính, chúng sẵn sàng đi ngược lại số đông. Họ vẫn kể với tôi về những đam mê, dự định về tương lai có vẻ hơi xa xôi. Tôi thầm nghĩ, giá mà một lần tôi được sống là chính mình như vậy. Tôi có thằng bạn, nó rất lùn và muốn làm một dancer, nghe có vẻ hơi kỳ cục vì tôi không tin vào nó. 1 tháng sau, nó vui mừng thông báo với tôi là nó tham gia câu lạc bộ nhảy của trường. Khoảnh khắc ấy, tôi chỉ ước mình đập đi cái vỏ an toàn, đạp cái bức tường kỳ vọng của bố mẹ để thay đổi.

Tôi vẫn mong mình có thể trưởng thành theo cách riêng. Neil deGrasse Tyson là một nhà Vật lý thiên văn, vũ trụ học nổi tiếng người Mỹ, ông là thần tượng của tôi. Tôi hâm mộ ông qua các phát minh thiên văn, vật lý nổi tiếng khắp thế giới. Ông có một câu nói "Tôi nghĩ rằng điều tốt nhất cha mẹ có thể làm khi nuôi dạy con cái mình, đơn giản là tránh sang một bên trên hành trình lớn lên của chúng". Giá mà, tôi dũng cảm hơn để nói với bố mẹ: “Con muốn làm một youtuber”, “Con muốn được trưởng thành mà không phải xin phép bố mẹ”. Tôi ước một lần bố mẹ lắng nghe chúng tôi, gỡ bỏ đi những kỳ vọng về một “thiên tài”, để những đứa trẻ chúng tôi được vô tư phát triển.

12 năm học sinh giỏi, đối với nhiều người nó khá ổn để tôi vào Đại học và tiếp tục những năm tháng kế tiếp. Nhưng, họ đâu biết sự nổi loạn trong một đứa trẻ, 12 năm học sinh giỏi có bằng 1 ngày bạn được trưởng thành theo đúng cách riêng. Chúng tôi đang phải sống trong một xã hội “khao khát nhiều thiên tài”, để rồi trên bước đường trưởng thành, thực chất “thần đồng trong mơ” ấy chỉ là đứa trẻ non nớt.

Bố mẹ ơi, hãy để con cái sống cuộc đời của chúng!

Vì chúng con đâu phải “thiên tài”.

Muốn con hạnh phúc và bình an, bố mẹ hãy… đừng làm gì cả!

Muốn con trưởng thành hãy đi cùng con, chứ đừng ép buộc con!

Minh Hải

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/con-muon-duoc-truong-thanh-ma-khong-phai-xin-phep-454213.html