'Cơn mưa rào mùa hạ' sau hai thập kỷ ở Sa Cần

Sau gần một năm thực hiện Dự án 'Tử tế với Sa Cần', giờ đây bãi biển Sa Cần đã dần hồi sinh sau gần hai thập kỷ bức tử vì môi trường. Con người và thiên nhiên nơi đây đã đón nhận một luồng sức sống mới như 'cơn mưa rào mùa hạ' ùa về.

Sau gần một năm thực hiện Dự án "Tử tế với Sa Cần", giờ đây bãi biển Sa Cần đã dần hồi sinh sau gần hai thập kỷ bức tử vì môi trường. Con người và thiên nhiên nơi đây đã đón nhận một luồng sức sống mới như "cơn mưa rào mùa hạ" ùa về.

Các bạn trẻ và người dân dọn rác tại bãi biển Sa Cần.

Các bạn trẻ và người dân dọn rác tại bãi biển Sa Cần.

Cửa biển Sa Cần là hạ nguồn của dòng sông Trà Bồng nằm giữa hai xã Bình Thạnh và Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Bãi biển với những bờ cát dài chìm trong rác suốt 20 năm dường như vô vọng, bỗng "bừng sáng" trở lại từ nhận thức và hành động tử tế của con người nơi đây.

Chuyện của Thương với quê hương

Anh Huỳnh Văn Thương- Trưởng nhóm điều hành Dự án "Tử tế với Sa Cần" chia sẻ: "Sau nhiều năm xa quê, đầu năm 2019, tôi có dịp về lại quê nhà tại thôn Hải Ninh (xã Bình Thạnh) quá sửng sốt vì nhìn thấy bãi biển quê mình chìm trong biển rác. Bỗng nhớ lại lúc nhỏ, khi tôi sống tại nơi này vẫn còn bãi cát trắng tinh nhưng giờ đây bãi biển tuổi thơ quê mình đã mất đi vì ô nhiễm môi trường. Rác không chỉ nằm trên bãi cát mà giờ đây còn vùi rất sâu dưới lòng đất khiến môi trường nơi đây ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng".

Thương trăn trở: "Đối với mọi người, Sa Cần là cái tên nghe rất xa lạ nhưng đối với người dân nơi đây rất đỗi thân thương". Anh thao thức, xót xa vì điều đó nên đã quyết tâm thực hiện Dự án "Tử tế với Sa Cần" từ tháng 7-2019 với kênh lan tỏa chính thông qua mạng xã hội. "Tử tế với Sa Cần" là sợi dây kết nối mọi người cùng hướng về Sa Cần, mỗi người cùng làm việc nhỏ để cửa Sa Cần lấy lại vẻ đẹp như ngày xưa. Dự án ban đầu hình thành không những nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân mà còn nhiều cá nhân, đơn vị khác trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi.

Cửa Sa Cần đã bị "bức tử" bởi rác thải chủ yếu từ các nguồn: Thượng lưu sông Trà Bồng trôi về; rác từ chính các hộ dân thải ra; rác từ biển theo sóng tấp vào; rác thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ,... Lượng rác "khổng lồ" nằm dọc bãi biển dài, nhiều nơi chìm rất sâu trong cát nên rất khó khăn nếu chỉ dùng sức người dọn dẹp. Chính vì thế, Dự án xác định người dân là trung tâm, tập trung vận động mọi người cùng tham gia với các tình nguyện viên. Mỗi cá nhân cùng chung tay thì dự án sẽ bền vững hơn và hình thành thói quen lâu dài.

Hồi sinh một "vùng biển chết"

Chiến dịch ban đầu xây dựng nâng cao nhận thức của người dân vì môi trường bền vững, không còn rác tại khu dân cư thải ra bãi biển là vấn đề cốt lõi. Anh Dương Duy Din - Trưởng thôn Hải Ninh chia sẻ: "Dọn rác chỉ là phần ngọn của vấn đề, phần gốc nằm ở việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con cùng đồng hành để tìm hướng thu gom xử lý rác, tận dụng lợi ích từ rác làm phân bón hữu cơ, thu gom rác tái sử dụng bán gây quỹ".

"Tử tế với Sa Cần" từ khi phát động không những có sự hưởng ứng từ phía người dân mà còn có sự đồng hành của các cơ quan, ban, ngành và đông đảo tình nguyện viên nên sức lan tỏa ngày càng rộng rãi. Dự án thực hiện với nhiều nội dung như: Lập quỹ "Tử tế với Sa Cần" để duy trì hoạt động cải tạo môi trường về sau; vận động kinh phí để tặng thùng rác cho người dân, đặt thùng rác dọc bờ biển, in tài liệu tại các buổi hướng dẫn phân loại rác, trồng cây xanh...

Sau một thời gian triển khai, dự án có sức lan tỏa mạnh mẽ và hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Ngày càng có nhiều thành viên đăng ký tham gia để san sẻ các công việc chung. Dự án ban đầu đã đến với 400 hộ dân sống ở khu vực thôn Hải Ninh, chính con số này cũng là cơ sở để nhóm dự án xây dựng nhiều chiến dịch kêu gọi cộng đồng tặng 400 thùng rác, 400 cây hoa giấy, 400 vỏ thùng sơn tái sử dụng, 400 giờ dọn rác ở cửa biển Sa Cần,... Chị Đỗ Thị Nga, người dân ở thôn Hải Ninh bày tỏ: "Tưởng chừng như bãi biển sẽ mất đi, trẻ con không thể ra biển chơi đùa nữa nhưng giờ đã trở thành hiện thực. Người dân ở đây đã học cách phân loại rác và tham gia đồng hành cùng dự án lâu dài".

Nhóm điều hành Dự án sau đó tiếp tục lập hồ sơ để xin kinh phí của tỉnh để gây quỹ cho dự án nhằm duy trì hoạt động cải tạo môi trường như: Lắp 6 camera giám sát, chi phí thu gom rác ở cửa biển Sa Cần thường xuyên, chi phí xây dựng lò đốt rác. Ngoài ra, các tình nguyện viên chủ động xây dựng chiến dịch cho các hội, đoàn thể ở thôn tự lập kế hoạch tổng dọn vệ sinh cửa biển Sa Cần thường xuyên, nguồn rác tái chế từ các hộ gia đình gom lại bán gây quỹ cộng đồng bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cộng đồng địa phương. Anh Đỗ Thanh Dũng (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh) vui mừng: "Bao nhiêu năm, người dân nơi đây mới thấy lại bãi biển cát trắng như vậy, chiều chiều có thể ra dạo biển tập thể dục, trẻ con làm sân đá bóng trên bãi, người lớn ngồi bàn đá uống trà nói chuyện sau chuyến đi biển về".

Sau gần một năm phát động và triển khai thực hiện, Dự án "Tử tế với Sa Cần" đã làm hồi sinh một "vùng biển chết". Sa Cần giờ đây đã khoác lên mình một gam màu mới với vẻ đẹp độc đáo mà thiên nhiên ban tặng vốn có. Vẻ đẹp non nước hữu tình mà thiên nhiên đã khéo sắp đặt Hòn Ông, Hòn Bà và làng chài Sơn Trà thơ mộng đã níu chân nhiều thực khách phương xa khi đến đây. Người dân thôn Hải Ninh đã cùng làm nên những điều tử tế với thiên nhiên, để giờ đây họ tự hào được sống trong bầu không khí trong lành mà thiên nhiên ban tặng cho lòng tử tế...

TRỌNG QUỐC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_226249_-con-mua-rao-mua-ha-sau-hai-thap-ky-o-sa-can.aspx