'Con mắt thơ' của Nguyễn Quang Thiều trong tranh

Chất thơ ẩn náu trong từng bức họa, bộc lộ rõ 'con mắt thơ' của Nguyễn Quang Thiều trong tranh – đó là đánh giá của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn về triển lãm tranh 'Người thổi sáo'.

 Bức tranh "Người thổi sáo 5" của Nguyễn Quang Thiều

Bức tranh "Người thổi sáo 5" của Nguyễn Quang Thiều

Người thổi sáo thu hút công chúng

Triển lãm Người thổi sáo khai mạc vào ngày 7/1/2021 tại Trung tâm Art Space (42 Yết Kiêu, Hà Nội) là một sự kiện đặc biệt, thu hút sự quan tâm của giới văn nghệ sĩ và công chúng. Đây là triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Triển lãm trưng bày 54 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, hầu hết các bức tranh trưng bày tại triển lãm được ông vẽ trong 3 năm trở lại đây. Có một số bức là ông vẽ trước kia và mượn lại những người đã sở hữu chúng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bế cháu nội trong khai mạc triển lãm tranh "Người thổi sáo"

Chia sẻ về triển lãm của Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: "Nguyễn Quang Thiều là một nghệ sĩ đa tài. Anh viết thơ, viết văn, làm báo và hôm nay chúng ta biết thêm tài nghệ nữa của anh là vẽ. Hội họa của Nguyễn Quang Thiều rất độc đáo, có ngôn ngữ rất gần với thơ. Tranh của Nguyễn Quang Thiều cũng như thơ của anh, rất ấn tượng, rất độc đáo.

Như khi Thiều vẽ các văn nghệ sĩ Việt Nam, là vẽ theo thế giới riêng của anh. Cũng là Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Nguyễn Văn Thọ… nhưng qua con mắt của Thiều trở nên ấn tượng, hài hước, không trộn lẫn".

Bức tranh "Người thổi sáo 3" của Nguyễn Quang Thiều

Họa sĩ Trần Thắng (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng: "Nguyễn Quang Thiều đọc thơ để vẽ tranh, ai đã đọc thơ ông sẽ nhận ra ngay thơ và tranh tương đồng về tư tưởng và cảm xúc. Ông tự học vẽ, tự nhận mình là người đi qua cánh đồng hội họa, vẽ tranh không cần phác thảo nên sự ngẫu hứng của màu sắc và bất thường ở bố cục tạo nên những giá trị khác biệt cho tranh.

Tôi rất ấn tượng 2 bức tranh Người thổi sáo 3 và 14. Tranh Người thổi sáo 3, tiếng sáo mang dáng hình tu sĩ thoát ra từ những cành cây như âm thanh của thiên nhiên nhuốm sắc thái siêu thực. Tiếng sáo ám ảnh, u uẩn, dị biệt như màu vàng của Van Gogh, và thơ ngây như Henri Rousseau. Lá cây xanh lam như mây hội tụ về chuyển động theo giai điệu sáo. Bức tranh như đang bay lên trôi theo ánh sáng, nhưng riêng tôi vẫn có cảm giác nỗi đau từ những cành cây bị phạt đứt. Mảng tranh màu nước nhiều ý tưởng, nhiều cảm xúc như nhật ký bằng tranh, trong sáng và hồn nhiên như tranh của Mark Chagall".

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhận định: "Người thổi sáo là triển lãm đậm đặc nhất, bộc lộ rõ nhất khuynh hướng sáng tác của Nguyễn Quang Thiều. Tố chất ông là nhà thơ, nên con mắt thơ không thể khác được. Ông có những mộng mị và và điều đó đẩy người khác vào không gian mộng mị, thơ mộng. Chất thơ ẩn nấu trong từng bức họa của Nguyễn Quang Thiều.

Nguyễn Quang Thiều có cách dùng màu táo bạo. Ông là nhà thơ, là tay chiêu cầm cọ, ông rất táo bạo trong việc sử dụng màu sắc. Ông lựa chọn tố chất dân gian, chân quê, đĩa màu tươi tắn và tạo nên niềm vui cho người thưởng lãm. Đó là thành công của ông".

Khán giả thưởng lãm tranh Nguyễn Quang Thiều

Người thổi sáo liên quan đến chuyện thực ở đời

Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông bắt đầu vẽ cách đây 16 năm, khi tình cờ "nghịch" toan, màu vẽ của người bạn là dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận gửi ở nhà mình. Biết chuyện, dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận đã động viên ông vẽ. Gần nửa năm sau, tháng 5/2005, ông được nhà văn Hoàng Minh Tường "rủ rê" vào cuộc triển lãm có tên Nhà văn vẽ cùng các nhà văn, họa sĩ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê.

Trong triển lãm đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày 14 bức. Ông tặng bạn bè 3 bức còn lại đã bán hết. Số tiền bán tranh đã giúp ông xây một ngôi nhà nhỏ hai tầng ở làng Chùa cho bố mẹ. Sau đó ông không vẽ nữa và cũng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Ông chỉ nghĩ đơn giản là muốn vẽ thì phải học nhưng ông đã quá tuổi. Năm đó ông đã ở tuổi 48 tuổi. Hơn nữa, ông nghĩ ông chẳng còn thời gian để mà tập trung cho chuyện đó.

Nhưng một ngày của năm 2012 đã thay đổi ông. Khi đến nhà người bạn cùng nhóm Nhân sĩ Hà Đông là ông Trịnh Văn Sỹ, ông bất ngờ thấy bức tranh giấy mình vẽ từ 7 năm về trước được đóng khung treo trang trọng trong phòng khách. "Tôi không biết vì sao ông Trịnh Văn Sỹ lại có những bức tranh đó. Và câu chuyện ông Trịnh Văn Sỹ kể lại đã làm tôi xúc động khôn nguôi.

Mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương Kiều Minh gọi ông Sỹ đến đưa cho ông Sỹ những bức tranh giấy và nói: "Bác Thiều vẽ những bức tranh này và vứt đi. Tôi đã nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không còn sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quý trọng bác Thiều nên đưa bác giữ".

Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của tôi. Chúng tôi thường ngồi uống trà với nhau. Những lúc ấy tôi hay lấy giấy ra vẽ rồi vứt đi thật vì biết rằng đó chỉ là trò nghịch như của một đứa trẻ. Nhà thơ Dương Kiều Minh lặng lẽ nhặt và mang về giữ cẩn thận. Cũng năm đó, ông Sỹ xây xong nhà thờ và muốn tôi tặng một bức tranh. Tôi lưỡng lự vì đã bỏ vẽ 7 năm rồi. Nhưng chiều bạn, tôi đi mua một cái toan và một vài tuýp sơn dầu nhỏ bằng ngón chân cái. Tôi đã vẽ bức Người thổi sáo", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể.

Bức tranh "Người thổi sáo 15"

Và tên bức tranh đó cũng được nhà văn Nguyễn Quang Thiều chọn làm tựa đề cho triển lãm cá nhân đầu tiên của mình. Trong triển lãm, có rất nhiều bức tranh mang tên Người thổi sáo, được đánh số thứ tự theo thời gian sáng tác. Tên Người thổi sáo cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nào đó mà người thổi sáo mù muốn. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Giai điệu của khúc sáo ấy đã chạm vào một nơi chốn nào đó trong con người ông và thay đổi ông. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa…

Những câu chuyện trên đã dẫn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào thế giới của màu sắc và ông biết ông không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa. Ông vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan và quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy. Có thể những bức tranh của ông là một văn bản khác của thơ ông. Ông đọc thơ để vẽ và vẽ để rồi làm thơ. Đấy là cái vòng tròn đầy "ma thuật" cuốn ông đi. "Tôi không phải họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị" – Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Một số bức tranh của Nguyễn Quang Thiều trưng bày tại triển lãm "Người thổi sáo":

Một góc nhìn về họa sĩ Đào Hải Phong

Nhà thơ 2

Một góc nhìn về họa sĩ Thành Chương

Nhà thơ 5

Người thổi sáo 4

Ký ức

Biến tấu từ bài ca những con chim đêm

Minh Anh - Ảnh: T.L

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/con-mat-tho-cua-nguyen-quang-thieu-trong-tranh-20210107223613511.htm