Còn mãi khí phách anh hùng Lê Đình Chinh

Với tinh thần chiến đấu rực lửa anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 (còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên) Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.

Bức tượng bán thân của Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh đang lưu giữ tại Bảo tàng Biên phòng. Ảnh: Bích Nguyên

Năm 1978, ông Cao Việt Bắc là Trợ lý thanh niên, kiêm công tác chính sách của Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) đang tăng cường cho tỉnh Đắk Lắk thì được điều ra chi viện cho các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong tâm trí của vị Phó ban Liên lạc cựu chiến binh Đoàn Thanh Xuyên này, khoảnh khắc bi hùng về sự hy sinh của liệt sĩ Lê Đình Chinh đến nay vẫn được lưu giữ nguyên vẹn trong ký ức.

Ông Bắc nhớ lại: Tình hình biên giới Việt - Trung, đặc biệt là ở khu vực các cửa khẩu của tỉnh Cao Lạng (bao gồm tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn ngày nay) năm 1978 diễn ra căng thẳng. Ngày 12-7-1978, phía Trung Quốc bất ngờ đóng cửa biên giới, khiến cho hơn 4.000 người Việt gốc Hoa bị kích động rời Việt Nam về Trung Quốc bị ứ đọng ở cửa khẩu Hữu Nghị.

Họ dựng lều bạt trú tạm cả ở trong các khu vực cấm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Trước tình trạng này, tỉnh Cao Lạng lập kế hoạch giải tỏa toàn bộ số người này khỏi cửa khẩu. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) phối hợp với các lực lượng khác ở địa phương vạch kế hoạch thực hiện.

Ngày 25-8-1978, đoàn liên ngành của tỉnh Cao Lạng, với nòng cốt là Hội Phụ nữ tỉnh đến đồi Pù Tèo Hào, ở khu vực giáp biên, động viên bà con người Việt gốc Hoa trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống. Để bảo đảm an toàn cho đoàn cán bộ liên ngành, CANDVT huy động khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Hữu Nghị và Đại đội 6, Trung đoàn 12 tăng cường đến tại Km số 0. Phía ta đang thăm hỏi, động viên đồng bào thì bọn côn đồ với sự chi viện của lực lượng chức năng từ bên kia biên giới tràn sang, xông vào hành hung đoàn cán bộ ta.

Lê Đình Chinh, lúc đó mới 19 tuổi, từng tham gia chiến đấu chống quân Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam, mới được điều về tỉnh Cao Lạng làm nhiệm vụ, đã cùng đồng đội ngăn cản bọn côn đồ, bảo vệ đồng bào cùng cán bộ đoàn công tác. Ông Bắc còn nhớ, một mình Chinh chống trả nhiều tên côn đồ, cứu thoát một cán bộ phụ nữ đang bị bọn chúng hành hung.

“Lúc đó, đồng chí Tuyến bị Công an Trung Quốc vây đánh đã kêu to: “Anh Chinh ơi, cứu em với!”. Nghe tiếng kêu cứu, Chinh liền xông vào, quật ngã một số tên, giải vây cho Tuyến. Ngay sau đó, anh bị một tên ném đá vào giữa mặt. Mặc cho máu chảy đầm đìa, anh vẫn xông lên “tả xung hữu đột” cứu mọi người. Rồi Lê Đình Chinh dũng cảm hy sinh, lúc 10 giờ, ngày 25-8-1978, trên đồi Pò Cốc Nhung” - Ông Bắc thuật lại.

Trước tinh thần đấu tranh anh dũng quên mình của Lê Đình Chinh và đồng đội, bọn côn đồ phải xô nhau tháo chạy. Ngay sau đó, cán bộ CANDVT phối hợp với lực lượng công binh dùng những vật liệu đã chuẩn bị sẵn như dây thép gai, gạch đá, rào chặt biên giới.

Lê Đình Chinh hy sinh, ông Bắc cùng cán bộ của Đoàn Thanh Xuyên về quê báo tin và đón người thân của anh ra Hà Nội dự lễ tuyên dương công trạng (do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước truy tặng. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động tuổi trẻ cả nước học tập tấm gương hy sinh dũng cảm vì Tổ quốc của liệt sĩ Lê Đình Chinh.

Năm 2012, ông Bắc cùng thành viên Ban Liên lạc Đoàn Thanh Xuyên đã đón hài cốt liệt sĩ Lê Đình Chinh từ Nghĩa trang Cao Lộc về an táng tại Nghĩa trang Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Cựu binh Nguyễn Đức Hiệu, Trưởng Ban liên lạc Đoàn Thanh Xuyên luôn tự hào được làm người lính của đoàn. Ông bảo, trong muôn vàn khó khăn, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, những người lính Thanh Xuyên đều giữ vững khí tiết, không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc. Đối với ông, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là một giai đoạn lịch sử anh hùng. Sau tấm gương hy sinh của Lê Đình Chinh, khí phách anh hùng của những người lính Thanh Xuyên càng nhân lên gấp bội.

Như để minh chứng, ông Hiệu lật giở từng trang sử viết về Đoàn Thanh Xuyên cho tôi xem. Những trang sử đó ghi lại: “Trong tình thế bị bao vây, cả trận địa chỉ còn khoảng 1 trung đội, nhưng dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Đình Thuần và Chính trị viên trưởng Trần Đức Thịnh từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ, ngày 17-2, 5 đợt tiến công của nhiều tiểu đoàn địch đã bị đập tan.

Trong quá trình chiến đấu, Đại đội trưởng Thuần bị thương nặng, rồi Chính trị viên hy sinh. Trước khi hy sinh, Chính trị viên Thịnh còn dặn lại: “Trên trận địa là mảnh đất mà ông cha đã giao cho chúng ta kiên quyết giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Còn người là còn chiến đấu”. Cả đơn vị đã dồn căm thù lên đầu súng, chiến đấu anh dũng, giữ vững trận địa, theo ý chí của Chính trị viên Thịnh”.

Trong hơn một tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 đã phát huy được tinh thần “sống, chiến đấu rực lửa anh hùng”, dũng cảm kiên cường giành nhau với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào, gốc cây, quyết chặn đứng các đợt tiến công của chúng.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 20-12-1979, Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đoàn 12 và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần và Nguyễn Công Thuận.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/con-mai-khi-phach-anh-hung-le-dinh-chinh/