Còn mãi 'Có phải em mùa Thu Hà Nội'….

Nhạc sĩ cũng như nhà thơ, viết nhạc, làm thơ nhiều chưa chắc đã được công chúng biết đến, song chỉ cần một vài bài thơ, bản nhạc hay thì công chúng có thể nhớ suốt đời. Và những bài thơ, bài hát đó còn mãi với thời gian. 'Về đây nghe em'; 'Có phải em mùa Thu Hà Nội' của nhạc sĩ Trần Quang Lộc là như thế.

Hà Nội những ngày này nắng nóng gay gắt, thầm mong sao hè sang thật nhanh để đón mùa Thu, gió heo may se lạnh tràn về. Ngồi lướt web hay tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc mất, bỗng bên tai văng vẳng những giai điệu sâu lắng, da diết bài hát mà ca sĩ Hồng Nhung thể hiện “Có phải em mùa Thu Hà Nội” do ông sáng tác cách đây mấy thập kỷ: “Tháng Tám mùa Thu, lá rơi vàng chưa nhỉ/Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/Có phải em là mùa Thu Hà Nội/Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm/Có phải em mùa Thu xưa/Có bóng mùa Thu thức ta lòng son muộn/Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn/Có phải em là mùa Thu Hà Nội/Ngày sang Thu anh lót lá em nằm/Bên trời xa sương tóc bay…”.

"Có phải em mùa Thu Hà Nội" là một trong những nhạc phẩm để đời của cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc (ảnh VTC)

"Có phải em mùa Thu Hà Nội" là một trong những nhạc phẩm để đời của cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc (ảnh VTC)

Nhớ lại cách nay hơn 12 năm, đêm ở biển Vũng Tàu lộng gió, biết tôi từ Hà Nội vô công tác đúng những ngày tháng Tám, ngồi nhâm nhi cà phê, mấy cô bạn cứ nghêu ngao “Tháng Tám mùa Thu lá rơi vàng chưa nhỉ?...”. Nghe các bạn ở Vũng Tàu hát về Hà Nội vừa thấy bài hát nghe quen quen, vừa cảm xúc nao nao. Ai lại giữa đêm Vũng Tàu âm vang tiếng sóng, tiếng gió lại có người hát về Hà Nội. “Anh có biết bài hát tên gì, của ai hôn?”- cô bạn bất chợt hỏi. Còn tôi thì quá bất ngờ và cũng không biết bài gì của ai. Đoán tôi “tắc tịt”, bạn nói: “Có phải em mùa Thu Hà Nội của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, quê Quảng Trị hiện đang sống ở Vũng Tàu nè. Mà anh biết hôn? Ổng sáng tác bài này khi chưa một lần ra thăm Hà Nội”… Ôi trời, nghĩ thật xấu hổ, mang tiếng sống ở Thủ đô phải để bạn tận Vũng Tàu “trích ngang" lý lịch bài hát… Nhưng nghĩ, ở tận Vũng Tàu chưa một lần đặt chân lên đất Thăng Long mà sáng tác bài hát để đời quá đỗi tài ba. Có lẽ "hương" Hà Nội rất nồng; đàn bà Hà Nội rất đẹp, nên chỉ nghe thôi... tim đã rung đến những nhịp khác lạ. Cái đẹp vốn không có biên giới cả về không gian lẫn thời gian,là thế! Cũng như Huỳnh Văn Nghệ, cũng chưa một lần ra Hà Nội, nhưng vẫn thốt lên những vần thơ hào sảng: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”!

Khi trở về Hà Nội, tìm hiểu “lai lịch” về bài hát qua báo chí mới hay, năm 1971 từ Sài Gòn trở về Đà Nẵng chơi, trong một lần giao lưu với nhóm thơ “Hàn Giang”, nhà thơ Tô Như Châu (một người bạn nhưng lớn hơn nhạc sĩ cả chục tuổi) đã khoe với Trần Quang Lộc rằng: “Tao có bài thơ này viết về Hà Nội hay lắm, mày thích tao cho”. Cầm bài thơ đánh máy dài gần 5 trang giấy, nhạc sĩ đọc lướt qua và những câu thơ lãng mạn thấm đẫm chất Hà Nội khiến Trần Quang Lộc sửng sốt. Cái hay và cũng là điểm chung, cả nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ Trần Quang Lộc đều chưa một lần đến Hà Nội, nhưng với họ, trong sâu thẳm Hà Nội rất đẹp, rất lãng mạn, nhất là vào mùa Thu. Hơn nữa, nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng tâm sự với báo chí, vùng đất Đà Nẵng thời điểm đó cũng có nhiều người Hà Nội di cư đang sống, trong đó có cả những nghệ sĩ Hà Nội, nên cảm nhận được nỗi khắc khoải nỗi nhớ da diết về Hà Nội. Là người miền Trung, gió Lào, cát trắng, nhưng thời đó Trần Quang Lộc lại rất thích ca khúc “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương, thích nghe giọng của các cô gái Hà Nội vừa dịu dàng trong trẻo, đáng yêu. Và chính ngày đó, một cô gái Hà Nội định cư vào Nam đã nằm trọn trong trái tim chàng. Chính vì thế, sau khi đọc qua bài thơ, chỉ trong một đêm “Có phải em mùa Thu Hà Nội” đã được “chào đời” để đến tận bây giờ, cứ mỗi lần nghe: “Có chắc mùa Thu lá rơi vàng tiếng gọi/Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm/Có phải em là mùa Thu Hà Nội/Nghìn năm sau ta níu bóng quay về/Ơi mùa thu của ước mơ” lòng ta không khỏi nao nao…

Hà Nội, Thu vốn đẹp, những thiếu nữ Hà Nội càng làm Thu Hà Nội đẹp mê đắm hơn (ảnh mang tính minh họa- Sở Du lịch HN)

Nếu “Có phải em mùa Thu Hà Nội” đã tạo nên tuyệt phẩm về Hà Nội, thì “Về đây nghe em” lại như một tiếng nấc về tình yêu, tình người, sự bao dung. “Về đây nghe em, về đây nghe em/Về đây thả ước mơ đi hát dạo/Để chào mời bằng hạt sương mai/Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối/Để hận thù người người lắng xuống/Và tìm nhau như tìm xót xa…/Về đây nghe em, về đây nghe em/Về đây đứng khóc trên sông nước buồn/Chở lòng người trở về quê hương/Chở hồn người vào dòng suối mát/Chở thật thà vào lòng dối trá/Và nhặt hoa xin tạ chút ơn/Hoang phế khi đã gặp nhau”! Mỗi lần gặp chuyện buồn, mỗi lần nghe và nhìn thấy “tiếng đời”, “phận người”, tình đời, tình người… với tôi cùng với “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn, “Giọt nắng bên thềm” của Thanh Tùng, thì “Về đây nghe em” của Trần Quang Lộc là những bài hát “cứu rỗi” thân phận nhất!

…Hà Nội đang trải qua một mùa nắng, chỉ vài tháng nữa thôi, Thu lại về. Khắp trên phố phường của Thủ đô yêu dấu nắng lại rải vàng như giọt mật, gió heo may thổi bay tóc mềm thiếu nữ và khi đó “Có phải em mùa Thu Hà Nội” sẽ lại vang lên. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã trở về trong lòng đất mẹ mến yêu, song với những người Hà Nội, người yêu Hà Nội thì “Có phải em mùa Thu Hà Nội’ sẽ còn sống mãi!

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/con-mai-co-phai-em-mua-thu-ha-noi-109197.html