'Con ma' và Chiến dịch 'Bình minh' trên bầu trời Ai cập

... Các tổ hợp S-75 dù đã thể hiện mình xuất sắc tại Việt Nam, nhưng lại đã lại không thể bắn hạ được một chiếc máy bay Israel nào (tại Ai Cập)...

Lời giới thiệu: Nhân những thông tin gần đây về việc "Nga cho phép Ai Cập sản xuất T-90MS” và mới bàn giao Su-35 cho Ai Cập, xin được giới thiệu một bài báo của chuyên gia quân sự Nga Archem Navilaiko về một giai đoạn trong lịch sử các cuộc chiến tranh Israel- các nước A rập cùng thời với cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta.

Bài viết với tiêu đề trên đăng trên “Bình luận quân sự,“Tài liệu quân sự” (Nga) và một số báo khác ngày 28/6/2020. Chúng tôi có mở ngoặc đôi chỗ để làm rõ hơn thông tin.

Tròn nửa thế kỷ trước, các nhà lãnh đạo Ả Rập cho rằng họ đã tìm ra được một chiến lược hoàn hảo để đối đầu với Israel.

Và chiếc lược đó là- thay vì phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn với kết quả có thể thấy trước là một thất bại nhanh chóng và đau đớn, người A rập đã quyết định “chơi trên sân nhà” – tức là (tiến hành một cuộc chiến) từ từ, kéo dài và bất chấp tổn thất. Vậy đã có chuyện gì không ổn xảy ra?

Tôn Tử vĩ đại đã từng nói: "Phải biết chính mình và biết kẻ thù. Người Ả Rập không biết mình và cũng không biết kẻ thù.

Câu chuyện này bắt đầu từ thảm họa bất ngờ trong Cuộc chiến tranh Sáu ngày (Chiến tranh giữa các nước Ả rập và Israel từ 5-10/6/1967-ND). Những sân bay bốc cháy, hàng loạt máy bay xếp hàng ngũ chỉnh tề trên sân bay như chuẩn bị tham gia duyệt binh - cũng bốc cháy.

Vài ba chiếc MiG cất cánh được cũng đã bị bắn hạ ngay. Còn trên mặt đất - các đoàn xe tăng "Centurions" chỉ đi được vài chục km mỗi ngày ngang qua sa mạc. Các phương tiện kỹ thuật bị bỏ lại, hàng ngàn tù binh, "Con đường Tử thần" nổi tiếng trên đèo Mitla - và cái cảm giác đã bị đánh bại hoàn toàn.

Không ảnh chụp con đường qua đèo Mitla (tức “Con đường Chết”) cùng các phương tiện kỹ thuật quân sự Ai Cập bị phá hủy

Không ảnh chụp con đường qua đèo Mitla (tức “Con đường Chết”) cùng các phương tiện kỹ thuật quân sự Ai Cập bị phá hủy

Bức ảnh trên gợi lại một số cảm giác mơ hồ quen thuộc nào đó, phải không ạ? Nhưng tại các nước Ả Rập, cho đến tận bây giờ người ta vẫn không thích nhắc lại cuộc chiến tranh này, khác hẳn với người Nga- người Nga vẫn luôn nhớ về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, - người A rập không thích nhắc đến vì đã không thể kết thúc cuộc chiến ngay tại thủ đô của kẻ thù.

Chỉ một vài tháng sau (cuộc Chiến tranh Sáu ngày kết thúc), Liên Xô đã gửi hàng trăm xe tăng và máy bay mới đến Trung Đông (cho các nước Ả Rập).

Có những kẻ độc mồm độc miệng nói đùa: có lẽ tốt hơn cả là bán trực tiếp chúng (những xe tăng và máy bay đó) cho Israel, khỏi phải qua khâu trung gian không mấy giỏi giang chăng?

Còn các vị độc giả- chắc chắn các vị sẽ nói ngay: thật là ngu ngốc nếu sau khi vừa mới bị thảm bại trong một cuộc chiến tranh lại đã gần như ngay lập tức phát động một cuộc chiến tranh mới! Nhưng xin các vị hãy nhìn nhận tình hình bằng con mắt của các chính trị gia Ả Rập.

Về cơ bản, họ còn có thể làm gì? Dậm chân đe dọa và ký các nghị quyết Khartoum mới ư (với các nội dung: không hòa bình, không công nhận và không đàm phán với Israel) và thề là sẽ trả thù một cách khủng khiếp ư ?

Cho đến mùa hè năm 1967 (trước cuộc Chiến tranh Sáu ngày), thì những lời đe dọa như vậy quả là có đáng sợ thật, nhưng bây giờ - chúng chỉ làm người ta (Israel) mỉm cười mà thôi.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo của các nước Ả Rập đã quyết định tiếp tục chiến tranh. (Vì) bất kỳ một nỗ lực đàm phán nào đòi trả lại các khu vực lãnh thổ người Israel chiếm đóng đều đồng nghĩa với sự phản bội "sự nghiệp Palestine", và điều quan trọng nhất- chỉ có thể được tiến hành các cuộc đàm phán như vậy nếu như công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel.

Như vậy thì đồng ý tiến hành đàm phán- có nghĩa là chấp nhận một thất bại. Đồng bào các nước A rập sẽ không tha thứ cho bất kỳ nhà lãnh đạo của bất kỳ nước Ả Rập nào nếu họ dám làm những việc như vậy.

Chúng ta hãy nhớ đến Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, người đã bị chính các quân nhân dưới quyền mình bắn chết ngay tại Lễ duyệt binh “vinh danh” cuộc Chiến tranh Tháng Mười (Chiến tranh Ả Rập- Israel từ 6 đến 24 tháng Mười năm 1973- ND).

Sát hại Tổng thống Ai Cập Anvar Sadat, năm 1981

Không còn con đường nào khác.

Những tổn thất đã được bù đắp đủ- Liên Xô với sự hào phóng không giới hạn của mình, đã chuyển giao cho Cairo tất cả những trang thiết thiết bị kỹ thuật quân sự- vũ khí- khí tài cần thiết.

Cùng với vũ khí, còn có hàng trăm sĩ quan từ Liên Xô lên đường đi cùng một tuyến đường trên– để cuối cùng cũng có thể dạy cho người Ai Cập cách đánh nhau.

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, (quân số) Quân đội của Ai Cập đã nhiều hơn so với thời kỳ trước chiến tranh và đến đầu năm 1969, Tổng thống Nasser đã sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu để giành chiến thắng. Vâng, chí ít thì cũng là ông ấy đã rất tin vào một chiến thắng như vậy.

Câu hỏi đặt ra không phải là có nên đánh nhau với Israel hay không. Vấn đề là ở chỗ làm chuyện đó như thế nào.

“Nếu những hành động của kẻ thù dẫn đến tổn thất sinh mạng 3.000 người (Ả Rập) trong chiến dịch này, chúng ta vẫn có thể tiếp tục chiến đấu, vì chúng ta có nguồn dự trữ nhân lực. Nếu hành động của chúng ta dẫn đến thương vong 10.000 binh sỹ kẻ thù, nó (kẻ thù) sẽ buộc phải ngừng chiến đấu vì không còn nhân lực".

Và Nasser quyết định đã đến lúc phải thanh toán món nợ năm 1967. Theo tinh thần: Vâng, chúng ta (Ai Cập) hiện chưa thể đánh bại được Israel - nhưng chúng ta có thể bóp nghẹt nền kinh tế của nó vì nó luôn phải động viên lực lượng.

Pháo kích hàng ngày, tiến hành các hoạt động biệt kích phá hoại. Một cách thường xuyên. Đều đều. Cho đến khi Israel phải đồng ý trả lại Sinai, hoặc tốt hơn nữa - cả dải Gaza và cao nguyên Golan.

Người Ả Rập đã tự huyễn hoặc mình!

Vâng, ưu thế về pháo binh của người Ai Cập gần gấp mười lần – vì có nguồn cung cấp từ Liên Xô. Đúng vậy, Israel không thể liên tục động viên một số lượng lớn người, theo đúng nghĩa đen là “dứt” họ ra khỏi nền kinh tế của đất nước, và quân đội Israel rất nhạy cảm trước các tổn thất.

Vâng, Ai Cập đã có cơ hội. Nhưng như người ta thường nói- ma quỷ thường ẩn mình trong các chi tiết: sự nghiệp của người Ả Rập có thể thành công nếu người Israel hành động theo đúng kịch bản mà người Ai Cập chuẩn bị cho họ.

Và quan trọng nhất, nếu Israel đã không huy động "khối tài sản" chính đã mang lại thành công cho họ trong năm 1967 – đó chính là không quân.

Các máy bay Israel trong cuộc Chiến tranh Tiêu hao

Vào tháng 3/69, Tổng thống Nasser tuyên bố tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao toàn diện.

Vào thời điểm đó, Quân đội phòng vệ Israel đã xây dựng được tuyến phòng ngự Bar-Leva trên Kênh đào, và người Ai Cập, sau một loạt vụ cho biệt kích xâm nhập, cũng đã xây dựng xong quanh các mục tiêu quan trọng của mình các tuyến bảo vệ.

Người Ả Rập bắt đầu liên tục nã pháo vào các trận địa phòng ngự của Israel ở bờ Đông Kênh đào. Và rồi điều phải xảy ra đã xảy ra: Israel đáp trả bằng những cuộc không kích quy mô lớn.

Những cuộc không chiến đầu tiên bắt đầu. Và rồi, đột nhiên, người Ả Rập đã nhận ra được một sự thật hiển nhiên- họ không biết phải làm gì trước thực tế này.

Không, nói cho công bằng thì thực ra họ cũng đã học được khá nhiều bài học từ thảm họa năm 67.

Giờ đây, các căn cứ không quân Ai Cập đã được bảo vệ bởi một hệ thống pháo cao xạ và các tổ hợp tên lửa phòng không bố trí dày đặc, các máy bay nằm ở các vị trí cách xa nhau trong các gara chứa, hầu hết các phi đội máy bay tiêm kích đều có ít nhất hai sân bay.

Chỉ có điều là tuy như vậy nhưng cũng không làm thay đổi được cán cân lực lượng- trong cuộc chiến tranh này, người Israel lại không có kế hoạch tấn công các sân bay.

Các vị có phi công không?

Trước cuộc Chiến tranh Sáu ngày, Ai Cập đã có 224 phi công đủ điều kiện điều khiển máy bay phản lực một chỗ ngồi. Ba mươi ba trong số đó đã chết, khoảng một chục người đã bị bắt làm tù binh và khoảng vài chục người khác nữa đã không cầm cần lái vì nhiều lý do khác nhau.

Trên thực tế, vào một số thời điểm , mỗi phi công chiến đấu Ai Cập có 2 máy bay. Và không có một phương pháp nào để giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.

Tình hình còn trở nên tệ hơn vì bầu không khí luôn tìm kiếm những kẻ thù mới ngay trong nội bộ. Hàng chục phi công dày dạn kinh nghiệm và các sĩ quan không quân cao cấp đã bị bắt và tống vào tù vì bị nghi ngờ là không trung thành.

Một số phi công đã bị đuổi khỏi Không quân Ai Cập chỉ vì đã quan tâm tháí quá đến các máy bay của Israel. Những phi công này đơn giản chỉ cố gắng tìm hiểu các tính năng kỹ- chiến thuật của "Mirage” Israel, nắm bắt chiến thuật tiến hành các trận không chiến của kẻ thù - và cũng không thể hiện sự tin tưởng hoàn toàn vào ưu thế tổng thể của MiG-21. Vì vậy, họ ngay lập tức được lôi cổ "xuống đất".

Mọi việc đã đến mức vô lý: sau cuộc Chiến tranh năm 1967, những phi công trở về sau khi bị bắt làm tù binh đã ngay lập tức bị cấm không cho bay. Nhưng cũng nói thêm là quyết định này đã bị hủy chỉ một vài tháng sau đó vì một lý do rõ ràng. Không còn ai để bay.

Trong những năm 1960, mỗi phi công Israel trung bình “tích lũy” khoảng 600-800 giờ bay. Một phi công Ả Rập – tối đa chỉ là 150 giờ. Người Syria thường giảm thời gian một khóa đào tạo phi công xuống còn chỉ còn sáu tháng để có được chí ít là một người có thể đưa được máy bay lên trời.

Vì vậy, mới có cảnh những phi công chưa được đào tạo đến nơi đến chốn vừa mới tập ngồi trong buồng lái một mình đã phải đối đầu với những người (phi công Israel) từng tham gia cuộc Chiến tranh năm 1956.

Bạn đọc có ngạc nhiên không khi trong những năm đó cứ một máy bay Israel bị bắn hạ thì có tới 10 máy bay Ả Rập chịu số phận tương tự?

Người Ai Cập bằng mọi cách mở thêm các khóa đào tạo phi công và lấy gần như tất cả các ứng viên phù hợp cho công việc này. Xin hãy so sánh với khóa học bay với khẩu hiệu "chọn những người tốt nhất làm phi công " của Israel, với tỷ lệ loại là 98% ứng cử viên.

МiG-21 trên bầu trời Ai Cập

Các giáo viên hướng dẫn bay cho các phi công trẻ Ai Cập có thể là bất cứ ai- người Ấn Độ, người Pakistan, và cả các chuyên gia Liên Xô. Một số thiếu sinh quân đã được cử đến Liên Xô – những người này thường được đào tạo cơ bản hơn.

Nhưng dù có muốn đến mấy thì cũng không thể biến một học viên chưa từng được đào tạo thành một phi công tốt chỉ trong một năm được, nhưng khi đó Ai Cập không còn có ai khác.

Tất cả những điều trên đã dẫn đến một kết quả hợp quy luật - Ai Cập đã gần như ngay lập tức thua trong cuộc chiến trên không..

Trong suốt năm 1969, người Ả Rập chỉ có thể bắn hạ được nửa tá (6 chiếc) máy bay Israel, nhưng đã mất tới từ 30 đến 50 chiếc máy bay của riêng mình và chỉ thắng duy nhất có một lần trong các cuộc không chiến, và trận thắng này- lại do các phi công làm trái với các chỉ dẫn từ mặt đất.

Các cố vấn Liên Xô có mặt tại hầu hết các đơn vị Ai Cập- từ cấp tiểu đoàn bộ binh cho đến Bộ Tổng tham mưu. Chỉ có điều là đến lúc đó có không nhiều hiệu ứng từ những hoạt động của họ.

Suốt cả mùa hè, hai bên liên tục tiến hành các đòn tấn công nhằm vào nhau: để trả đũa các trận pháo kích của Ai Cập, các máy bay Israel xuất kích bay qua Kênh đào. Vào tháng 9, Israel đã tiến hành chiến dịch "Quỷ dữ" nổi tiếng - một cuộc đột kích vào bờ Tây Vịnh Suez bằng các phương tiện kỹ thuật chiến lợi phẩm.

Một đoàn 6 chiếc T-55 chiến lợi phẩm được các máy bay “Skyhawk” yểm trợ, đã “quét” qua các trận địa của Ai Cập, đã nghiền nát theo đúng nghĩa đen của từ này một số tổ hợp S-75, các trạm radar và một tướng Ai Cập đang cố gắng ngăn những kẻ tấn công.

Thương vong về phía Israel - ba quân nhân và một máy bay “Skyhawk”. Tại một trong các trận địa tên lửa phòng không, sau đợt tấn công của “Skyhawk”, đã có 2 cố vấn Liên Xô thiệt mạng- Đại tá Vasily Korneev và Thiếu tá Pavel Karasev. Họ là những nạn nhân " Xô Viết đầu tiên của một cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel mới.

Các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 của Liên Xô ở Ai Cập, 1967

Người Do Thái trên thực tế đã không còn coi các phi công Ai Cập là mối đe dọa nghiêm trọng nữa. Thay vì bay đôi như truyền thống, các phi công Israel giờ chuyển sang bay chiến đấu từng chiếc một, không cần hỗ trợ cho nhau.

Tất cả là để bắn hạ các máy bay Ả Rập nhanh hơn bạn chiến đấu của mình và nhanh chóng bổ sung vào “tài khoản”. Đây đã không còn là một cuộc chiến tranh, mà đã là một cuộc đi săn.

Tổng thống Nasser bị đau tim từ những gì đã trải qua. Ngày hôm sau, người Ai Cập đã cố gắng đáp trả bằng không quân. Trong đợt tấn công đầu tiên- các MiG-17 và Su-7 đã tiếp cận được các mục tiêu ở Sinai.

Nhưng ác tốp máy bay Ai Cập thứ hai và thứ ba “đã được” hai phi đội Israel rộng tay chào đón. Kết quả thật đáng buồn: người Ai Cập đã mất một tá (12 chiếc) máy bay, đổi lại- một chiếc “Mirage” bị bắn hạ và một số trận địa tên lửa phòng không bị tấn công.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàngcòn tiếp

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/con-ma-va-chien-dich-binh-minh-tren-bau-troi-ai-cap-3415532/