Con lớp 1 đóng tiền cây cảnh, mua tăm: Khó hiểu

Dù đã thống nhất các khoản nhỏ vặt sẽ sử dụng quỹ phụ huynh nhưng nhà trường vẫn kê thêm hàng loạt khoản đóng vô lý như: tiền cây cảnh, tăm tre...

Mới đây phụ huynh Nguyễn Nga có con học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Tiên Du, Bắc Ninh chia sẻ biểu thu tiền đóng học của con trai khiến chị này bức xúc.

Biểu thu được phụ huynh chụp lại.

Biểu thu được phụ huynh chụp lại.

Theo chị Nga, trong các khoản thu có tiền đồng phục, tài liệu, sách tiếng Anh, vở ô ly, thẻ, tin nhắn, BHYT, quỹ phụ huynh, giấy thi và đặc biệt có cả tiền tăm, ghế inox và cây cảnh.

Điều khiến chị Nga khó hiểu là, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm cả nhà trường và phụ huynh đã thống nhất các khoản chi lặt vặt như tăm, giấy thi... sẽ được trích từ quỹ phụ huynh. Thế nhưng, tới thời điểm này chị lại nhận được file báo thu từ nhà trường bao gồm cả tiền cây cảnh, tiền tăm và ghế inox thu riêng.

"Con đã đóng 300.000 đồng tiền quỹ phụ huynh, không hiểu sao mấy khoản này lại kê vào bắt phụ huynh đóng tiền nữa? Quỹ phụ huynh để làm gì? Con nhà em không ăn bán trú thì mua tăm làm gì?", chị Nga thắc mắc.

Theo chị Nga, có rất nhiều khoản không hiểu đóng để làm gì?

"Tiền cơ sở vật chất đáng lẽ phải bao gồm hết cả tiền mua ghế rồi chứ? Từ đầu năm tới giờ mấy triệu rồi, không hiểu nổi", vị phụ huynh này bức xúc.

Chị Nga cũng cho biết đã có ý kiến về các khoản đóng góp vô lý với cô giáo chủ nhiệm, tuy nhiên, trong lớp có tới 99% phụ huynh đồng ý, chỉ một mình chị có ý trái chiều, vì điều này nên chị có thắc mắc cũng không thay đổi được tình hình mà thậm chí còn khiến con chị luôn bị để ý "đặc biệt".

Chia sẻ của chị Nga cũng là thắc mắc chung của nhiều phụ huynh khác. Theo đó, việc đóng tiền mua ghế được các phụ huynh chia sẻ, các con ngồi xong không mang về mà năm nào cũng đóng, học sinh nào cũng mua vậy thì ghế ngồi và số tiền này đi đâu?

Đó là chưa nói tới việc dù phiếu thu đóng tiền ghi ghế inox nhưng trên thực tế, con chị vẫn đang ngồi ghế nhựa trong các giờ chào cờ.

Tương tự, cây cảnh cũng vậy, học sinh lớp 1 thì làm sao biết cầm kéo cắt tỉa cây cảnh, mà chi phí đáng lẽ cũng phải nằm trong khoản chi cho vệ sinh, chỉnh trang trường học, sao lại bắt học sinh phải đóng tiền cây cảnh?

Chị Vũ Mai Thanh thắc mắc "vở ô ly chán đời nhất luôn, bao nhiêu vở đẹp ở ngoài không cho mua, bắt mua vở ở trường rất xấu".

Chị Mai Thanh cũng cho biết, chỉ đóng riêng các khoản bắt buộc cho 3 đứa con đầu năm gồm: sách vở, đồng phục, các khoản phí khác cũng đã tốn cả 10 triệu đồng. Vì thế, các khoản phụ thu không hợp lý khác chị không đóng.

Lạm thu, có bao nhiêu người bị xử lý?

Liên quan tới việc này, trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Từ chỉ đạo trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu, chi. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo văn bản trên, có 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tại TP HCM, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu ngay từ đầu năm học, trường phải thỏa thuận chủ trương với phụ huynh học sinh để có cơ sở lựa chọn và quyết định tổ chức các hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, khi bình luận về việc này, nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1, TP HCM thẳng thắn rằng dù phụ huynh phản ánh, dư luận lên tiếng nhưng thử hỏi có bao nhiêu trường hợp lạm thu bị xử lý đến nơi đến chốn hay cơ quan quản lý chỉ nhắc nhở qua loa là xong. Nhiều trường còn tận thu theo cách chia nhỏ các khoản đóng góp khiến phụ huynh nghĩ rằng những khoản đó không đáng bao nhiêu nên đóng cho xong.

"Dù Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định đề nghị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu; nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định nhưng thống kê đến nay có bao nhiêu người đứng đầu nhà trường bị xử lý?" - vị này đặt câu hỏi.

Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh bức xúc cứ than, tiền vẫn mất, tình trạng lạm thu vẫn cứ diễn ra.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/con-lop-1-dong-tien-cay-canh-mua-tam-kho-hieu-3420377/